Dòng sự kiện:
Thi tốt nghiệp THPT: Băn khoăn chấm lỏng, chấm chặt
08/07/2018 12:06:56
Ðiểm chấm thi môn Ngữ văn của thí sinh ở TPHCM cao nhất chỉ đạt 8,75 và điểm phổ biến chỉ từ 4-7, trong khi đó ở một số địa phương khác môn này đã có điểm 9,5.

Các giáo viên môn Văn cho rằng, với đáp án mở và chung chung như năm nay, cần phải đặt câu hỏi, liệu các “tay chấm” giữa các tỉnh có đồng đều, đảm bảo công bằng cho thí sinh hay không?

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Nội.

Ðã xuất hiện điểm 9,5

Đến thời điểm này, TP HCM đã chấm xong bài thi môn Ngữ văn. Theo đó, điểm cao nhất thí sinh đạt được ở hội đồng thi này là 8,75 điểm, ít có bài 8 điểm, không có bài điểm liệt và phổ điểm trung bình là từ 4 - 6,5 điểm.

Tại Hà Nội, đến thời điểm này, đã chấm xong các môn trắc nghiệm, riêng môn Ngữ văn khoảng 2 ngày nữa mới chấm xong. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, đến sáng nay đã xuất hiện bài thi đạt 9,5 điểm, đa số các bài thi đạt mức điểm trung bình, trung bình khá, chưa có thí sinh bị điểm liệt.

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, đơn vị đã chấm xong 13.511 bài thi môn Ngữ văn, phổ điểm trung bình từ 5-8. Theo thống kê ban đầu, đã có thí sinh đạt điểm 9,5, ít thí sinh bị điểm dưới 2 và không có điểm liệt.

Tại Nam Định, với hơn 19.000 bài thi môn Ngữ văn đến thời điểm này cũng đã có hơn 30 bài thi đạt điểm 9 và 9,25 điểm. Số bài đạt điểm trên trung bình đạt tỉ lệ 88,1%.

Một giáo viên chấm thi môn Ngữ văn ở TPHCM cho biết, chưa năm nào điểm thi môn Văn lại thê thảm như năm nay. Đa số thí sinh chỉ làm bài được ở mức trung bình, nhiều bài thi điểm dưới trung bình. Giáo viên này chia sẻ, ở phần đọc hiểu, đa số thí sinh làm trọn vẹn được câu 1, 2 nhưng đến câu 3, 4 nhiều em mất điểm vì không làm hết ý của câu hỏi. “Ở câu thể hiện quan điểm, thí sinh trả lời “có” hoặc “không” nhưng đa số thí sinh không đưa ra được ý tứ, lập luận để thuyết phục giám khảo, do đó không đạt điểm tối đa”.

Cũng theo giáo viên này, ở  phần Nghị luận văn học chiếm 5 điểm, cách ra đề yêu cầu thí sinh so sánh tình huống, chi tiết nên nhiều em không nhớ chi tiết trong tác phẩm của tác giả Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam để dẫn chứng. “Đọc hàng trăm bài thi của thí sinh nhưng đỏ mắt không tìm được những bài thi xuất sắc thật sự”, giáo viên này nói.

Chấm có đều tay giữa các tỉnh

Trong khi đó, cô T.T.T.H, một giáo viên dạy Ngữ văn THPT tại Hà Nội cho biết, Hà Nội chưa chấm xong nhưng đến thời điểm này điểm thi môn Văn không cao, đa số thí sinh chỉ đạt mức từ 4-6 điểm, điểm 8 cũng không nhiều. Trong khi đó, ở một số địa phương khác như Hòa Bình, Nam Định, Phú Thọ, Hưng Yên... không ít thí sinh đạt 9 điểm môn Văn thậm chí 9,5 điểm môn Văn.

Cô H. cho rằng, đáp án môn Văn khá chung chung, do đó trước khi vào chấm hội đồng thi sẽ phải có quan điểm chấm chung. Ví dụ, ở câu hỏi 4, phần I, ở hội đồng thi Hà Nội sẽ đưa ra 3 tình huống để giáo viên có căn cứ để chấm. Ví như thí sinh trả lời có và luận giải thì sẽ được bao nhiêu điểm; thí sinh trả lời không và đưa ra luận giải thì được bao nhiêu điểm; thí sinh trả lời chung chung sẽ được mức điểm nào để tránh sự vênh nhau giữa các “tay chấm” trong cùng một hội đồng. Chính vì vậy, cô H. băn khoăn liệu các “tay chấm” giữa các hội đồng thi có đảm bảo được sự công bằng cho thí sinh?  Bởi lẽ, ở địa phương khác có thí sinh đạt điểm 9,5 môn Văn nhưng không lẽ cả TPHCM và Hà Nội rộng lớn, nơi tập trung nhiều trường THPT chuyên, có lượng thí sinh đông nhất lại có ít học sinh xuất sắc hơn?”, cô H. đặt câu hỏi.

Cũng theo cô H. với đáp án mở, chung chung của Bộ GD&ĐT như năm nay, việc cho điểm thí sinh thế nào phụ thuộc vào giáo viên và quan điểm chấm của từng hội đồng thi. Vì vậy, vô hình trung mỗi tỉnh sẽ có một quan điểm riêng thì làm sao đảm bảo sự đều tay giữa giáo viên chấm thi của các tỉnh, đảm bảo công bằng cho thí sinh ban D, ban C. “Thí sinh Hà Nội không có điểm cộng, cách chấm thi của Hà Nội bao giờ cũng chặt tay do đó thí sinh bị thiệt hơn”, cô H. nói.

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm Định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) chia sẻ, trong khi các môn thi trắc nghiệm chấm bằng máy đảm bảo tính chính xác đến 100% thì môn Ngữ văn ngoài đáp án chung của Bộ hội đồng thi phải có sự thống nhất chi tiết hơn trước khi chấm. “Hội đồng thi giữ nguyên tắc chấm nghiêm túc, đúng quy chế còn việc chấm lỏng, chặt ở nơi khác điều đó khó có thể nói được”.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ÐT), quy trình chấm bài thi tự luận khá chặt chẽ. Bài thi được chấm theo 2 vòng độc lập, mỗi vòng tại một phòng riêng. Nếu có sự chênh lệch từ 0,5 điểm trở lên giữa hai cán bộ chấm thi phải kiểm tra và thống nhất lại. Ngoài ra, mỗi hội đồng thi sẽ có cán bộ chấm kiểm tra ít nhất 5% bài thi của thí sinh để đảm bảo tính chính xác.

Theo Tiền Phong

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến