Dòng sự kiện:
Thế chấp hàng hóa luân chuyển: Rủi ro từ quy định mới
25/05/2018 09:03:04
Hành lang pháp lý mới về thế chấp hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro đối với ngân hàng.

Một trong những nỗi “ám ảnh” của các cán bộ ngân hàng khi nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đã có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra do sơ xuất của cán bộ ngân hàng trong việc kiểm tra tài sản thế chấp khi xác lập hợp đồng thế chấp.

Điều 206, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) quy định phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật về điều kiện cấp tín dụng cùng với chế tài cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, tùy theo mức độ thiệt hại về tài sản. “Lỗi” trong quá trình nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh có thể bị coi là vi phạm quy định pháp luật về điều kiện cấp tín dụng.

Trên thực tế, khi có phát sinh tố cáo của bên thứ ba hoặc yêu cầu của cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước liên quan đến khoản vay được bảo đảm bằng hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ngân hàng luôn bị cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm đầu tiên. Cơ quan điều tra thường yêu cầu ngân hàng cung cấp quy định nội bộ về cho vay và nhận tài sản bảo đảm của ngân hàng, các tài liệu và giấy tờ liên quan đến hồ sơ vay, hồ sơ tài sản bảo đảm như tờ trình thẩm định khoản vay, thẩm định tài sản bảo đảm, hồ sơ định giá tài sản bảo đảm, hồ sơ phê duyệt tín dụng...

Đồng thời, cơ quan điều tra thường xác định khi nhận loại tài sản này thì số lượng và giá trị tài sản có đầy đủ không và chất lượng ra sao. Trước đó, cơ quan điều tra đã lấy lời khai của bị can (khách hàng, bên bảo đảm) liên quan đến việc thẩm định và nhận tài sản bảo đảm của cán bộ tín dụng). Nếu xác định có sự chênh lệch thì cán bộ tín dụng rất dễ bị xem là đã vi phạm các quy định về điều kiện cấp tín dụng.

Sẽ là rủi ro lớn cho cán bộ tín dụng khi cho vay nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không cẩn trọng hoặc không am hiểu về loại hàng hóa này.

Trên thực tế, khi các ngân hàng đã nhận thế chấp hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là các loại nông sản như cà phê, gạo, sắn lát... thì khối lượng thường lớn, từ vài trăm đến vài ngàn tấn trở lên. Vì vậy, rất khó cân, đo đếm hết được số lượng hàng hóa trong kho. Việc này cùng với việc xác định chất lượng của lượng hàng khổng lồ là không hề đơn giản và không khả thi về mặt kinh tế do sẽ rất mất thời gian, chi phí và hàng hóa bị hư hỏng do không có kho chứa trung gian trong quá trình kiểm đếm. Việc xác định chất lượng hàng trong thời gian qua có thể chủ yếu là thẩm định chất lượng ngẫu nhiên của một số lô/bao hàng bất kỳ.

Chính vì điều này mà trên thực tế, khi một vụ án liên quan đến vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng bị khởi tố thì cán bộ tín dụng rất dễ bị khởi tố hoặc trở thành đồng phạm nếu cơ quan điều tra xác định được lượng hàng hóa tồn kho ngay từ đầu đã bị thiếu hụt, không đúng chất lượng và giá trị như được nêu trong hợp đồng thế chấp và hồ sơ tài sản bảo đảm.

Đôi khi, cán bộ tín dụng hoàn toàn không cố ý nhưng do áp lực chỉ tiêu cho vay, chưa am hiểu về loại hàng hóa nên đã không thực hiện cân đo hàng một cách đầy đủ.

Thực ra, Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành về giao dịch bảo đảm không đặt ra nghĩa vụ đối với ngân hàng là phải đảm bảo số lượng và giá trị hàng hóa nêu trong hợp đồng thế chấp khớp với số lượng và giá trị hàng hóa thực tế được thế chấp. Nếu có sự chênh lệch giữa các con số này thì ngân hàng phải chịu rủi ro về mặt thương mại như đối với mọi giao dịch bảo đảm khác, chẳng hạn khi tài sản là nhà ở được định giá không đúng với giá trị thực tế. Quy định nội bộ của ngân hàng có thể đặt ra nghĩa vụ này nhưng quy định nội bộ đó rõ ràng không phải là văn bản pháp luật!

Điểm d, khoản 2, điều 22, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39) lại đặt ra yêu cầu là quy định nội bộ về cho vay của ngân hàng phải có nội dung về “việc quản lý, giám sát, theo dõi tài sản bảo đảm tiền vay phù hợp với biện pháp bảo đảm tiền vay, đặc điểm của tài sản bảo đảm tiền vay và khách hàng”. Điều luật này dường như ngầm định nghĩa vụ quản lý, giám sát và theo dõi tài sản thế chấp của ngân hàng và có vẻ hướng đến chủ yếu tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh do tính chất đặc biệt của loại tài sản bảo đảm này.

Điều đáng nói là quy định này đi ngược lại tinh thần chung của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Thực vậy, khoản 2 điều 320 của Bộ luật Dân sự quy định là bên thế chấp có nghĩa vụ “bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp” và khoản 1, điều 323, Bộ luật Dân sự cũng nêu rõ là ngân hàng với tư cách là bên nhận thế chấp có quyền “xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp […]”. Như vậy, rõ ràng là ngân hàng có quyền (chứ không phải có nghĩa vụ) kiểm tra, giám sát tài sản thế chấp trong thời gian hợp đồng thế chấp có hiệu lực. Bản chất của việc thế chấp tài sản nói chung là tài sản được thế chấp vẫn nằm trong tay của bên thế chấp do không có việc giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp (khoản 1, điều 317, Bộ luật Dân sự) và đối với thế chấp hàng tồn kho luân chuyển thì bên thế chấp lại có thêm quyền bán tài sản thế chấp. Nói cách khác, pháp luật về giao dịch bảo đảm cũng không đặt ra nghĩa vụ giám sát hay quản lý tài sản bảo đảm đối với ngân hàng.

Một điều cần lưu ý là nghĩa vụ quản lý, giám sát và theo dõi tài sản thế chấp của ngân hàng nêu trong Thông tư 39 là nghĩa vụ sau khi xác lập hợp đồng thế chấp và việc vi phạm nghĩa vụ này không thể bị coi là vi phạm quy định pháp luật về điều kiện cấp tín dụng nêu trong Bộ luật Hình sự bởi vì các công việc này diễn ra sau khi đã xác lập hợp đồng vay (sau khi cấp tín dụng) và hợp đồng thế chấp. Điều này ít nhiều sẽ giảm bớt được các nỗi “ưu tư” của cán bộ ngân hàng khi nhận thế chấp loại tài sản đặc biệt này.

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến