POS (Point of Sale) là máy chấp nhận thanh toán thẻ, máy POS sẽ kết nối Internet với ngân hàng thanh toán để khi có yêu cầu từ khách hàng, ngân hàng có thể xác minh thẻ và chấp nhận thanh toán. Máy POS không phân biệt khách hàng dùng thẻ ATM do ngân hàng nào phát hành. Hiện nay, với công nghệ hiện đại, máy POS còn chấp nhận thanh toán qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, người dùng cài ứng dụng và áp điện thoại vào máy POS là có thể giao dịch bình thường như với thẻ ATM.
Chính vì những tính năng thuận tiện này, trên toàn thế giới, các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng… đều có máy POS để khách hàng sử dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 12/2017, trên toàn quốc có 17.558 ATM và 268.813 POS (tăng 10% so với 2016). Trong năm 2017, giá trị giao dịch thanh toán qua hệ thống ATM/POS tăng 34% so với năm 2016; số lượng giao dịch qua POS đạt gần 136 triệu giao dịch (tăng khoảng 40% so với năm 2016); giá trị giao dịch đạt trên 318.000 tỷ đồng (tăng khoảng 27% so với năm 2016).
Tăng trưởng trên cho thấy việc thanh toán qua POS đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Chính phủ và NHNN đang đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy vậy, dù máy POS chỉ chấp nhận thanh toán một số ít thẻ quốc tế tại Việt Nam để kiểm soát dòng tiền; nhưng với máy POS trái phép, việc “chảy máu” ngoại tệ rất dễ dàng diễn ra.
Vừa qua, tại Hạ Long (Quảng Ninh), lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 200.000 Nhân dân tệ, tương đương 700 triệu đồng đã chuyển thẳng ra nước ngoài qua máy POS mà không qua bất cứ một hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam.
Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã nói rõ: Hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng phát luật; kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh tỷ giá, ngoại hối không đúng quy định của pháp luật; xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt không đúng quy định của pháp luật…có thể bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng; có thể bổ sung thêm hình thức phạt là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam.
Vì thế, để ngăn chặn những vụ việc tương tự có thể tiếp diễn, trong trao đổi với báo chí, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, Thống đốc NHNN đã yêu cầu tất cả chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo với UBND các tỉnh, thành phố để phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương thanh tra, kiểm tra và phát hiện kịp thời các hành vi phạm.
Tuy nhiên, vị này cũng nhìn nhận, đây là vấn đề không chỉ liên quan đến hoạt động ngân hàng (thanh toán và quản lý ngoại hối) mà còn liên quan đến các vấn đề về quản lý, mua bán hàng hóa, quản lý thuế… nên cần sự vào cuộc của các bộ, ngành chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông…
Trong một hội thảo gần đây, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (NHNN) cho hay, thanh toán trực tuyến là nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại, nhưng thanh toán trực tuyến cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn từ gian lận và tội phạm công nghệ cao có tính tổ chức, xuyên biên giới. Do đó, việc đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến không còn là trách nhiệm của riêng cơ quan, tổ chức, cá nhân nào mà của toàn xã hội.
Theo Báo Hải quan
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy