Dòng sự kiện:
Thiếu cơ chế bảo vệ người cho vay
05/08/2020 11:21:39
Cái nhìn thiếu tích cực của xã hội, dư luận đối với các tổ chức tín dụng là một trong những nguyên nhân quan trọng 'nuôi dưỡng' sự tồn tại của tín dụng đen, đồng thời không thể kéo mặt bằng lãi suất giảm xuống.

Vòng luẩn quẩn của nợ xấu và lãi suất

Gần đây, có rất nhiều thông tin về việc triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Mức lãi suất khủng có thể lên tới 300 – 400%/năm. Có nghĩa là cứ một đồng vốn vay ban đầu thì sau 1 năm đã phải trả con số gấp 3 - 4 lần hay vay 100 triệu thì 1 năm sau phải trả 300 – 400 triệu. Thử hỏi doanh nghiệp, người dân làm gì cho ra để trả nợ?

Trong kinh tế thị trường có khái niệm, “nếu lợi nhuận 100% thì đối tượng có thể bất chấp pháp luật, còn lợi nhuận 300% thì có treo cổ nó lên, nó vẫn làm”. Vì thế dù bị xử phạt nặng song tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn đang hoành hành khắp nơi. Tuy nhiên, cũng nhiều người đặt câu hỏi rất chính đáng rằng “ai, doanh nghiệp nào, tại sao biết lãi suất cắt cổ, biết không làm ăn gì cho lại mà vẫn vay nặng lãi?”.

Kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức luôn tồn tại song hành với nền kinh tế chính thức. Nó chỉ đáng lo ngại khi lấn át nền kinh tế chính thức, gây ra các hệ luỵ xã hội, ảnh hưởng tới niềm tin của người dân vào pháp luật và nhà cầm quyền. Tình trạng tín dụng đen ngày càng phổ biến cho thấy nhu cầu vốn của người dân là có thật, rất cấp thiết nhưng lại không thể tìm tới nguồn vốn chính thống.

Tín dụng đen len lỏi tới từng ngóc ngách

Tại một hội nghị gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã truyền đi một thông điệp khá rõ ràng, thể hiện quyết tâm và ý chí của cơ quan quản lý rằng “không cho vay dưới chuẩn”. Ông ví việc cho vay dưới chuẩn, với những doanh nghiệp có năng lực tài chính quá yếu, hồ sơ, hoạt động thiếu minh bạch, không có tài sản thế chấp như “mua vịt ngoài đồng”, thả gà ra đuổi, mặc dù tín dụng ngân hàng đang tăng trưởng rất thấp những tháng đầu năm 2020.

Quan điểm của cơ quan quản lý và thực tiễn là phù hợp với nhau. Khi mọi hoạt động ngưng trệ, cung cầu đứt gãy, doanh nghiệp rất cần vốn nhưng lại không thể tiếp cận kênh tín dụng chính thức thì họ buộc phải tìm tới kênh phi chính thức. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá thì sự quyết tâm của NHNN là cần thiết cho sự ổn định vĩ mô, là tiền đề để giảm lãi suất, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp chính đáng.

Chủ trương trên của NHNN hướng đến mục tiêu không tăng thêm nợ xấu, cũng như toàn ngành không phải bước vào chu kỳ giải quyết hậu quả của sự yếu kém trong hệ thống tài chính ngân hàng như thời gian qua. Nợ xấu tăng là nỗi ám ảnh của ngành ngân hàng nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung, vì nó như cục máu đông, làm tắc nghẽn, tê liệt hoạt động của nền kinh tế, tạo ra vòng luẩn quẩn của dòng vốn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng nhấn mạnh rằng, muốn hạ lãi suất cần xử lý được nợ xấu. Muốn có tiền tươi thóc thật cũng cần xử lý được nợ xấu, xử lý các tài sản đảm bảo cho các khoản nợ.

Có thể thấy yêu cầu xử lý nợ xấu không phải nhiệm vụ riêng ngành ngân hàng và cũng không làm lợi chỉ cho ngân hàng mà là nhiệm vụ của cả nền kinh tế, của người làm ra nợ xấu và đối tượng bị ảnh hưởng bởi nợ xấu.

Ngân hàng, các công ty tài chính đứng vai trò trung gian điều tiết vốn cho nền kinh tế, khi đầu ra đầu vào của dòng vốn bị đình trệ thì dòng chảy sẽ không thể diễn ra như thông lệ, ngân hàng phải giật gấu vá vai, lấy chỗ nọ đắp chỗ kia, tăng huy động để trả cho “đồng vốn chết lâm sàng”, từ đó lãi suất tăng mãi mà không thể giải quyết triệt để.

Nền kinh tế đói vốn, lãi suất tăng cao dẫn tới hệ luỵ như doanh nghiệp phá sản, vỡ nợ, hàng loạt các sai phạm trong huy động vốn, cấp tín dụng đã bùng nổ trong một giai đoạn đen tối của ngành ngân hàng để dẫn tới những đại án như Oceanbank, GPBank, CBBank...

Nhầm lẫn về “đối tượng yếu thế”

Theo nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức – người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng cho rằng, vướng mắc lớn nhất của các tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản đảm bảo, nợ xấu là quyền thu giữ “không đương nhiên là được”, khách hàng không hợp tác thì rất khó để xử lý.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico

Dù đã có những quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý các khoản nợ quá hạn của người cho vay đối với các khoản vay tại Luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, các điều kiện đi kèm lại rất ngặt nghèo, dẫn tới tình trạng “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó là quá trình thụ lý, xử lý một vụ án tại toà mất rất nhiều thời gian, kéo dài nhiều năm.

Tình trạng này xảy ra trong một thời gian dài, khiến cho các khoản nợ xấu tại ngân hàng và các công ty tài chính ngày càng chất đống, ùn ứ. Lãnh đạo một công ty tài chính từng mệt mỏi chia sẻ: “Nếu chỉ được đòi nợ theo đúng quy định là nhắc nợ và kiện ra tòa, thì công ty tài chính không còn vốn để hoạt động. Chúng tôi bị ràng buộc rất nhiều quy định trong cho vay và đòi nợ, song pháp luật lại chưa có quy định hiệu quả để bảo vệ công ty tài chính trước những khách hàng chây ỳ, cố tình vay tiền sử dụng sai mục đích và không thiện chí trả nợ, thậm chí hành hung cả nhân viên đòi nợ của công ty”.

Chia sẻ về nội dung trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, về nguyên tắc pháp luật là bảo vệ người yếu thế, nhưng “chúng ta lại đang nhầm lẫn. Lúc cho vay thì người đi vay là yếu thế nhưng ngược lại khi đi đòi nợ thì người cho vay mới là đối tượng yếu thế”. Vì thế mà lúc này đối tượng cần được bảo vệ là chủ nợ chứ không phải con nợ, đặc biệt là những con nợ cố tình trây ỳ, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm lợi cho bản thân.

Thực tế cho thấy, quá trình xử lý của một vụ kiện tranh chấp tài sản bảo đảm rất phức tạp, kéo dài lê thê, nhiều năm trời. Theo ông Đức, dù Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ tháng 8/2017 đã là một bước đột phá vì tạo ra được sức ép nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc xung quanh vấn đề xử lý tài sản đảm bảo.

“Việc ra toà càng chậm, càng kéo dài, càng làm lợi cho những con nợ chây ỳ, còn chủ nợ càng thiệt. Khổ chủ rơi vào vòng xoáy phải thuê xã hội đen để đòi nợ, tăng lãi suất, xoay chỗ nọ đập chỗ kia, dẫn tới những sai phạm không đáng có”, ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng về mặt quy định pháp luật thì có thể nói khá đầy đủ trong việc xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ quá hạn. Tuy nhiên, vấn đề thực thi, tuân thủ, chấp hành thì còn rất kém hiệu quả nên dẫn tới những hành vi ứng xử tương ứng. Vì vậy, quan trọng là luật pháp phải nghiêm và thực thi pháp luật chuẩn chỉnh sẽ tạo ra tiền lệ, tạo thành văn hoá ứng xử đúng mực. Giống như việc tham gia giao thông, nếu vượt đèn đỏ bị phạt nặng và đúng theo quy định sẽ không còn người vượt đèn đỏ nữa.

Riêng với ngành tài chính, ông Đức đánh giá quy định cấm dịch vụ đòi nợ thuê vừa được thông qua cho thấy vẫn một tư duy lối mòn là “không quản được thì cấm”. “Tư duy như vậy là chưa đúng. Dịch vụ đòi nợ thuê là tốt, sao lại cấm? Cái cần cấm, cần quản lý là những dịch vụ biến tướng, lợi dụng dịch vụ đòi nợ thuê”.

Theo đó, cần thay đổi tư duy về xử lý tài sản bảo đảm, đối tượng yếu thế và cần sự đột phá để xử lý được nợ xấu hệ thống ngân hàng, tài chính. Và khi chấp nhận thay đổi tư duy theo hướng đột phá cũng cần chấp nhận “một cái giá” – cái giá cho sự thay đổi.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến