Công tác giảm nghèo, thoát nghèo bền vững đối với vùng dân tộc thiểu số miền núi tại Thanh Hoá vẫn luôn là bài toán khó. Tại huyện Quan Sơn (Thanh Hoá), những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh nhờ tìm được giống cây chủ lực phù hợp giúp người dân thoát nghèo, đó là cây vầu.
Trước đây, vầu là giống cây mọc tự nhiên trong rừng, không có nhiều giá trị kinh tế. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tìm đến thu mua cây vầu. Theo đó, cây vầu trở nên có giá trị, đồng thời, mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế cho địa phương.
Cây vầu mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng núi
Xã Tam Lư, huyện Quan Sơn là nơi có diện tích trồng vầu lớn, hầu hết các hộ dân đều sống nhờ trồng vầu, luồng.
Ông Vi Văn Piên, bản Hậu, xã Tam Lư đã trồng 4ha vầu có tuổi đời 5 năm. Giống vầu phát triển nhanh, chỉ 3 năm là có thể thu hoạch. Với mỗi ha cho thu nhập từ 45-50tr đồng, thậm chí 70 triệu đồng/ha nếu cây sinh trưởng tốt. Mỗi năm gia đình ông có thể thu về khoảng gần 200 triệu đồng từ rừng vầu.
Ông Piên, nguyên là Chủ tịch UBND xã Tam Lư đánh giá, nhờ cây vầu, nhiều hộ dân thoát nghèo.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 40 triệu/người/năm, xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.
“Nên tận dụng giống cây này để nhân rộng và phát triển, bởi khí hậu và thổ nhưỡng của chúng ta phù hợp với cây vầu, nó dễ trồng và không mất nhiều công chăm sóc, có vòng đời tới 50 năm ”, ông Piên nói.
Cây vầu được mệnh danh là "cây vàng xanh" của núi rừng
Gia đình ông Piên còn ươm giống vầu để cung cấp cho bà con tại địa phương, bán đi cả các huyện khác trong tỉnh. Ông Piên cho hay, hiện nay nhu cầu lấy giống rất lớn, mọi năm ông tiêu thụ khoảng 6 vạn cây giống, năm nay có khả năng tăng lên.
Cũng như gia đình ông Piên, nhiều gia đình khác tại Tam Lư cũng đang làm giàu từ cây vầu.
Với mỗi ngày công vào rừng khai thác, người dân có thể kiếm 400-700 nghìn đồng/người. Không mất nhiều vốn đầu tư, lại tốn ít công chăm sóc, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây vầu được ví như “vàng xanh” của nơi đây. Cây vầu được khai thác quanh năm, trừ tháng 9, 10 bởi đây là thời điểm ra măng, chính quyền cấm khai thác để tận dụng thời gian phục hồi rừng vầu.
Thị trường tiêu thụ vầu chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Từ năm 2020, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu vầu. Do đó, giá bán bị giảm sâu. Chị Ngân Thị Dự, một người thu mua vầu cho biết, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, giá mua vầu ở mức 250 nghìn đồng/tạ. Tuy nhiên, hiện tại, giá mua vầu giảm xuống còn 150 nghìn đồng/tạ.
Ông Piên nhận định cây vầu có hiệu quả hơn nhiều so với các loài cây trồng khác
Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn một nửa số cơ sở, xưởng sản xuất, chế biến lâm sản phải tạm dừng hoạt động. Nhiều xưởng, cơ sở hoạt động cầm chừng do dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi dịch bệnh qua đi, cây vầu vẫn là hướng đi bền vững của người dân nơi này.
Ông Nguyễn Văn Sinh, trưởng phòng nông nghiệp huyện Quan Sơn cho biết, tổng diện tích toàn huyện có khoảng 42 nghìn ha vầu,13 nghìn ha luồng. “Chúng tôi gọi đây là cây vàng xanh bởi hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân, giải quyết việc làm dôi dư và tăng thu nhập, nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích vầu trên địa bàn”, ông Sinh nói.
Đến nay, huyện Quan Sơn có 3.045 ha vầu, luồng được Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững - FSC thuộc hai xã: Tam Lư, Tam Thanh.
Nhờ tận dụng được lợi thế, có hướng đi hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện Quan Sơn đã giảm từ 41,87% (năm 2015) xuống còn 3,24% (năm 2020).
Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ cây vầu mang lại, một số xã miền núi khác cũng đang áp dụng mô hình nhân rộng, phát triển cây vầu. Đơn cử như xã biên giới Yên Khương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).
Ông Lò Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Yên Khương, cho biết việc xác định, phát triển cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương là một hướng đi đúng, trúng. Năm 2018, nhận thấy tính khả thi về kinh tế từ cây vầu, xã Yên Khương đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng các mô hình trồng rừng thâm canh cây vầu. Từ nguồn vốn Chương trình 30a xã triển khai trồng thử nghiệm hơn 20 ha, nguồn vốn Chương trình 135 trồng 24 ha, được phân bổ cho 24 hộ nghèo, cận nghèo tham gia.
"Đây là loại cây trồng phát triển nhanh, có tỷ lệ sống trên 90% lại không tốn công chăm sóc, ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng và có thể thu hoạch quanh năm, lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần so với các loại cây trồng khác. Trung bình, một lao động có thể khai thác được từ 100 - 150kg vầu, cho thu nhập khoảng trên 600.000 đồng/ngày. Điều đáng mừng là trong 24 hộ tham gia trồng thử nghiệm đến nay đều đã thoát nghèo", ông Quyền nói.
Đến nay, địa phương này có hơn 300 ha vầu trồng, 150 ha là diện tích vầu tự nhiên. Trong những năm tới, xã dự định tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình lên khoảng 1.000 ha.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy