Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Xây dựng nhà máy sợi dệt 627 tỷ đồng
09/12/2018 15:24:53
Dự án Nhà máy sợi dệt An Phước kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu trồng cây gai tại xã Cẩm Tú (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), có tổng vốn đầu tư 627,9 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 4/3/2016.

Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước (có địa chỉ tại số 9A, ngõ 133 phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án được xây dựng trên diện tích 40.447 m2 với tổng vốn đầu tư 627,9 tỷ đồng, thực hiện trong 50 năm. Nhà máy dự kiến có công suất 10.000 cọc sợi/năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tiến độ của nhà máy dệt sợi An Phước

(Ảnh: Xuân Nghĩa)

Được khởi công xây dựng vào tháng 3/2016, ban đầu dự kiến sẽ hoàn thành nhà máy và đi vào hoạt động từ tháng 2/2017. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ vẫn chưa thể hoàn thành theo kế hoạch.

Hiện nay, tiến độ thi công của nhà máy đã đạt 80% khối lượng, phần thiết bị đã tập kết đầy đủ và chuẩn bị lắp máy vào vận hành chạy thử.

Trước đó, để phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy, ngày 26/5, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã công bố đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tính đến hết tháng 8/2018, tổng diện tích cây gai xanh trên toàn huyện Cẩm Thủy là 85,34 ha.

Tại cuộc kiểm tra tiến độ của Nhà máy sợi dệt An Phước ngày 4/12, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao dự án này. Đồng thời, cam kết tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ tạo điều kiện hình thành đủ vùng nghiên liệu cho nhà máy sản xuất ổn định.

Ông Quyền chỉ đạo các sở, ngành có liên quan sớm hoàn thiện thủ tục hồ sơ để công ty triển khai xây dựng các hạng mục còn lại của dự án; huyện Cẩm Thủy sớm tổng kết các mô hình trồng cây gai xanh để có kế hoạch mở rộng phát triển cây gai xanh. Bên cạnh đó, tập trung tích tụ ruộng đất, áp dụng thâm canh, cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch cây gai xanh để đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện cho nông dân vay vốn thông qua các kênh tín dụng để sản xuất cây gai.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến