Thị trường đô la đen tung hoành tại Venezuela
16/12/2014 13:22:04
ANTT.VN - Ở mức tỉ giá chính thức, một đồng đô la có thể mua được 6,3 đồng Bolivar, tuy nhiên tại chợ đen một đồng bạc xanh có thể bán được với giá gấp mười lần như vậy.
Cách đây hơn 1 thập kỷ, cố tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã ban hành luật quản lý tiền tệ  nhằm hạn chế chặt chẽ số ngoại hối người dân được phép mua từ chính phủ. Tuy nhiên luật quản lý tiền tệ này đã vô tình khiến cho người dân “cái khó ló cái khôn”, sự khan hiếm ngoại tệ khiến cho thị trường chợ đen để mua đổi đồng đô la đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết tại đất nước này.

Bên cạnh đó tỉ lệ lạm phát cao ở mức 28% cũng đã khiến người dân đất nước này luôn “khát” ngoại tệ và vàng như một công cụ để dự trữ.

Việc thắt chặt mức ngoại hối được cho phép thu mua từ chính phủ trong khi không thể quản lý được sự phát triển của thị trường ngoại tệ đen đã khiến mức chênh lệch mệnh giá của đồng bolivar trên thị trường ngoại hối so với chợ đen lớn không tưởng. Ở mức tỉ giá chính thức, một đồng đô la có thể mua được 6,3 đồng Bolivar, tuy nhiên tại chợ đen một đồng bạc xanh có thể bán được với giá gấp mười lần như vậy (tương đương 63 đồng Bolivar).

Kết quả là, tại Venezuela những người sở hữu lượng lớn ngoại tệ có thể sống một cách thoải mái, du lịch vòng quanh thế giới và sống tại khách sạn 5 sao, trong khi những người dân địa phương kiếm tiền chủ yếu là dựa vào đồng nội địa Bolivar thì phải hứng chịu nền kinh tế đắt đỏ nhất trên hành tinh, đấu tranh “vật vã” để  đáp ứng được những nhu cầu vật chất cơ bản như dầu ăn, thịt gà và thậm chí cả giấy vệ sinh. Cộng thêm với sự lạm phát, khoảng cách giàu nghèo tại Venezuela, giữa những người giữ nhiều ngoại tệ và số còn lại đang ngày càng mở rộng trong khi tình hình chợ đô la đen vẫn đang phát triển.

Những người dân sở hữu lượng lớn đô la hoặc các đồng ngoại hối mạnh như bảng Anh, Ơ rô có thể lợi dụng thị trường tín dụng đen màu mỡ bằng cách mua đồng tiền nội địa tại các con phố “mờ ám” hoặc qua các giao dịch với giới “cổ cồn trắng” - các nhà môi giới ngoại tệ  thông qua việc chuyển tiền giữa các tài khoản quốc tế. Một nhân viên môi giới bất hợp phát cho biết: “trong những giao dịch này, tin tưởng nhau là yếu tố quan trọng nhất”. Anh cũng cho biết một tháng anh có thể kiếm hàng nghìn đô la từ tiền phí và hoa hồng qua việc mua và bán “vài triệu” đô la mỗi năm. Khách hàng sẽ liên hệ với anh khi cần tiền nội địa để chi trả cho các hoạt động trong nước hoặc bảo anh trực tiếp trả tiền cho các chuyến bay và khách sạn bằng đồng nội địa.

Một ví dụ cụ thể, mức lương trung bình tại Venezuela là 519 USD/tháng tính theo tỉ giá chính thức nhưng theo mức giá đồng đô la được “đẩy”  tại chợ đen thì con số đó còn khoảng 50 USD/tháng.

Tại sân bay Caracas, Linger Tiapa – một nhân viên chuyên bán tạp chí và đồ ăn nhẹ cho biết nếu tính theo tỉ giá ngoại tệ tại chợ đen, một tháng bà chỉ kiếm được 52 USD. Người phụ nữ 39 tuổi cho biết “ Thật điên rồ. Chính phủ không biết rằng chúng tôi mua đồ ăn tiêu tốn ra sao. Tôi phải tìm mọi cách để kiếm sống, thậm chí phải bán cả quần áo của mình”.

Một người dân thuộc tầng lớp trung lưu có thể kiếm được gấp 4 lần bà Tiapa. Những số liệu này đã khiến Venezuela vừa là quốc gia đắt đỏ nhất lại vừa là quốc gia có chi phí rẻ nhất trên thế giới: một bát mì có giá 30 $ hay 3$ phụ thuộc việc bạn sử dụng USD hay đồng tiền nội địa; một đêm tại khách sạn 5 sao Marriot có thể có giá 700$ hoặc 70$.

Rất nhiều người dân cũng lợi dụng việc này để kiếm lời. Một số khách du lịch đã trả chi phí bằng đô la Mỹ với tỉ giá của chính phủ nhưng vẫn đổi tiền địa phương tại chợ đen. Một cố vấn kinh doanh trẻ tại Châu Âu cho biết đã trả được hết khoản nợ của mình sau một tháng làm việc tại Venezuela. Những người có bảo hiểm sức khỏe nước ngoài có thể trả hết bằng ngoại tệ và có thể được lãi gấp 10 khi được trả tiền.  Ví dụ, một cuộc gặp với bác sĩ tiêu tốn khoảng 800 Bolivar, công ty bảo hiểm sẽ chuyển số tiền này thành đô la bằng tỉ giá chính thức và trả 127$ cho bệnh nhân. Bệnh nhân này đã đổi đô la tại chợ đen từ trước đó và giá một lần khám thực ra chỉ tiêu tốn 13$ và người bệnh đã “lời” được 114$.
 
Tháng 11 năm nay, quyết định không cắt giảm sản lượng dầu của OPEC đã giáng một đòn mạnh vào đất nước chuyên dựa vào xuất khẩu dầu này. Ngay sau khi quyết định đó được công bố, một đô la vọt lên trị giá 150 bolivar tại thị trường chợ đen. Trong khi đó tỉ giá chính thức là 6.3 Bolivar/USD. Việc này ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống người dân Venezuela với tỉ lệ lạm phát đang ở mức 70% - cao nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối đen cũng trở thành thước đo cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế này trong khi suy thoái vẫn đang diễn ra.
 
Tú Anh (theo Time)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến