Dòng sự kiện:
Thấy gì từ con số 1,5 tỷ USD xuất khẩu thuỷ sản trong 2 tháng đầu năm?
08/03/2022 21:10:02
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng trưởng mạnh trong 2 tháng đầu năm, các DN liên tiếp ký kết nhiều đơn hàng. Tuy nhiên với mỗi thị trường đều có vấn đề cần lưu ý.

Tương lai tươi sáng cho thủy sản Việt Nam

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 1/2022 ước đạt 872 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Bước sang tháng 2, thủy sản tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khi đạt 635 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm chạm mốc 1,5 tỷ USD.

Cá tra là ngành hàng xuất khẩu bứt phá khi tăng trưởng 127%, đạt 171 triệu USD. Như vậy, chỉ 2 tháng, ngành hàng này đã đạt doanh số 384 triệu USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp đó, xuất khẩu tôm cũng đưa về cho ngành thủy sản 550 triệu USD, tăng 46%.

Cá tra là ngành hàng xuất khẩu bứt phá khi tăng trưởng 127%

Bất chấp tình hình chiến sự tại Ukraine, các lệnh cấm quốc tế khiến xuất khẩu vào thị trường tiềm năng là Nga giảm mạnh, tháng 2/2022, cá ngừ vẫn mang về 68 triệu USD, lũy kế hai tháng đầu năm của mặt hàng này đạt 156 triệu USD, tăng 83%. Xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) cũng đạt 97 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhìn chung, tất cả các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh từ 30 cho đến 90% so với tháng 2/2021. Nhu cầu đối với thủy sản Việt Nam của các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Canada, Australia đều neo ở 2 con số, lần lượt là 48%; 55% và 64%. Đáng lưu ý, xuất khẩu sang các nước Châu Âu như Đức, Bỉ đều ghi nhận những phát triển vượt bậc, đặc biệt là thị trường Đức với mức tăng trưởng lên đến 140%.

Ở thị trường khó tính như Hoa Kỳ, người tiêu dùng có thói quen sử dụng các loại thực phẩm tiện dụng, đồ chế biến sẵn, bảo quản lâu nên thủy sản động lạnh được ưa chuộng hơn thủy sản tươi sống. Trong tháng 2, đây là thị trường dẫn đầu trong nhập khẩu thủy sản của Việt Nam khi tăng trưởng 85%, giá trị nhập khẩu đạt 146 triệu USD.

Sẽ tiếp đà tăng trưởng, hứa hẹn một năm 2022 thành công

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự đoán: “Hoạt động xuất khẩu thủy sản trong những tháng tới sẽ tiếp đà tăng trưởng khả quan vì nhu cầu từ các thị trường đang mạnh. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga – Ukraine sẽ làm tăng giá xăng dầu và kéo theo hàng loạt các chi phí đầu vào khác tăng lên, điều này ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của các công ty thủy sản. Các hoạt động khai thác thủy sản sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn so với thủy sản nuôi trồng”.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe (ảnh: Anh Nguyên)

Nhật Bản là thị trường duy nhất “trầm lắng” của thủy sản Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu tháng 2 sang thị trường này ghi nhận con số tăng trưởng khiêm tốn, 8%, giá trị ước đạt 75 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam của thị trường này chỉ đạt 209 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

“Kinh tế Nhật Bản đang rơi vào tình trạng trì trệ, mặt bằng lương tăng rất chậm, trong khi đó, thuế tiêu dùng tại nước này tăng liên tục từ 3% lên tới 10%, tác động lớn đến thu nhập và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng”, ông Hòe lý giải nguyên nhân.

Mặc dù Trung Quốc đưa ra các quy định mới với các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn, trùng với thời điểm Tổng cục Hải quan nước này thắt chặt giám sát các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu trong đại dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường tỷ dân vẫn đang có những tín hiệu hồi phục tích cực.

Tháng 2/2022, ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số, 135% đạt 91 triệu USD đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 168 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Vấn đề lớn nhất là các doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc là kiểm soát chặt chẽ vệ sinh khử khuẩn, nhất là khâu bốc dỡ để giảm thiểu các lô hàng có thể bị cảnh báo chỉ tiêu liên quan đến Covid”, ông Hòe lưu ý thêm.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến