Dòng sự kiện:
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán chưa thấy đáy
12/04/2022 21:06:25
VN-Index mất thêm hơn 25 điểm; Nhu cầu vàng còn tăng bởi những lo ngại về lạm phát; Hết thời cổ phiếu đầu cơ?;…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 12/4 tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 68,85 – 69,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 7,4 USD/ounce lên 1.954,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm nhẹ về 1.950 USD, trước khi bật lên trên gần 1.955 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 100,12 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.108 đồng/USD, tăng 7 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.745 – 23.025 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về gần 39.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục rơi nhẹ nhưng đã bật mạnh lên trên ngưỡng 40.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 3,13 USD (+3,32%), lên 97,42 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 3,40 USD (+3,45%), lên 101,88 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index rơi 25 điểm

Sau phiên sáng khá tiêu cực, thị trường bất ngờ bật lên ngay sau giờ nghỉ trưa, khi một số bluechip thu hẹp đà giảm, giúp VN-Index tăng 13 điểm từ mức đáy.

Dù vậy, các bluechip lại quay đầu điều chỉnh, cùng với lực bán dâng cao với không ít trong số đó là các mã vừa và nhỏ lao về mức giá sàn, khiến VN-Index đổ đèo, giảm hơn 25 điểm về 1.455 điểm khi đóng cửa.

Các bluechip giảm sâu như BVH -5,5%, GVR -5,3%, TPB -5,3%, POW -3,7%, BID -3,5%, VRE -3,4%, CTG -3,3%, MBB -2,9%, VHM, SSI, PLX, HPG đều mất 2,8%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC, ROS, AMD, HAI cùng HQC, DXG, SCR, DLG, KSB, NBB, CTD, LGL, TGG, PXI, HQC, CII, DIG, HAR, HDC, JVC, VOS, DQC, NKG, SKG, HAX, YEG, FTS, VIP, ASP, HAG…đều giảm sàn.

Kết thúc phiên giao dịch 12/4: VN-Index giảm 26,75 điểm (-1,80%), xuống 1.455,25 điểm; HNX-Index giảm 11,01 điểm (-2,55%), xuống 421,01 điểm; UpCoM-Index giảm 1,31 điểm (-1,15%), xuống 112,53 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm mạnh trong phiên ngày thứ Hai (11/4), khi tâm lý giới đầu tư bị đè nặng bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng cao.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động gần mức cao kỷ lục trong ba năm tại mức 2,79%, trước khi số liệu lạm phát được công bố trong ngày 12/4.

Những lo ngại về lãi suất tăng cao hơn đã khiến nhà đầu tư từ bỏ các cổ phiếu tăng trưởng, chẳng hạn như nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà suy giảm với Microsoft mất 3,9%. Cổ phiếu sản xuất chất bán dẫn như Nvidia và Advanced Micro Devices lần lượt sụt 5,2% và 3,6%.

Kết thúc phiên 11/4, chỉ số Dow Jones giảm 413,04 điểm (-1,19%), xuống 34.308,08 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 75,75 điểm (-1,69%), xuống 4.412,53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 299,04 điểm (-2,18%), xuống 13.411,96 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 tuần do các cổ phiếu lớn suy yếu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,81% xuống 26.334,98 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 16/3. Chỉ số Topix giảm 1,38% xuống còn 1.863,63 điểm.

Cổ phiếu lớn Fast Retailing là tác nhân gây ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số Nikkei 225, giảm 3,18%. Theo sau là hãng sản xuất robot Fanuc giảm 5,47% Terumo giảm 3,69%.

Vận tải biển là lĩnh vực hoạt động kém nhất trong số 33 chỉ số phụ của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, mất 5,68%.

Cổ phiếu Takashimaya tăng 4,09% và là công ty tăng giá hàng đầu trên Nikkei 225, sau khi nhà điều hành cửa hàng bách hóa dự báo lợi nhuận năm nay tốt hơn mong đợi và thông báo đóng cửa cửa hàng ở Tokyo.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc mua vào, do đồn đoán rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ thực hiện các biện pháp nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,46% lên 3.213,33 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,95% lên 4.17997 điểm, được thúc đẩy bởi các cổ phiếu tài chính và du lịch.

Giới đầu tư đặt cược rằng, các nhà chức trách sẽ thực hiện các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường lần thứ 3 đưa ra cảnh báo về rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm lại trong vòng chưa đầy một tuần.

Các nhà đầu tư nước ngoài theo đó đã mua ròng 9,1 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc trong phiên hôm qua, mức cao nhất trong tháng này.

Chứng khoán Hồng Kông nhích lên khi nhóm cổ phiếu công nghệ phục hồi.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,52% lên 21.319,13 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,78% lên 7.264,43 điểm.

Nhóm cổ phiếu trò chơi trực tuyến đã tăng mạnh, khi nhà chức trách cấp giấy phép cho 45 trò chơi trên Internet vào tháng 4, lần đầu tiên kể từ tháng 7.

Đáng chú ý, cổ phiếu Bilibili tăng 12,8% và Tencent tăng 3,6% mặc dù các trò chơi của họ không có trong danh sách được cấp phép mới.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi giới đầu tư thận trọng trước dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 26,34 điểm, tương đương 0,98% xuống 2.666,76 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,33% và SK Hynix mất 0,45%, nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 3,29%.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 465,1 tỷ won (377,34 triệu USD) cổ phiếu trên bảng chính, kéo dài đợt bán ra đến phiên thứ năm liên tiếp.

Nhà phân tích Kim Seok-hwan của Mirae Asset Securities cho biết: Cổ phiếu giảm do lo ngại suy giảm kinh tế toàn cầu và lạm phát Mỹ tiếp tục diễn ra.

Thông tin đáng chú ý là Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc cho biết ông sẽ vận động hành lang để quốc gia này được đưa vào chỉ số thị trường phát triển của Morgan Stanley Capital International (MSCI).

Ông cũng đưa ra nhận định rằng đồng won hiện đang giao dịch ở một trong những mức thấp nhất mà ông từng thấy và chính phủ sẵn sàng triển khai các biện pháp bình ổn thị trường nếu cần.

Kết thúc phiên 12/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 486,54 điểm (-1,81%), xuống 26.334,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 46,20 điểm (+1,46%), lên 3.213.33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 110,83 điểm (+0,52%), lên 21.319,13 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 26,34 điểm (-0,98%), xuống 2.666,76 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nhu cầu vàng còn tăng bởi những lo ngại về lạm phát

Tăng trưởng thấp và niềm tin người tiêu dùng giảm, làm dấy lên nỗi sợ hãi về lạm phát đình trệ. Cùng với đó, các sự kiện địa chính trị đã cho thấy, nhu cầu vàng sẽ tăng.

- Hết thời cổ phiếu đầu cơ?

Hai tuần trở lại đây, hàng loạt cổ phiếu nhỏ tăng phi mã trong giai đoạn từ quý IV/2021 đều có dấu hiệu đổ đèo.

- Chặn vốn đầu cơ, không bóp nghẹt thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu Việt Nam được định hướng tăng trưởng mạnh, song qua vụ trái phiếu doanh nghiệp Tân Hoàng Minh, dư luận cho rằng, cần thanh lọc, chặn vốn đổ vào lĩnh vực đầu cơ.

- Đáy nào cho VN-Index?

Phiên hôm nay (12/4), thị trường chỉ bật nhẹ sau thời gian mở cửa và để rồi tiếp tục lao dốc với tốc độ lớn hơn những phiên trước. Trong phiên chiều, VN-Index từng thử kiểm tra lực cầu khi một số mã trụ được kéo tăng trở lại, nhưng cú "test" đã thất bại vì sức mua hưởng ứng quá yếu. Đáy nào cho VN-Index?..>> Chi tiết

- OPEC: Không thể thay thế nguồn cung dầu bị mất đi của Nga

Hôm thứ Hai (11/4), OPEC nói với Liên minh châu Âu rằng, các lệnh trừng phạt hiện tại và tương lai đối với Nga có thể tạo ra một trong những cú sốc về nguồn cung dầu tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay.

Tác giả: Thạch Bắc

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến