Dòng sự kiện:
Thép Vicasa báo lỗ nặng trong quý III/2022
17/10/2022 18:47:46
Kết quả ảm đạm trong quý III/2022 khiến Thép Vicasa lỗ ròng 13 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm - trong khi cùng kỳ lãi 42 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Thép Vicasa - VNSteel (HoSE: VCA) công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu giảm 18% xuống 477 tỷ đồng.

Trong kỳ, công ty kinh doanh với dưới giá vốn nên lỗ gộp gần 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 12 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, Thép Vicasa lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 2 tỷ đồng. Như vậy, đây cũng là quý lỗ nặng nhất của công ty kể từ khi niêm yết (năm 2010).

Giải trình về kết quả kinh doanh ảm đạm này, Thép Vicasa cho biết do ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine, chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc cũng như lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng đến ngành thép và xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, chính sách siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép.

So với quý III/2021, sản lượng tiêu thụ sản phẩm của Thép Vicasa rất ít, giá giảm mạnh, hàng tồn kho giá cao và chi phí tài chính tăng do hàng hóa luân chuyển chậm, lãi suất vay tăng đã tác động đến kết quả quý III/2022 của công ty.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Thép Vicasa đạt 1.834 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Công ty lỗ sau thuế 12,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 42 tỷ đồng.

Năm nay, Thép Vicasa đặt mục tiêu có lãi trước thuế 20 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được sau 9 tháng, doanh nghiệp này còn cách xa kế hoạch có lãi cả năm.

Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của Thép Vicasa hơn 530 tỷ đồng, giảm 8% so với thời điểm đầu năm. Trong đó 377 tỷ đồng là hàng tồn kho, chiếm hơn 70% tổng tài sản và không thay đổi quá nhiều so với đầu năm.

Nợ phải trả của công ty tại thời điểm cuối quý III/2022 hơn 352,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay tài chính ngắn hạn từ các ngân hàng với mức 244 tỷ đồng - tương đương với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu là 178 tỷ đồng, trong đó vốn góp là gần 152 tỷ đồng.

Ngành thép thê thảm

Kết quả kinh doanh ảm đạm của ngành thép diễn ra từ thời điểm quý II/2022, cũng chính là thời điểm mà dự báo của Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long ứng nghiệm.

Báo cáo tài chính quý II/2022 của 16 doanh nghiệp ngành thép niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ có 1 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng khả quan, có tới 11 doanh nghiệp suy giảm, thậm chí 4 doanh nghiệp báo lỗ.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, các cuộc chiến tranh thế giới dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư thu mua biến động thất thường. Giá bán không đủ bù đắp giá vốn đã làm lợi nhuận gộp của doanh nghiệp bị thua lỗ.

Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng là gánh nặng cho công ty khi hàng hóa tiêu thụ chậm và ngân hàng siết room tín dụng cũng như lãi suất tăng cao.

Hiện tại, triển vọng nhu cầu tiêu thụ thép thế giới chưa chắc chắn do lo ngại tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia.

Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng và nhu cầu thép thành phẩm toàn cầu. Nhu cầu thép của Trung Quốc phần lớn được hỗ trợ bởi các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Trung Quốc đang rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng, hàng loạt dự án bị đình trệ.

Những năm trước, Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, nhưng ngành công nghiệp thép nước này đang bước vào giai đoạn bấp bênh do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản ngày càng trầm lắng, kéo theo nhu cầu thép đi xuống.

Theo SSI Research, lợi nhuận năm 2022 của một số doanh nghiệp thép niêm yết sẽ giảm mạnh so với năm 2021 do xuất khẩu thép của Việt Nam có thể giảm tốc trong hai quý cuối năm 2022.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến