Dòng sự kiện:
Thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu của G7: Chấm dứt 'cuộc chạy đua xuống đáy'
06/06/2021 20:01:26
Ngày 5/6, Mỹ, Anh và một số nước giàu khác đã đạt được thỏa thuận lịch sử: Buộc các công ty đa quốc gia phải trả nhiều tiền thuế hơn và hạn chế việc chuyển lợi nhuận tới các thiên đường đánh thuế thấp ở nước ngoài.

Hàng trăm tỷ USD có thể sẽ chảy vào túi của chính phủ các nước đang kiệt quệ tiền bạc vì dịch Covid-19 sau khi nhóm các nền kinh tế phát triển G7 đồng ý ủng hộ đánh thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu ở mức tối thiểu 15%.

Facebook cho biết, công ty này dự kiến sẽ phải trả nhiều thuế hơn, ở nhiều nước hơn sau khi G7 đạt được thỏa thuận mới sau 8 năm đàm phán và chỉ có sự đột phá trong những tháng gần đây sau các đề xuất của chính quyền mới ở Mỹ.

Các nước G7 ngày 5/6 đã đạt được thỏa thuận về thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu. Ảnh: Reuters

Tin tồi đối với các "thiên đường" thuế

“Bộ trường tài chính các nước G7 đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế quan toàn cầu và làm cho hệ thống này phù hợp với thời đại số toàn cầu, và quan trọng hơn cả, các công ty phải trả đúng thuế ở đúng nơi”, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết sau khi chủ trì cuộc họp kéo dài 2 ngày ở London. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các bộ trưởng tài chính G7 kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nói rằng thoả thuận này là “tin tồi đối với các thiên đường thuế trên khắp thế giới”.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, đây là một “cam kết quan trọng và chưa từng có”.

“Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" trong thuế thu nhập doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động ở Mỹ cũng như trên thế giới”, bà Yellen nói, đồng thời cho rằng, điều này cũng khuyến khích các nước cạnh tranh dựa trên những cơ sở tích cực.

Bà Yellen cũng coi cuộc họp của G7 là sự trở lại chủ nghĩa đa phương dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, cách tiếp cận trái ngược với người tiền nhiệm Donald Trump – người vốn không thân thiện với nhiều đồng minh của Mỹ.

“Những gì tôi nhận thấy trong thời gian tham dự cuộc họp G7 là sự hợp tác sâu sắc và mong muốn được phối hợp để giải quyết các vấn đề toàn cầu”, bà nói.

Các bộ trưởng cũng nhất trí tiếp tục buộc các công ty phải công bố tác động môi trường theo cách tiêu chuẩn hơn để các nhà đầu tư có thể dễ dàng quyết định có đầu tư cho họ hay không. Đây là một mục tiêu quan trọng đối với Anh.

Nhắm vào các gã khổng lồ công nghệ

Các quy tắc thuế toàn cầu hiện nay có từ những năm 1920 và đang phải đấu tranh với những gã khổng lồ công nghệ đa quốc gia bán dịch vụ từ xa và quy phần lớn lợi nhuận của họ cho tài sản trí tuệ nắm giữ ở những khu vực đánh thuế thấp.

Những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Facebook and Google có thể bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận mới của G7. Các chính phủ nước ngoài lâu nay phàn nàn rằng các công ty công nghệ lớn lẽ ra phải nộp thuế cho họ nhiều hơn. Một số nước gần đây cũng đã thông qua quy định thuế quan nhằm vào doanh thu của những công ty như vậy, trong đó có cả những công ty có trụ sở ở Mỹ như Facebook, Google and Amazon

Nick Clegg, Phó Chủ tịch Facebook phụ trách các vấn đề toàn cầu, đồng thời là cựu Phó Thủ tướng Anh, nói rằng: “Chúng tôi muốn quá trình cải cách thuế quan quốc tế diễn ra thành công, nhưng cũng phải thừa nhận rằng điều này cũng đồng nghĩa với việc Facebook sẽ phải đóng nhiều thuế hơn và ở nhiều nơi khác nhau”.

Google ủng hộ việc thay đổi quy định thuế quan quốc tế, đồng thời hy vọng “các nước tiếp tục làm việc cùng nhau để đảm bảo một thỏa thuận cân bằng và bền vững”, người phát ngôn Google, José Castañeda nói với CNN.

Người phát ngôn Amazon nói rằng, “Chúng tôi tin tưởng một quy trình do OECD dẫn đầu nhằm đưa ra một giải pháp đa phương sẽ giúp đem lại sự ổn định cho hệ thống thuế quan quốc tế. Thỏa thuận của G7 là một bước đi được hoan nghênh nhằm hướng tới nỗ lực đạt được mục tiêu này”.

Tuy nhiên, Italy, nước đang muốn tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với các kế hoạt tại một cuộc họp của G20 ở Venice vào tháng tới, nói rằng, các đề xuất hiện nay không chỉ nhằm vào các công ty Mỹ.

Các chi tiết quan trọng vẫn sẽ tiếp tục được đàm phán trong những tháng tới. Thỏa thuận hôm 5/6 nói rằng chỉ “những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận lớn nhất” mới bị ảnh hưởng.

Dù vậy, các nước châu Âu lo ngại rằng trong số này sẽ không có Amazon – công ty vốn có biên độ lợi nhuận thấp hơn hầu hết các công ty công nghệ khác. Trong khi đó, bà Yellen nói rằng Amazon nằm trong phạm vi ảnh hưởng của thỏa thuận thuế quan mới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng ông sẽ thúc đẩy việc nâng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu, và mức 15% chỉ là “điểm khởi đầu”.

Một số nhóm vận động cũng chỉ trích rằng những gì họ nhìn thấy vẫn chưa đủ quyết liệt.

“Họ đặt ra một rào cản khá thấp mà các công ty có thể dễ dàng vượt qua”, Max Lawson, người đứng đầu bộ phân chính sách bất bình đẳng của Oxfam cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe, nước có khả năng bị ảnh hưởng do thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ ở mức 12,5%, nói rằng, bất cứ thỏa thuận toàn cầu nào cũng cần phải tính đến các nước nhỏ hơn.

Tác giả: Hoàng Phạm

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến