Lãi suất liên ngân hàng đi xuống nhờ thanh khoản dồi dào
So với đầu năm nay, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm hơn 1%, các kỳ hạn khác cũng giảm từ 0.2 – 0.7%. Cụ thể tính đến ngày 15/01, lãi suất vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng chỉ còn 3.58%, 1 tuần 4.2%, 2 tuần 4.65%, 1 tháng 4.79% và 3 tháng 4.98%. Việc lãi suất qua đêm giảm nhanh trong nửa đầu tháng 1 cho thấy thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện đáng kể.
Diễn biến lãi suất trên thị trường 2 đang có dấu hiệu rớt khá nhanh
Điều này không chỉ được bắt nguồn từ số dư huy động vốn của các ngân hàng tăng trưởng tích cực mà còn đến từ động thái bơm tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với số lượng khá lớn thông qua kênh mua ngoại tệ. Cụ thể, sau khi mua đến 6 tỷ USD trong năm 2018, nhà điều hành tiếp tục mua ròng một lượng lớn ngoại tệ ngay trong những ngày đầu năm.
Thống kê cho thấy sau khi liên tiếp tăng tỷ giá trung tâm trong nửa tháng qua đồng thời tăng mạnh 500 đồng giá mua vào USD ở Sở giao dịch NHNN ngay ngày làm việc đầu năm, với mục tiêu mua mạnh ngoại tệ từ các NHTM, thì thực tế cơ quan này đã mua được một lượng ngoại tệ lớn trong 2 ngày 07 và 08/01, theo như lời chia sẻ của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.
Tiếp đếp trong những ngày đầu tuần này, NHNN đã mua ròng hơn 1.3 tỷ USD. Như vậy, chỉ tính riêng tuần qua, đã có hơn 30 nghìn tỷ đồng được bơm ra thị trường. Lượng thanh khoản được bơm ra chắc chắn còn lớn hơn nhiều dựa trên lượng ngoại tệ mua vào trong những ngày đầu năm kể trên, dù không được công bố số liệu cụ thể.
Điều này giúp thanh khoản tiền đồng của hệ thống trở nên dồi dào trở lại ngay từ đầu năm. Diễn biến trên thị trường mở phần nào khắc họa được bức tranh này, khi chỉ trong 2 tuần đầu năm nay NHNN đã hút ròng hơn gần 30 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng tuần đầu tiên của tháng 1 đã hút ròng gần 46.8 nghìn tỷ, dù vậy lãi suất trên thị trường 2 vẫn liên tục đi xuống. Động thái hút ròng của NHNN cũng được xem là để cân đối lại nguồn vốn đã bơm ròng mạnh mẽ trong 2 tuần cuối năm 2018, cũng như để phần nào trung hòa lượng tiền đồng được bơm ra thông qua kênh mua ngoại tệ.
Một số ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi
Dù trong bối cảnh không chịu quá nhiều áp lực thanh khoản vào thời điểm hiện nay, nhất là khi nhiều khách hàng đang tích cực hoàn trả các khoản vay trước Tết, thì một số ngân hàng đã tiếp tục tăng lãi suất huy động vốn từ đầu năm đến nay, theo đó xu hướng lãi suất trên thị trường 1 đi ngược chiều với thị trường 2.
Như BIDV mới đây tăng thêm 0.2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng, tăng 0.4% ở kỳ hạn 3 tháng, các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng cũng tăng tương ứng 0.2 và 0.1%. Hay như VIB mới đây cũng tăng lãi suất 0.1% ở kỳ hạn 1-2 tháng, đặc biệt tăng mạnh 0.8% ở kỳ hạn 6 tháng, 0.6% ở kỳ hạn 7-8 tháng và 0.5% ở kỳ hạn 9-11 tháng. Ngoài ra, một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng chứng kiến sự tăng mạnh ở lãi suất huy động đầu vào, như ACB, Techcombank, LienVietPostBank,... tiếp nối xu hướng gia tăng từ quý 4 cuối năm 2018.
Điều này có thể được lý giải là do các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh huy động vốn để chuẩn bị cho việc đẩy mạnh phát triển kinh doanh trong năm mới, đặc biệt là nhu cầu vay vốn hiện nay vẫn đang ở giai đoạn cao điểm, nhất là vay vốn tiêu dùng mua sắm Tết. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là các nhà băng đang nhắm đến việc thu hút lượng tiền gửi dồi dào trong thời điểm ngày càng về gần cuối năm Âm lịch.
Thật vậy, đây đang là giai đoạn dòng tiền kiều hối từ nước ngoài đổ về rất mạnh, do đó ngân hàng nào có lãi suất cao hoặc chương trình khuyến mãi hấp dẫn có thể thu hút được dòng vốn này chuyển thành tiền đồng và gửi ngân hàng. Số liệu công bố mới đây cho thấy riêng TP HCM đã đón nhận hơn 5 tỷ USD kiều hối đổ về trong năm 2018 vừa qua. Các công ty kiều hối của các ngân hàng thương mại cũng đang tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài.
Chẳng những vậy, đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp chi lương bổ sung, thưởng tết cho người lao động, do đó lượng tiền trong dân cư là rất dồi dào và nhiều người thường có lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng, khi mà các kênh đầu tư khác đang trải qua thời kỳ khá ảm đạm. Ngoài ra, nhiều khoản tiền gửi tiết kiệm thường đáo hạn vào cuối năm cũng sẽ “nhìn trước ngó sau” để lựa chọn ngân hàng nào đang có lãi suất hấp dẫn để lựa chọn gửi vào.
Một dòng tiền khác cũng có thể gia tăng mạnh trong những ngày này đó là lượng tiền của các tổ chức, doanh nghiệp được thanh toán tiền hàng, khi mà càng về cuối năm các doanh nghiệp cũng luôn tăng cường thu hồi các khoản phải thu, đốc thúc đối tác thanh toán chi trả trước Tết Nguyên đán. Và thông thường các doanh nghiệp sau đó cũng có thời gian nghỉ xả hơi đến sau Tết mới đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trở lại, do đó lượng tiền nhàn rỗi này cũng tạm gửi vào ngân hàng, vì vậy các ngân hàng cũng ra sức điều chỉnh lãi suất lên mức hấp dẫn hơn để thu hút khách hàng gửi tiền.
Đó chỉ là một vài trong số những nguyên nhân lý giải cho động thái tăng lãi suất ngay từ đầu năm Dương lịch của các ngân hàng. Tuy nhiên, chính vì động cơ tăng lãi suất để thu hút lượng tiền gửi dồi dào trước tết Nguyên đán, nên khả năng sau Tết mặt bằng lãi suất có thể ổn định trở lại thậm chí không loại trừ trường hợp các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm trở lại.
Do sau Tết cũng thường chứng kiến huy động vốn của các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng rất mạnh, do nhiều người có thói quen gửi tiền đầu năm mới để lấy may mắn, cũng như để được hưởng các chương trình khuyến mãi, lì xì đầu năm của ngân hàng. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn cùng thời điểm lại rất yếu, một phần do tâm lý ngại vay mượn ngay đầu năm, phần khác là do các hoạt động sản xuất kinh doanh sau Tết cũng chưa hoàn toàn được tập trung đẩy mạnh trở lại.
Dù trong bối cảnh không chịu quá nhiều áp lực thanh khoản vào thời điểm hiện nay, nhất là khi nhiều khách hàng đang tích cực hoàn trả các khoản vay trước Tết, thì một số ngân hàng đã tiếp tục tăng lãi suất huy động vốn từ đầu năm đến nay, theo đó xu hướng lãi suất trên thị trường 1 đi ngược chiều với thị trường 2. |
Theo FILI
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy