Dòng sự kiện:
Thành ủy TP.HCM nói về việc mua tin tố cáo tham nhũng, tiêu cực
03/11/2023 08:24:48
Về mức chi tối đa là 10 triệu đồng mỗi tin, hiện vẫn chưa có thước đo cụ thể để xác định số tiền này nhiều hay ít, hoặc đáp ứng mong muốn của người cấp tin hay không.

Toàn cảnh buổi họp báo ngày 2/11. (Nguồn: Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh)

Liên quan đến quy định mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành, chiều 2/11, trao đổi với báo chí, ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Thành phố cho biết, mục đích ban hành quy định này nhằm xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định, quy trình trong tổ chức, hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Thành phố.

Theo ông Trần Quốc Trung, từ trước đến nay, việc ghi nhận thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai theo các quy định.

Thông tin phản ánh được tiếp nhận qua nhiều kênh như tiếp công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, kiểm tra, thanh tra, giám sát...

Về mức chi tối đa là 10 triệu đồng mỗi tin, ông Trần Quốc Trung cho biết, mức chi này thực hiện theo Hướng dẫn số 53 - HD/VPTW ngày 16/7/2015 của Văn phòng Trung ương Đảng về một số điểm về chế độ mật phí đối với Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy; Công văn số 900-CV/BNCTW ngày 5/5/2014 của Ban Nội chính Trung ương về nghiệp vụ mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Hiện, chưa có thước đo cụ thể để xác định số tiền này nhiều hay ít, hoặc đáp ứng mong muốn của người cấp tin hay không.

Liên quan đến việc bảo mật thông tin và sự an toàn của người cấp tin, theo Phó trưởng ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong quy định xác định người cung cấp thông tin có các quyền được đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác khi cung cấp thông tin.

Để đảm bảo bí mật thông tin của người cung cấp thông tin, toàn bộ hồ sơ, thủ tục chi trả sẽ được thực hiện theo chế độ mật và chỉ những người có thẩm quyền mới có quyền xem những hồ sơ này.

Về việc bảo vệ cho người cấp tin, ngoài việc nêu trong quy định, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có quy định về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.

Về cơ chế mua tin có bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh hay không, ông Trần Quốc Trung lý giải, cơ chế này sẽ khó có thể bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh.

Cụ thể, theo khoản 2 điều 5 của quy định nêu rõ người cung cấp thông tin phải cung cấp rõ họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên lạc và giữ mối liên hệ với người tiếp nhận thông tin, nên sẽ không thể có trường hợp nặc danh hoặc mạo danh.

Bên cạnh đó, người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra.

Theo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích của quy định này là nhằm xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định, quy trình trong tổ chức, hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Quy định này ban hành có các nội dung, ý nghĩa gồm hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ trong hoạt động của Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.

Hiện nay, ngoài quy định này, Cơ quan Thường trực cũng đã tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành Quy định số 09-QĐ/BCĐ ngày 29/5/2023 về quy trình kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo.

Dự kiến, sắp tới sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo ban hành Quy định về tiếp nhận và xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh được gửi đến Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Mặt khác, quy định góp phần bổ sung thêm một giải pháp, công cụ để Ban Chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy thông tin tại buổi họp báo. (Nguồn: Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh)

Thực tế, bên cạnh Quy định này, hiện nay Ban Chỉ đạo đã triển khai rất nhiều giải pháp để ngăn ngừa và đấu tranh với hành vi tham những, tiêu cực, có thể nêu điển hình như triển khai 4 Đoàn kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo cũng phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, các cơ quan nội chính Thành phố triển khai Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án và thu hồi tài sản cho Nhà nước bị thất thoát trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Mặt khác, triển khai, xây dựng hai Đề án của Ban Chỉ đạo để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ; phối hợp với Công an Thành phố, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố và Sở Tài chính xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác giám định, định giá tài sản...

Theo ông Trần Quốc Trung, Điều 5 Luật Phòng, Chống tham nhũng 2018 cũng có quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Do đó, việc ban hành quy định này có tính chất khuyến khích, động viên người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định pháp luật; bên cạnh đó, còn có ý nghĩa như ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố là Thành phố luôn dựa vào dân và mong muốn có sự đồng hành của người dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

Tác giả: Thu Hương

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến