Các cơ quan quản lý hôm 12/3 đã đóng cửa Signature Bank, một ngân hàng tiền điện tử lớn có trụ sở tại New York, đánh dấu vụ phá sản lớn thứ ba trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ. Vụ việc diễn ra chỉ 2 ngày sau khi chính quyền đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) trong một vụ sụp đổ khiến hàng tỷ USD tiền gửi bị mắc kẹt.

Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã nắm quyền kiểm soát Signature Bank, ngân hàng có tài sản trị giá 110,36 tỷ USD và 88,59 USD tiền gửi vào cuối năm ngoái, theo cơ quan Dịch vụ Tài chính của bang New York.

Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác cho biết trong một tuyên bố chung rằng, tất cả những người gửi tiền tại Signature Bank và SVB sẽ được hoàn trả toàn bộ và “người đóng thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào”.

Theo một phóng viên của Reuters tại hiện trường, các nhân viên đã tập trung tại trụ sở chính của Signature Bank ở Manhattan để họp hôm 12/3. Mọi người đã tràn ra khỏi tòa nhà sau khi tin tức về việc đóng cửa được công bố.

Đại diện Signature Bank đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Vụ việc của Signature Bank diễn ra sau khi SVB bị đóng cửa hôm 10/3, vụ đóng cửa lớn thứ hai trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, chỉ sau vụ Washington Mutual sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Các nhà đầu tư không khỏi lo lắng trước tốc độ sụp đổ của SVB, công ty cho vay lớn thứ 16 ở Mỹ với khách hàng chính là các công ty khởi nghiệp công nghệ (tech startup) và các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC).

Diễn biến trên đã cướp mất hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường của các ngân hàng Mỹ, khiến các quan chức chính phủ phải hành động nhanh chóng vào cuối tuần qua để cố gắng khôi phục niềm tin vào hệ thống tài chính.

Signature Bank, trụ sở tại Manhattan, New York, có tổng tài sản khoảng 110,36 tỷ USD và 88,59 tỷ USD tiền gửi tính đến ngày 31/12/2022. Ảnh: NY Post

FDIC hôm 12/3 đã thành lập một ngân hàng “cầu nối”, cho phép khách hàng tiếp cận tiền của họ vào ngày 13/3. FDIC cho biết, những người gửi tiền và người đi vay của Signature Bank sẽ tự động trở thành khách hàng của ngân hàng “cầu nối” này.

Các khách hàng của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) cũng sẽ có quyền truy cập vào tiền gửi của họ bắt đầu từ ngày 13/3, các quan chức Mỹ cho biết hôm 12/3. Chính phủ liên bang Mỹ cũng đã công bố các hành động để củng cố tiền gửi và cố gắng ngăn chặn mọi hậu quả nghiêm trọng hơn.

Signature Bank là một ngân hàng thương mại có văn phòng khách hàng tư nhân ở New York, Connecticut, California, Nevada và North Carolina, đồng thời có 9 ngành kinh doanh toàn quốc bao gồm bất động sản thương mại và ngân hàng tài sản kỹ thuật số.

Tính đến tháng 9 năm ngoái, gần 1/4 số tiền gửi của Signature Bank đến từ lĩnh vực tiền điện tử, nhưng ngân hàng đã thông báo vào tháng 12/2022 rằng họ sẽ giảm 8 tỷ USD tiền gửi liên quan đến tiền điện tử.

Giống như Silvergate Bank – ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho một số công ty tiền mã hóa đã sụp đổ vào ngày 8/3, Signature Bank có một mạng lưới cho phép các công ty tiền điện tử chuyển đổi sang USD trong thời gian thực. Nhưng khi cả 2 ngân hàng tiền điện tử lớn này đều đã “sập tiệm”, việc chuyển đổi sang USD có thể sẽ khó khăn hơn.

Signature Bank từng có mối quan hệ lâu dài với cựu Tổng thống Donald Trump và gia đình ông, cung cấp cho ông Trump và doanh nghiệp của ông các tài khoản séc và tài trợ cho một số dự án kinh doanh của nhà Trump. Signature Bank đã cắt đứt quan hệ với nhà Trump vào năm 2021 sau cuộc bạo loạn trên Đồi Capitol (ngày 6/1/2021).

Tác giả: Minh Đức (Theo Reuters, The Verge)