Dòng sự kiện:
Thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế gần 28.000 tỷ đồng
17/11/2014 10:39:59
ANTT.VN – Trong báo cáo tổng hợp của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình cho thấy, qua công tác thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế gần 28.000 tỷ đồng, kiến nghị, thu hồi về ngân sách nhà nước trên 13.000 tỷ đồng.

Tin liên quan

Về thanh tra, về giải quyết khiếu nại tố cáo và tiếp công dân, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo, tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc, triển khai chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị, Luật tiếp công dân, đôn đốc chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài. Chỉ đạo người đứng đầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, đối thoại công khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc.

Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch và  thành lập các đoàn thanh tra, tổ công tác để giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo. Nhiều địa phương, các cấp chính quyền đã có thể lãnh đạo được cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và đoàn Luật sư đã tạo chuyển biến tích cực cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đến nay đã giải quyết được 500/528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đạt được 94,7%.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch tiếp tục giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp khác. Các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra, rà soát 532 vụ việc trong đó có 241 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo trước Quốc hội

Trong công tác phòng chống tham nhũng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện về thể chế về phòng chống tham nhũng, chỉ đạo xây dựng đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát tài sản, đã ban hành và triển khai thực hiện quy định và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng trong ngành thanh tra và công khai tiếp tục thanh tra”.

Xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường phối hợp với mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại tố cáo. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Công tác thanh tra và xây dựng ngành thanh tra sẽ tập trung chỉ đạo công tác thanh tra và xử lý thanh tra nhất là lĩnh vực liên quan đến ngân sách nhà nước, tài sản công. Công tác thanh tra đã triển khai trên 5.500 cục thanh tra hành chính trên 132.000 cục thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế gần 28.000 tỷ đồng, kiến nghị, thu hồi về ngân sách nhà nước trên 13.000 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính với 873 tập thể và trên 1.500 cá nhân, chuyển cho cơ quan điều tra xử lý 34 vụ việc.

Tiếp tục hoàn thiện bộ máy, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất của cán bộ công chức trong ngành thanh tra. Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2025, toàn diện đến năm 2035.

Báo cáo tổng hợp của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện có những việc đã đạt kết quả bước đầu, và có nhiều việc chưa đạt yêu cầu. Việc thu hút cho đầu tư nông nghiệp nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nguồn nong sản còn nhiều khó khăn, quản lý giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp còn nhiều bất cập.

Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển nhất là việc cải thiện đầu tư môi trường kinh doanh. Kỉ luật, kỉ cương nhiều nơi chưa nghiêm, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực chưa cao. Công tác quản lý thông tin truyền thông còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt an ninh, an toàn mạng.

Bội chi ngân sách còn cao, nợ công tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong thời gian ngắn hạn, cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh. Chất lượng giáo dục đại học, dạy nghề còn nhiều hạn chế. Giải quyết thất nghiệp cho sinh viên ra trường và thanh niên nông thôn còn nhiều khó khăn. Tình trạng khiếu nại tố cáo còn nhiều phức tạp, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu thực hiện các mục tiêu để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước…

Thu Thủy

 
 
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến