Tuy chưa đến 1% tổng số lượng doanh nghiệp nhưng các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lại đang nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước và đóng góp lớn nhất vào GDP với tỷ trọng gần 30%. Ngoài ra, khu vực kinh tế này còn góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các DNNN hiện vẫn chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đang nắm giữ. Làm thế nào để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh trong hệ thống hành lang pháp lý chung của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp để DNNN thực sự có vị trí then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước cần sớm phải được Nhà nước quan tâm thực hiện.
DNNN thì cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật như Luật DN, Luật đầu tư quản lý vốn nhà nước tại DN, trong đó có nhiều nội dung đề cao tính thị trường. Vấn đề ở đây là sự tự chủ của các DNNN?
Nghiêm khắc với cơ chế xin-cho
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ- Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, thời gian qua nhiều DNNN sau cổ phần hóa, hiệu quả hoạt động tăng lên, hướng theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên ở nước ta, việc thi hành và tuân thủ luật pháp còn yếu. Do đó cần phải kiên quyết khắc phục tình trạng không làm theo luật.Trước hết, đã có luật dứt khoát phải làm theo luật. Không chỉ về phía doanh nghiệp mà còn về phía các cơ quan quản lý cần phải nghiêm khắc, nghiêm túc trong vấn đề này. Xin – cho dứt khoát không được. Xin- cho thể hiện không bình đẳng, không minh bạch, sinh ra tiêu cực và tham nhũng.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ- Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
"Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa qua là kiên quyết thực hiện thị trường dân chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc giải quyết những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và trong việc thực hiện cổ phần hóa. Các ngành, các bộ, cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp phải thấu triệt và chấp hành, không được như vậy cần có những giải pháp xử lý, ít nhất không làm được, những người chịu trách nhiệm đứng sang một bên để cho người khác làm, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã từng nói", ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa thời gian qua chưa đạt kế hoạch. “Thiếu minh bạch, mập mờ thông tin là căn bệnh cố hữu của DNNN. Tôi kỳ vọng chúng ta sẽ cố gắng thay đổi hẳn tư duy, cung cách làm ăn của DNNN, kể cả trước và sau cổ phần hóa thì hiệu quả mới bền vững, kinh tế mới phát triển”, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ bình luận.
Cần minh bạch thông tin nếu muốn hiệu quả
Bàn về các giải pháp để nâng cao hiệu quả DNNN, các chuyên gia đều nhất trí quan điểm phải nhấn mạnh tính công khai, minh bạch, tuân thủ nguyên tắc thị trường, bình đẳng.
Ông Phùng Văn Hùng- Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình cho rằng, chủ trương cổ phần hoá, thoái vốn DNNN là chủ trương lớn Đảng, Nhà nước, được chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm. Những năm qua, chất lượng cổ phần hoá đã nâng lên rất nhiều với các thương vụ lớn, minh bạch, gia tăng lợi ích của nhà nước nhưng tiến độ vẫn chậm so với kế hoạch của Chính phủ. Nguyên nhân là công việc đòi hỏi sự quyết tâm cao không chỉ các cơ quan nhà nước mà của chính bộ máy các doanh nghiệp, người ta có sẵn sàng không? Đây là yếu tố rất quan trọng. Khi ta từ bỏ quyền hạn của mình với các DN thì trong thâm tâm tôi cho rằng còn luyến tiếc. "Ta đã quyết liệt đấy nhưng đã phê bình, kiểm điểm, khiển trách ai trong lĩnh vực này chưa?", ông Hùng nêu câu hỏi. Chúng ta phải kiểm điểm cái này. Hay các DN lớn nắm vốn nhà nước rất lớn, tham gia vào nhiều lĩnh vực, hoạt động cả 1 quá trình dài với nhiều mối quan hệ liên quan tới pháp lý, đất đai, nợ, quyết toán,... sẽ làm cho quy trình cổ phần hoá bị ảnh hưởng? Đây là những vấn đề cần phải mổ xẻ và tìm cách xử lý cho từng cái.
Ông Phùng Văn Hùng- Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội
Theo ông Phùng Văn Hùng, có nhiều nguyên nhân tác động đến tiến độ cổ phần hóa nhưng quan trọng nhất là sự quyết tâm, quyết liệt của các bộ, ngành và chính bộ máy lãnh đạo DN. Trên thực tế, chắc chắn có sự “luyến tiếc” trong việc từ bỏ quyền sở hữu, chủ quản với DNNN.
Cổ phần hoá rõ ràng các DNNN cần phải có sự vào cuộc đẩy nhanh tiến trình xây dựng Nghị định của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước đi vào hoạt động, để có đầu mối sớm hoàn thiện cơ chế để tiến hành cổ phần hoá tốt hơn là để các bộ tự thực hiện. "Tôi kỳ vọng vào Uỷ ban vốn lắm", ông Hùng khẳng định.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định, những nỗ lực cải cách sắp xếp lại DNNN thời gian qua được kỳ vọng nâng cao hiệu quả vốn nhà nước. Nhưng muốn có hiệu quả phải minh bạch thông tin. Trước đây có sự “nhập nhằng” giữa các ngành nghề kinh doanh chính, các DNNN có vị thế đất đai tốt mà không làm gì để gia tăng giá trị tài sản. Do vậy, Chính phủ đã đi trước một bước bằng việc quy định, các DNNN trước khi cổ phần hoá phải sắp xếp lại tài sản đất đai, nếu không dùng hết đất thì chuyển giao lại đất cho địa phương để địa phương sử dụng. Đây là một sự thay đổi hoàn toàn về tư duy, được làm rõ tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP... Trước đây, làm ào ào, có bao nhiêu tài sản thì đưa vào báo cáo để tạo ra lợi thế giả tạo. Khi Chính phủ đưa ra quy định như vậy thì các DN cũng có hiện tượng chần chừ, lo ngại vì như vậy sẽ thấy rõ DN lãi là do cho thuê đất.
Đồng quan điểm này, ông Phùng Văn Hùng cho rằng, chủ trương rà soát đất đai của DNNN trước cổ phần hoá là giải pháp quan trọng đúng đắn. Thời gian qua nhiều trường hợp làm chưa chặt chẽ đã ảnh hưởng thất thoát tài sản đất đai của Nhà nước. Với quy định hiện nay, giá trị đất đai trong cổ phần hoá được công khai minh bạch, định giá đúng thị trường như chúng ta mong muốn để thu hút nhà đầu tư.
Tại cuộc tọa đàm, ông Đặng Quyết Tiến cũng chia sẻ thông tin về hội nghị toàn quốc của Chính phủ về sắp xếp lại DNNN dự kiến diễn ra cuối tháng 9 này. Hội nghị tập trung vào rà soát và đánh giá 2 năm nhiệm kỳ 2016 - 2020 về kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đổi mới DNNN. Đồng thời, nhìn lại hơn một năm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII và triển khai Nghị quyết 60 của Quốc hội. Tại hội nghị này, Chính phủ nhấn mạnh thông điệp các DN cần quán triệt đúng Nghị quyết Trung ương 5 và khẳng định lại mục tiêu phát triển DNNN của giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, DNNN chỉ làm những lĩnh vực Nhà nước cần, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, thoái vốn, giải phóng nguồn lực cho các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là DN tư nhân. “DN tư nhân càng phát triển thì nền kinh tế càng có nhiều cơ hội phát triển, DNNN chỉ dẫn dắt trong một giai đoạn. Chính phủ sẽ bàn nhiều về vấn đề này để đảm bảo thúc đẩy quốc gia khởi nghiệp”, ông Đặng Quyết Tiến nói.
Thu Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy