Tin liên quan
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chánh Thanh tra Chứng khoán, việc xử phạt nghiêm khắc này đã có tác dụng răn đe và đang góp phần giúp thị trường vận hành một cách minh bạch hơn.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đâu là những điểm mới đáng lưu ý trong dự thảo này, thưa bà?
Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP nhằm đảm bảo thực thi các văn bản pháp luật mới (Nghị định 60/2015/NĐ-CP, Nghị định 42/2015/NĐ-CP, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg...), đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự 2015, xử lý vi vi phạm chưa đến mức độ xử lý hình sự, bổ sung các hành vi vi phạm về phòng chống rửa tiền...
Nghị định sửa đổi, bổ sung hành vi, chế tài để xử phạt vi phạm quy định của Nghị định 60/2015/NĐ-CP như nghĩa vụ tổ chức phát hành, chào bán phải công bố báo cáo sử dụng vốn hoặc thuyết minh việc sử dụng vốn trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán xác nhận; quy định về phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán...
Đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định sửa đổi, bổ sung hành vi để xử lý vi phạm chưa đến mức độ xử lý hình sự theo 04 tội danh tại Bộ luật hình sự 2015, cũng như đảm bảo cơ sở xử lý hình sự đối với hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Các hành vi này dự kiến đều có mức phạt hành chính rất cao (200-300 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ...).
Hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu thông tin trong hoạt động chứng khoán nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 209 Bộ luật hình sự 2015.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chánh Thanh tra Chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt một số trường hợp thao túng giá chứng khoán với mức phạt rất nặng lên tới 750 triệu đồng. Mức phạt này theo bà đã đủ sức răn đe chưa?
Đối với chế tài xử phạt hành vi thao túng giá chứng khoán, Nghị định 108/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2013 đã quy định mức phạt cao, phạt tiền tối đa đối với tổ chức đến 1,2 tỷ đồng, đối với cá nhân đến 600 triệu đồng. Ngoài ra đối tượng vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu lời trái pháp luật (nếu có).
Thời gian vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt một số trường hợp vi phạm thao túng giá chứng khoán với mức phạt rất nặng.
Cuối năm 2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt ông Trần Thanh Hữu với mức phạt tiền tối đa của khung phạt đối với cá nhân có hành vi thao túng thị trường là 600 triệu đồng, ngoài ra, ông Hữu còn bị xử phạt về hành vi sử dụng 2 tài khoản khác giao dịch mua bán cổ phiếu CMI nhằm che dấu quyền sở hữu thực sự để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định và hành vi thực hiện giao dịch chứng khoán không đúng quy định của pháp luật với tổng số tiền phạt là 105 triệu đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm rõ và xử phạt 4 trường hợp khác có hành vi thao túng giá chứng khoán với tổng số tiền phạt 2,2 tỷ đồng. Việc xử phạt nghiêm khắc này đã có tác dụng răn đe và đang góp phần giúp thị trường vận hành một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Tuy nhiên, việc xử lý hình sự của cơ quan công an trong thời gian qua còn gặp khó khăn trong việc tính toán khoản thiệt hại vật chất để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật hình sự mới 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 ngoài quy định về thiệt hại vật chất đã bổ sung yếu tố cấu thành tội phạm có thể định lượng là khoản thu lợi bất chính lớn từ 500 triệu đồng đối với tội thao túng.
Theo đó, đối với hành vi thao túng giá chứng khoán xảy ra từ ngày 01/7/2016 đối tượng vi phạm có khoản thu lời từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng luôn phối hợp tốt với các cơ quan công an trong trao đổi thông tin phục vụ điều tra tội phạm, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm và có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và sẽ làm gì để hạn chế các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, thưa bà?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn coi trọng và tăng cường công tác giám sát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi giao dịch có dấu hiệu thao túng giá chứng khoán.
Việc giám sát, phát hiện xử lý đối với hành vi thao giá được thực hiện theo quy trình chặt chẽ: Sở giao dịch chứng khoán là đơn vị giám sát tuyến đầu phát hiện đối với các dấu hiệu bất thường, Vụ Giám sát thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị giám sát tuyến hai, sau khi phân tích sâu, thu thập thông tin tài liệu, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra.
Do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có thẩm quyền điều tra nên một số trường hợp có dấu hiệu thao túng giá chứng khoán sẽ phối hợp với cơ quan công an để xác minh làm rõ.
Nên đọc
Theo Vneconomy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy