Dòng sự kiện:
Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga: Vì sao nên nỗi?
25/11/2015 18:17:02
ANTT.VN – Những thế lực khác nhau với những mục đích khác nhau đang can dự vào cuộc khủng hoảng Syria, tuy nhiên có thể tất cả đều không muốn một Syria yên tiếng súng…

Tin liên quan

Su-24 của Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ngày hôm qua (24/11). Ảnh: Anadolu Agency

Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bắn rơi một máy bay ném bom Su-24 của Nga, với cáo buộc phi cơ này đã xâm phạm lãnh thổ của nước này.

Vụ việc trên đã khiến mối quan hệ vốn đã phức tạp giữa điện Kremli và Ankara trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên nếu phân tích sâu sắc tiến trình lịch sử cũng như thực trạng khủng hoảng Syria, cõ lẽ đây không phải là một hệ quả quá bất ngờ.

Ngày 31/10, một máy bay chở khách Nga bị bắn hạ ở bán đảo Sinai khiến 224 người chết. Không lâu sau đấy là vụ thảm sát liên hoàn tại Paris - một trong những vụ khủng bố kinh hoàng nhất tại châu Âu kể từ thế chiến thứ 2. Ngay sau đó, tại giữa trung tâm của châu Âu – Brussels, Bỉ, một loạt vụ đấu súng, bắt bớ các nghi phạm khủng bố xảy ra, đồng thời lệnh giới nghiêm ở cấp độ cao nhất được triển khai trong suốt nhiều ngày qua.

Sau tất cả những diễn biến dồn dập như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)  – lại bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga.

Nếu vụ việc này diễn ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh, rất có thể một cuộc thế chiến nữa, thậm chí sử dụng tới vũ khí hạt nhân, đã xảy ra. Tuy nhiên thật may mắn khi thời kỳ đấy chỉ còn là một chương trong quá trình lịch sử của nhân loại.

Thay vì huy động quân đội trả đũa Ankara, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp giữa 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ở chiều ngược lại, NATO cho biết cũng sẽ sớm mở một cuộc họp khẩn của tổ chức quân sự này.

Tuy nhiên đừng cho rằng đây là hành động “xuống thang” của người Nga, khi mà Putin đã gọi Thổ Nhĩ Kỳ là “kẻ đồng lõa với khủng bố”, đồng thời cảnh báo nước này sẽ phải “nhận những hậu quả tương xứng”. Và đây chỉ mới là những diến biến mới nhất trong một trong những cuộc tranh chấp ảnh hưởng địa - chính trị phức tạp nhất thế giới.

IS vẫn lớn mạnh không ngừng mặc cho những "nỗ lực" oanh kích của các bên. Ảnh: RT

Nguồn gốc vấn đề

Khủng hoảng Syria, nguồn gốc của mọi bất ổn nêu trên, bắt đầu nổ ra năm 2011 khi các lực lượng đối lập được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn bắt đầu tiến hành các hành động quân sự chống lại chính quyền Tổng thống Syria đương nhiệm Bashar al-Assad.

Kể từ đó, quốc gia Trung Đông này trở thành một trong những tâm điểm của thế giới với những mục tiêu khác nhau, mâu thuẫn nhau từ các thế lực có liên can.

Mỹ và đồng minh bắt đầu các chiến dịch chống IS hồi năm ngoái. Việc họ có thực sự muốn “nhổ cỏ tận gốc” tổ chức khủng bố này hay không thì hãy còn phải xem xét, tuy nhiên không khó để thấy rằng cái đích lớn nhất của Washington chính là hỗ trợ các tổ chức đối lập “ôn hòa” lật độ chính quyền Assad.

Và khi mà thủ đô Damascus trở nên nguy ngập bởi mối đe dọa từ cả IS lẫn các lực lượng đối lập, thì đồng minh lớn nhất của Assad - Nga nhảy vào, cũng với danh nghĩa tiễu trừ IS. Tuy vậy, mục đích chính của điện Kremli thì chắc không khó để nhận ra.

Về phần mình, người Thổ cũng có những toan tính riêng của mình. Trên danh nghĩa, họ ủng hộ tiêu diệt IS. Tuy nhiên thực tế, Ankara coi cộng đồng người Kurd – kẻ thù của IS – mới là cái gai lớn nhất, với những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo tồn tại suốt hàng thế kỉ qua.

Tất cả những diễn biến trên chỉ là gia vị thêm vào mớ bòng bong ở Trung Đông hiện tại: Thù hằn sắc tộc giữa người Shiites với người Sunnis, Ảrập Xêút với Iran, Hezbolla chống lại Irsarel, người Kurd chống lại IS lẫn Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí Al Qaeda cũng đang tìm cách trỗi dậy để cạnh tranh với đứa con rơi “IS” của mình.

Xét về mặt lợi ích địa - chính trị toàn cầu, Nga đang cố gắng “hất cẳng” Mỹ cũng như phương Tây khỏi Syria, và sau đó là Trung Đông, qua đấy thách thức chính sách đơn cực của Mỹ suốt nhiều thập kỉ.

Các lực lượng chính tham chiến chống IS. Nguồn: CNN

Không có hồi kết

Trong cuộc xung đột này, mỗi người chơi đều có kẻ thù và đồng minh cùng những toan tính, mưu lợi riêng của mình.

Với những mâu thuẫn lợi ích của các bên tham gia, không khó hiểu khi IS vẫn lớn mạnh không ngừng. Tầm hoạt động và lãnh thổ kiểm soát của tổ chức Hồi giáo này liên tục được mở rộng, không chỉ giới hạn ở Syria, Iraq mà còn sang Afghanistan, Libya, bán đảo Sinai ở Ai Cập, Nigeria và nhiều phần khác ở châu Phi. Ngoài ra còn có các tổ chức con ở tận Indonesia, Pakistan, Algeria hay Philipine.

Bên cạnh gieo rắc nỗi sợ hãi qua các vụ giết hại dã man con tin Mỹ, Ai Cập, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…IS còn khiến thế giới kinh hãi khi thực hiện một loạt vụ khủng bố đẫm máu trên toàn cầu, từ đánh bom máy bay Nga khiến 224 người chết hồi cuối tháng trước, hay thảm sát ở Paris khiến 130 người chết và hơn 360 người bị thương.

Ngoài ra, dòng người tị nạn từ Syria đã góp phần khiến châu Âu đối mặt với khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến mâu thuẫn trong xã hội lục địa già thêm phân hóa sâu sắc, sau những tranh cãi về lợi ích vốn đã và đang gay gắt trong khối đồng tiền chung 19 thành viên này.

Với ngay những vấn đề mang tính nội tại như vậy mà châu Âu còn chưa giải quyết nổi, thì liệu chúng ta có nên kì vọng vào bất cứ bước đột phá nào trong cuộc khủng hoảng mang tính thế kỉ này?

Nghi Điền

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến