Dòng sự kiện:
Theo tiếng gọi thiêng liêng, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của tuổi trẻ
16/02/2022 17:12:32
"Mặc dù được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, đất nước không còn chiến tranh nhưng bảo vệ Tổ quốc là một nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng, cao cả đối với những thanh niên Việt Nam như chúng tôi...''

"Vinh dự, tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, nếu được đứng trong hàng ngũ của Quân đội, tôi xin hứa sẽ nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, đem hết những kiến thức đã học để phục vụ Quân đội và đất nước...".

Đây là những dòng chữ được trích từ hai trong số hàng trăm đơn xin tình nguyện nhập ngũ năm 2022 của thanh niên tỉnh Hà Nam. Tạm gác lại những dự định riêng, mùa tuyển quân năm nay, rất nhiều công dân trẻ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng của Hà Nam cũng như trên cả nước đã viết đơn tình nguyện lên đường, với mong muốn khoác trên mình màu xanh áo lính và được thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thanh niên thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hăng hái lên đường nhập ngũ. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Theo tiếng gọi Tổ quốc

Bùi Yến Thanh sinh năm 1998, đã tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất cách đây hai năm. Đợt này, Thanh là thanh niên duy nhất có trình độ Đại học của thôn Thử Hòa (xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. "Tôi cũng có rất nhiều nguyện vọng để lập nghiệp, trưởng thành và phụ giúp gia đình, do hoàn cảnh nhà tôi khó khăn, bố ốm đau, không làm kinh tế được. Tuy nhiên, bản thân tôi xác định là thanh niên trước hết phải hoàn thành trách nhiệm đối với Tổ quốc rồi mới chọn nghề, lập nghiệp nên rất mong muốn được thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình", Thanh chia sẻ.

Đối với nguyện vọng của con trai, bà Bùi Thị Quyên, mẹ Thanh rất ủng hộ: "Gia đình tôi cảm thấy hãnh diện vì cháu có được những suy nghĩ tích cực, với mong muốn được vào môi trường Quân đội để có cơ hội rèn luyện, cống hiến, tích lũy thêm kinh nghiệm sống trên những bước đường đời sau này, trở thành công dân có ích cho xã hội."

Gửi gắm con vào môi trường Quân đội để được rèn giũa, trưởng thành cũng là mong muốn của bà Vũ Thị Hương (thôn 2 Tâng, xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Bà Hương là mẹ của công dân Phạm Văn Lộc (sinh năm 1999) - người đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ năm 2022. Lộc tốt nghiệp Đại học Công nghệ giao thông vận tải và hiện đang phụ giúp gia đình kinh doanh một nhà hàng lớn, có thu nhập khá tốt, song vẫn quyết tâm lên đường: "Tôi cho rằng mỗi công dân đến tuổi nhập ngũ đều nên thực hiện nghĩa vụ quân sự để rèn luyện bản thân và đóng góp sức mình cho đất nước. Chắc hẳn môi trường quân ngũ sẽ giúp tôi cứng rắn và mạnh mẽ hơn nhiều. Tôi sẽ có thời gian sống cuộc sống tập thể, hòa mình với đồng chí, đồng đội và có thể sang năm sẽ ở lại trực tại đơn vị, ăn Tết xa nhà, đó có lẽ sẽ là một trải nghiệm đặc biệt đối với tôi".

Để ngày càng nâng cao chất lượng tuyển chọn công dân nhập ngũ, nhất là công dân có trình độ đại học, cao đẳng, hàng năm, xã Thanh Hương đều căn cứ vào chỉ tiêu được giao, giao cho cấp ủy phối hợp với các ngành, trong đó lực lượng quân sự làm nòng cốt, phối hợp tiến hành rà soát, căn cứ vào các quy định của luật để xác định các đối tượng thanh niên sẵn sàng cho khám tuyển nghĩa vụ quân sự, từ đó thực hiện theo các bước. Theo ông Phạm Văn Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Hương (huyện Thanh Liêm), cách làm của xã Thanh Hương là vừa đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục, vận động các bậc phụ huynh, các ngành đoàn thể vào cuộc, vừa tuyên truyền rộng rãi để thanh niên, nhân dân nắm được Luật Nghĩa vụ quân sự. Nội dung, quy trình tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ được đẩy mạnh thông tin trên tất cả các phương tiện tuyên truyền, lồng ghép vào những cuộc họp của các chi bộ, ngành đoàn thể của xã. Từ đó, các bậc phụ huynh và nhất là thanh niên có nhận thức rất rõ ràng về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mình.

"Năm 2022, xã Thanh Hương có 8/9 thôn có thanh niên sẵn sàng tham gia nhập ngũ. Số thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đều có sức khỏe tốt, trong đó số thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng tăng lên. 5/20 công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng (4 người trình độ đại học) đã xung phong nhập ngũ đợt này. Qua công tác nắm bắt tư tưởng, tổ chức hội nghị động viên thanh niên chuẩn bị sẵn sàng nhập ngũ, thanh niên và gia đình đều rất phấn khởi, hứa quyết tâm với địa phương hoàn thành nhiệm vụ thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2022", ông Nam cho hay.

Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Liêm khẳng định, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hàng năm của huyện Thanh Liêm luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chất lượng tuyển quân hàng năm ngày càng được nâng cao về các mặt về chính trị, văn hóa, sức khỏe; chỉ tiêu được bảo đảm thực hiện.

"Một nét rất tốt được nâng cao trong công tác tuyển quân, đó là về chất lượng văn hóa. Theo đó, tỷ lệ công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tình nguyện nhập ngũ và được gọi nhập ngũ vào Quân đội ngày càng nâng lên. Chính điều này đã góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ Quân đội, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Thượng tá Vũ Anh Tuấn đánh giá.

Để làm tốt nhiệm vụ này, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Liêm cùng các ngành đoàn thể đã tham mưu cho huyện giải quyết những nội dung có liên quan, đặc biệt là trong chính sách hậu phương quân đội. Đối với những công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, huyện hết sức quan tâm, phối hợp cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các Trung tâm nghề, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đóng trên địa bàn tổ chức hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm. Cơ bản số công dân này đều đã được bố trí, sắp xếp công việc và học nghề theo nguyện vọng của cá nhân cũng như điều kiện thực tế của địa phương để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa đóng góp xây dựng quê hương Thanh Liêm.

Hằng năm, trước khi thanh niên lên đường nhập ngũ, các địa phương đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên, nhất là đối với thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để họ yên tâm lên đường, tạo động lực và tư tưởng an tâm cho công dân lên đường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ưu tiên công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhập ngũ

Ngày 16/2, cùng với 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, tỉnh Hà Nam đã tổ chức giao nhận quân. Đây là sự kiện quan trọng diễn ra hằng năm tại địa phương, được tuổi trẻ Hà Nam nói riêng, cả nước nói chung tích cực hưởng ứng, với tinh thần sẵn sàng đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần.

Năm 2022, tỉnh Hà Nam được giao chỉ tiêu tuyển chọn công dân nhập ngũ vào các đơn vị thường trực Quân đội, phân bổ cho 6 đầu mối đơn vị nhận quân: Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tham mưu, Binh chủng Thông tin, Binh chủng Đặc công, Quân đoàn 1, Quân khu 3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham mưu cho Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh chỉ đạo tất cả các cấp, ngành tiến hành đồng bộ các biện pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyển quân; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tất cả các địa phương tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho 100% công dân nhập ngũ, kể cả số dự phòng; phát lệnh gọi công dân nhập ngũ từ ngày 23 - 28/1/2022, tổng số phát lệnh đạt 105% chỉ tiêu, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân.

Thượng tá Trịnh Hồng Phong, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam cho biết: Do tiến hành đồng bộ các biện pháp nên chất lượng tuyển quân của Hà Nam năm 2022 tốt hơn so với năm trước cả về số lượng, chất lượng thanh niên đủ điều kiện tiêu chuẩn nhập ngũ. Tỷ lệ thanh niên có sức khỏe loại 1 và loại 2 tăng hơn nhiều so với năm 2021. Chất lượng tuyển quân được nâng cao còn thể hiện qua việc tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề tăng lên (196 công dân, đạt 11%).

Để nâng cao chất lượng tân binh, thời gian qua, Bộ Quốc phòng có chủ trương tăng cường chất lượng tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trong tình hình mới. Theo đó, các địa phương được yêu cầu chú trọng chọn những công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có ngành nghề chuyên môn. Điều này nhằm nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng thường trực, gắn với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên và tạo nguồn cơ sở cho các địa phương, đặc biệt là vùng xa.

Theo Trung tướng Vũ Văn Sỹ, Cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng), khi vào quân đội, công dân sẽ được huấn luyện chương trình, giáo dục chính trị; trang bị kiến thức quốc phòng, kỹ thuật, chiến thuật, tác chiến và hiệp đồng tác chiến cũng như kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị. Do đó, tân binh có trình độ đại học, cao đẳng có thể nhanh chóng tiếp cận, sử dụng tốt vũ khí, công nghệ tiên tiến, góp phần hiện đại hóa Quân đội. Bên cạnh đó, nguồn thanh niên đã được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng khi thực hiện nghĩa vụ tại ngũ có thể được sử dụng ngay vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật phù hợp.

Khẳng định nhập ngũ trong độ tuổi quy định không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là vinh dự của mỗi công dân, Trung tướng Vũ Văn Sỹ cho rằng, so với môi trường làm việc bên ngoài, khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự có rất nhiều lợi ích. Quân đội cũng có nhiều chính sách nhằm khuyến khích và ưu tiên công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhập ngũ.

Theo quy trình, thời gian đầu, tân binh sẽ được đưa về các đơn vị để huấn luyện, đảm bảo đồng nhất về quan điểm, tư tưởng, lập trường, bản lĩnh chính trị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ. Sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới, các đơn vị tuyển chọn chiến sĩ có trình độ học vấn cao hơn đi đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Những chiến sĩ đã qua đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp có ngành nghề phù hợp với yêu cầu của Quân đội sau khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ sẽ được tuyển chọn, chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp để phục vụ lâu dài trong Quân đội. Một số quân nhân chuyên nghiệp nếu có phẩm chất, năng lực có thể được tuyển chọn chuyển sang diện cán bộ quản lý, tạo nguồn, đào tạo thành sĩ quan.

Báo cáo sơ kết 6 năm thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (2016-2021) cho thấy, tỷ lệ công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nhập ngũ vào Quân đội đạt từ 3 - 11,5%. Căn cứ nhu cầu của từng đơn vị và nguyện vọng mỗi người, Bộ Quốc phòng ưu tiên tuyển chọn những công dân có trình độ đào tạo cao đẳng, đại học, nhất là các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ cần cho Quân đội. Tỷ lệ này chiếm khoảng 3,5 - 4,3% so với chỉ tiêu công dân nhập ngũ hằng năm.

Mặt khác, theo quy định, trước khi nhập ngũ, công dân đang làm việc tại cơ quan nào, khi xuất ngũ, cơ quan đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ. Trường hợp cơ quan đó đã giải thể, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp. Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.

Tác giả: Hiền Hạnh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến