Thế giới báo động trước nguy cơ giảm phát của Trung Quốc
10/09/2015 18:42:34
ANTT.VN - Nguy cơ giảm phát của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng lên, trong bối cảnh nhiều quốc gia ngày càng lo lắng về tác động của đồng Nhân dân tệ yếu lên nền kinh tế của họ.

Tin liên quan

Ngân hàng Trung ương New Zealand cho biết sự phá giá bất ngờ đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tháng trước đã khiến nước này lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ để nó trượt sâu hơn nữa, dẫn tới xuất khẩu giảm phát tới phần còn lại của thế giới.

Số liệu cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đang giảm giá hàng hóa với tốc độ lớn nhất trong 6 năm. Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 5,9% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ và các nước phương Tây cũng bày tỏ lo ngại rằng việc các công ty Trung Quốc đồng loạt giảm giá hàng hóa cộng với đồng Nhân dân tệ yếu sẽ dẫn tới giá trị hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm mạnh, kéo theo áp lực giảm giá đối với các nhà sản xuất trong nước.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn liên tục trấn an thế giới rằng đồng Nhân dân tệ sẽ được duy trì ổn định và tốc độ tăng trưởng dù đang chậm lại, vẫn sẽ đạt hơn 7% năm nay.

Thống đốc ngân hàng Trung ương New Zealand, ông Graeme Wheeler, tin rằng nền kinh tế Trung Quốc thực tế chỉ đang tăng trưởng ở mức 5-6.5% tại thời điểm này. Ông ta cho rằng tốc độ phát triển của Trung Quốc thực chất chậm hơn con số mà giới chức nước này đưa ra.

Hàng hóa xuất khẩu giảm giá vẫn chưa ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Mặc dù CPI của Trung Quốc đã tăng 2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, cục Thống kê Quốc gia Mỹ nhấn mạnh rằng con số này đến chủ yếu từ việc tăng giá thực phẩm chứ không phải do các hoạt động kinh tế.

Kevin Lai - nhà kinh tế học hàng đầu châu Á cho rằng PPI giảm sớm muộn cũng sẽ tác động tới CPI. Với tổng cầu được dự đoán sẽ tiếp tục ở mức yếu, ông này đã điều chỉnh dự báo lạm phát của mình đối với Trung Quốc từ 0,5% xuống mức -0,5%.

Kinh tế Trung Quốc đang đi xuống

Các nhà kinh tế học tin rằng quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ với mức 2% tháng trước có rất ít tác động lên lạm phát trong ngắn hạn, với giá cả các hàng hóa cơ bản duy trì ở mức thấp.

Kể từ khi phá giá đồng nội tệ của mình, Bắc Kinh đã và đang rất vất vả để ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm xuống mức kỷ lục trong tháng 8. Trong khi đó, giới phân tích nhận định đồng tiền này sẽ tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa. Đồng nhân dân tệ giao dịch trên thị trường quốc tế thấp hơn 1,3% so thị trường trong nước vào hôm qua (9/9).

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trấn an thị trường thế giới rằng Bắc Kinh không muốn một cuộc chiến tranh tiền tệ, và sự giảm sút trong tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không quá lớn.

Tuy vậy những dấu hiệu hồi phục vẫn rất ảm đạm. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho hay doanh số trong 8 tháng đầu năm dậm chân tại chỗ so với cùng kỳ năm ngoái, dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái đầu tiên kể từ khi các nhà sản xuất ô tô gia nhập thị trường Trung Quốc 25 năm trước.

Những lo ngại về cách thức quản lý nền kinh tế và chính sách tiền tệ của Trung Quốc tiếp tục tăng lên bởi hành động can thiệp vào thị trường chứng khoán nhằm ngăn chặn đà tụt dốc của Chính phủ nước này. Mặc dù đã áp dụng một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu và hạn chế đầu cơ, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 40% kể từ tháng 6.

2 ngày đầu tuần chứng kiến thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi sắc với dự cảm tích cực từ giới đầu tư, lan tỏa sắc xanh tới những thị trường lớn khác trên thế giới.

Tuy nhiên sự tích cực đó đã nhanh chóng nhường chỗ cho sắc đỏ trong phiên giao dịch hôm qua. Chỉ số CSI300 giảm 0,86%, trong khi chỉ số Shanghai Composite chốt phiên giảm 0,83%.

Nghi Điền (Theo Business Insider)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến