Thoái vốn nhà nước khỏi Sabeco, Habeco, Tổng thư ký VAFI nói gì
11/05/2016 11:42:53
ANTT.VN – VAFI cho rằng bán hết phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp quốc doanh sẽ là mũi tên trúng nhiều đích…

Tin liên quan

Theo VAFI, thoái vốn ở Sabeco và Habeco có thể đưa về cho Ngân sách ít nhất 3 tỉ USD.

Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Bộ Công thương, đề xuất thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Trong văn bản, VAFI kiến nghị tân Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh gấp rút tiến hành thoái toàn bộ cổ phần nhà nước mà Bộ này đang là chủ sở hữu tại 2 tổng công ty trên, lần lượt với tỉ lệ 90% và 82%.

Đây không phải lần đầu tiên VAFI đề xuất phải bán bớt cổ phần nhà nước trong các công ty quốc doanh nhằm cứu Ngân sách. Cuối năm 2013, hiệp hội này đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ 5 giải pháp cứu ngân sách, trong đó nhấn mạnh vào việc thoái hết cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước.

Tháng 10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có những tên tuổi lớn như Nhựa Tiền Phong, FPT hay Vinamilk…

Trao đổi với ANTT.VN, Tổng thư ký VAFI ông Nguyễn Hoàng Hải thẳng thắn đặt câu hỏi liệu có hay không những khuất tất tại Sabeco và Habeco:

“Sau hơn 8 năm cổ phần hóa, tình hình kinh doanh tại 2 công ty này ngày càng đi xuống. Đơn cử lợi nhuận của Sabeco cách đây 10 năm gấp đôi Vinamilk, nhưng hiện giờ chỉ còn bằng 1/3, đặt ra câu hỏi về năng lực của đội ngũ lãnh đạo cũng như có hay không lợi ích cục bộ tại những công ty này”.

“Thực trạng kém minh bạch, trốn tránh niêm yết, cử người yếu năng lực nắm giữ những vị trí quan trọng, nếu có, sẽ dần làm yếu kém công tác quản trị doanh nghiệp và làm giảm giá trị doanh nghiệp, tệ hại hơn là đẩy dần doanh nghiệp vào tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí là thua lỗ. Bộ Công thương đã có rất nhiều những bài học nhãn tiền và cay đắng rồi, đơn cử như Tổng công ty Thép, Tập đoàn Than khoáng sản…”, vị chuyên gia nói, nhấn mạnh:

“Nếu đã kinh doanh không hiệu quả thì Bộ Công thương nên xem xét nhanh chóng thoái toàn bộ vốn tại 2 công ty trên. Theo tính toán của chúng tôi, có thể đưa về ít nhất 3 tỷ USD cho Ngân sách nhà nước, đặt biệt có ý nghĩa khi nước ta đang khát vốn xây dựng cơ sở hạ tầng tại 2 thành phố lớn Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh”.

Tổng thư ký VAFI ông Nguyễn Hoàng Hải.

Bàn về hình thức thoái vốn, ông Hải cho rằng phải kiên quyết bán đấu giá phần vốn Nhà nước của Sabeco và Habeco tại các Sở giao dịch chứng khoán, không áp dụng mua bán thỏa thuận, tạo môi trường bình đẳng cho nhiều nhà đầu tư có năng lực.

Trước câu hỏi liệu có hay không nguy cơ doanh nghiệp lớn trong nước bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài, ông Hải nhận định: “Chẳng có gì phải lo lắng cả. Theo tôi quan trọng nhất là quá trình bán đấu giá phải công khai, minh bạch, đưa về số tiền nhiều nhất cho Ngân sách. Chứ nước ngoài họ có mua thì nhà máy vẫn ở Việt Nam, sản phẩm chủ yếu hướng vào thị phần trong nước, nộp thuế cho Việt Nam. Và với năng lực quản trị tốt hơn thì những yếu tố trên lại trở nên tích cực hơn. Vì vậy tôi cho rằng không nên quá khắt khe trong vấn đề này”.

Trước đó, cuối năm 2014, Thai Beverage - công ty của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, cũng nhiều lần trình bày với Chính phủ Việt Nam về mong muốn mua cổ phần trong Sabeco và định giá thương hiệu này ở mức 2 tỷ USD nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi được dư luận trong nước biết tới với thương vụ thâu tóm Metro Việt Nam đình đám cuối năm ngoái.

Trong khi đó tại Habeco, Tập đoàn Carlsberg Breweries A/S đang sở hữu 17,23% cổ phần và muốn tiếp tục mua thêm 13% cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức trên 30%. Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị này cũng cho biết đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Sabeco hiện nắm giữ 46% thị phần bia tại thị trường Việt Nam, còn Habeco nắm giữ 17,3%.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến