Trong khi khối ngoại bán ròng cổ phiếu và để mắt tới sản phẩm đầu tư thụ động là các quỹ ETF nội, thì nhà đầu tư trong nước lại đang muốn tự chủ với từng quyết định của mình.
Vốn ngoài chuyển hướng
Theo số liệu thống kê, năm 2020, nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh trên sàn, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 39.000 tỷ đồng. Còn nếu tính cả giao dịch thỏa thuận “khủng” tại VHM và MSN thì khối ngoại vẫn xả ròng tới 23.000 tỷ đồng.
Sau đó, trạng thái bán ròng còn kéo ròng vẫn được khối ngoại duy trì. Riêng tháng 3/2021, giá trị cổ phiếu bị khối ngoại xả ròng ghi nhận lịch sử với 12.253 tỷ đồng và luỹ kế cả quý đầu năm là 18.645 tỷ đồng giá trị ròng.
Như vậy, trong suốt quãng thời gian của năm 2020 kéo dài sang tới 3 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phải chứng kiến đợt bán ròng mạnh và dữ dội của khối ngoại.
Một loạt lý do đã được các chuyên gia viện dẫn để lý giải về trạng thái này. Trong đó, xu hướng dịch chuyển vốn về các thị trường phát triển đang khá mạnh trước sức hút phục hồi nền kinh tế của Mỹ, hay việc khối ngoại cần cơ cấu và đảo danh mục được viện dẫn nhiều nhất.
Tuy nhiên, có một điểm rất đáng chú ý đó là, mặc dù cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhưng dòng tiền của khối ngoại lại tập trung gom các chứng chỉ quỹ ETF, mạnh nhất là FUEVFVND. Tức, lượng vốn đã dịch chuyển từ đầu tư trực tiếp sang hình thức đầu tư thụ động thông qua nắm giữ chứng chỉ quỹ ETF.
Điển hình như quỹ PYN Elite (Phần Lan) liên tục bán cổ phiếu nhưng mua mạnh chứng chỉ quỹ ETF. Hiện FUEVFVND là khoản đầu tư lớn thứ hai của quỹ này, chiếm 9,6% trong khối tài sản 408,7 triệu euro mà PYN Elite đang quản lý.
Thống kê chung giao dịch của khối ngoại với các chứng chỉ quỹ ETF sàn HOSE, tổng giá trị mua ròng trong 3 tháng đầu năm 2021 khoảng 4.481 tỷ đồng. Thậm chí, sang đến tháng 4/2021, mức mua ròng chứng chỉ quỹ ETF cũng đạt 823 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là hai chứng chỉ quỹ nội FUEVFVND và FUESSVF.
Có hai nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chuyển mình của dòng vốn ngoại. Thứ nhất, các quỹ ETF nội đang cho thấy hiệu quả đầu tư cao hơn rất nhiều so với quỹ ETF ngoại cũng như các quỹ mở khác. Năm 2020, theo số liệu của FiinGroup, quỹ hoạt động hiệu quả nhất là VFMVN Diamond ETF với mức sinh lời 55,8%, cao hơn hẳn mức tăng 14,9% của VN-Index và vượt xa mức sinh lời khoảng 10% của các quỹ ngoại như Premia MSCI Vietnam, V.N.M ETF
Trong quý 1/2021, khoảng cách giữa hiệu suất của quỹ ETF nội và ngoại vẫn duy trì cách biệt lớn. Ba tháng đầu năm, 2 quỹ nội SSIAM VNFinlead ETF và VFMVN Diamond ETF dẫn đầu thị trường với mức tăng trưởng lần lượt là 19,44% và 18,77%, so với mức tăng 7,93% của chỉ số VN-Index.
Một số quỹ ETF nội khác như SSIAM VNX50 ETF, SSIAM VN30 ETF, E1FVN30 đều có hiệu suất đầu tư cao hơn so với mức tăng trưởng của thị trường chung, lần lượt đạt 13,23%, 12,85% và 13,18%. Trong khi đó, quỹ ngoại FTSE ETF chỉ tăng trưởng 4,41%; V.N.M ETF tăng khoảng 9%.
Thứ hai, các quỹ ETF nội mô phỏng chỉ số VNDiamond, VNFinlead và VNFinselect bao gồm danh mục nhiều cổ phiếu hết dư địa sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, với việc nắm chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư ngoại có thể đầu tư gián tiếp vào các cổ phiếu Việt Nam đã chạm trần sở hữu (room).
Tổng giá trị giao dịch (mua + bán) trên sàn HOSE theo loại nhà đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy