Dòng sự kiện:
Thị trường bước vào chu kỳ chuyển động tích cực trong nửa cuối của năm
18/07/2023 18:30:08
Về xu hướng trung hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ chuyển động tích cực hơn, động lực chủ yếu do phục hồi từ vùng đáy và thêm sự hỗ trợ từ triển vọng kinh tế vĩ mô về cuối năm.

Nhóm ngành chứng khoán sẽ có lợi ích cả đầu vào (giảm chi phí vốn) và đầu ra nhờ thanh khoản thị trường cải thiện và nhu cầu vay ký quỹ tăng khi mặt bằng lãi suất giảm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với diễn biến thị trường chứng khoán thời gian gần đây, dòng tiền vào thị trường bắt đầu có sự hồi phục, điều này phần nào phản ánh niềm tin của nhà đầu tư đã được cải thiện.

Khởi sắc về cuối năm

Báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán VNDIRECT đưa ra trong kịch bản cơ sở, VN-Index kỳ vọng đạt 1.300 điểm trong chặng nửa cuối năm.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược Thị trường-VNDIRECT, những rủi ro lo ngại dòng vốn đầu tư gián tiếp rút ra trong bối cảnh Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì chính sách lãi suất cao và suy thoái kinh tế Mỹ và châu Âu, đang dần được cải thiện.

Trong nước, chính sách “hạ nhiệt” lãi suất thấp sẽ có tác động tích cực lan tỏa đến nhiều ngành. Cụ thể, lãi suất cho vay thấp hơn sẽ giúp khu vực doanh nghiệp giảm chi phí vốn, đặc biệt với các ngành có nợ ròng cao (như xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản). Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng có lợi do lãi suất huy động thường giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, nhóm ngành chứng khoán sẽ có lợi ích cả đầu vào (giảm chi phí vốn) và đầu ra nhờ thanh khoản thị trường cải thiện và nhu cầu vay ký quỹ (margin) tăng khi mặt bằng lãi suất giảm.

“Chính sách nới lỏng tài khóa và lãi suất trong nước giảm, hai yếu tố chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi trong nửa cuối năm,” ông Hinh chia sẻ.

Mặt khác, ông Hinh kỳ vọng tốc độ giải ngân đầu tư công tăng mạnh, đây là một phần của chính sách tài khóa mở rộng trong nửa cuối năm 2023. Ông Hinh dẫn chứng số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong nửa đầu năm 2023, vốn đầu tư công thực hiện đạt 232 nghìn tỷ đồng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt trội hơn nhiều tốc độ tăng trưởng 10% của nửa đầu năm 2022. Hiện, Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm với mục tiêu hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (kế hoạch Quốc hội giao cho năm 2023 là 711.684 tỷ đồng).

Chính sách 'hạ nhiệt' lãi suất thấp sẽ có tác động tích cực lan tỏa đến nhiều ngành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đồng tình với đánh giá trên, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI), nhấn mạnh đầu tư công luôn là lựa chọn chính sách hàng đầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trong năm 2023 tăng 25% so với năm 2022 ở mức hơn 700 nghìn tỷ đồng. Đây là một con số tương đối lớn trong khoảng thời gian là một năm (bởi kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm 2021-2025 chỉ vào khoảng 2,5 triệu tỷ đồng).

Tuy nhiên, bà Hiền có phần thận trọng hơn và cho rằng mỗi chính sách đi vào cuộc sống luôn cần nhiều thời gian, nhất là khi thủ tục đầu tư với các dự án cơ sở hạ tầng lớn luôn là một thách thức cho công tác giải ngân vốn trong nhiều năm qua. Hơn nữa, giải ngân 6 tháng đầu năm mới đạt 30% kế hoạch năm.

Phục hồi từ vùng đáy

Nhận định về xu hướng trung hạn, nhóm phân tích của SSI cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ chuyển động tích cực hơn, động lực chủ yếu do phục hồi từ vùng đáy. Bên cạnh đó, xu thế được cộng hưởng và dẫn dắt bởi hàng loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ. Mặc dù, bức tranh kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức, do tác động từ sự suy yếu của các nền kinh tế lớn cộng thêm tiêu dùng trong nước chậm và đầu tư được chọn làm động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.

Trên thị trường chứng khoán, VN-Index giữ vững đà tăng khi tiếp tục trong tháng Sáu khi nhận được động lực từ quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của Ngân hàng Nước. Nhờ đó, chỉ số chốt phiên giao dịch ngày 30/6 ở ngưỡng 1.120,2 điểm, và tăng 11,2% kể từ đầu năm.

Trong ngắn hạn, nhóm phân tích của SSI kỳ vọng VN-Index sẽ chinh phục mục tiêu 1.150-1.156 điểm và lên tiếp các mốc điểm số cao hơn tại khu vực 1.170- 1.180 điểm trong chu kỳ tăng trưởng của tháng Bảy.

Bà Phương cho rằng với xu hướng tăng trưởng lợi nhuận theo quý của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, kỳ vọng sẽ có sự cải thiện ngay trong quý 2. Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ không chịu áp lực nền so sánh với cùng kỳ năm 2022. Và, đây là yếu tố đáng kể nâng đỡ thị trường tiếp tục xu hướng tích cực hiện tại.

Cho rằng kinh tế trong nước vẫn khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, song nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhấn mạnh những tín hiệu đang tương đối tích cực. Nhìn về dài hạn, Việt Nam chứa đựng nhiều lợi thế riêng, như có tiềm năng lớn thu hút cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài.

Về diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam, báo cáo của VCBS nhận định kể từ giữa tháng 11/2022 cho đến hiện tại, VN-Index đã tăng trưởng tích cực hơn và sẽ tiếp tục đi lên trong phần còn lại của năm 2023. Nhóm phân tích VCBS dự báo về mức đỉnh của chỉ số VN Index trong năm 2023 là khoảng 1.180 điểm, tương ứng thấp hơn 22% so với mức đỉnh của năm 2022.

Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức, trong đó đáng chú ý nhất dòng tiền đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán từ cả nhà đầu tư nội và ngoại đều hạn chế hơn.

Theo VCBS, các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dài hạn cho mục tiêu đầu tư tích sản có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định. Tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt so với giá thị trường cổ phiếu cao hơn so với lãi suất tiết kiệm./.

Tác giả: Hạnh Nguyễn

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến