Thông tư 07/2015/TT-NHNN và 9 điểm “cởi trói” bảo lãnh
29/06/2015 15:04:32
ANTT.VN – Nội dung Thông tư số 07/2015/TT – NHNN vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành đã bỏ quy định phải có chấp thuận của NHNN khi chuyển nhượng bảo lãnh.

Tin liên quan

Ngày 25/06/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký ban hành Thông tư số 07/2015/TT – NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư mới sẽ thay thế Thông tư số 28/2012/TT – NHNN ngày 03/10/2012 của Thống đốc NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng nhằm tạo khung pháp lý mới vừa đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế vừa tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành có liên quan, khắc phục tối đa những vấn đề còn bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời vẫn đảm bảo hiệu quả, an toàn, thông suốt hoạt động bảo lãnh ngân hàng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nội dung Thông tư 07/2015/TT-NHNN gồm 3 Chương, 37 Điều, trong đó bao gồm nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung so với Thông tư 28, nổi bật như:

Về giải thích từ ngữ: Văn bản mới đã bổ sung các khái niệm như “Bên bảo lãnh đối ứng”, “Bên xác nhận bảo lãnh” để quy định cụ thể đối tượng Bên bảo lãnh đối ứng, Bên xác nhận bảo lãnh bao gồm cả TCTD ở nước ngoài (là người không cư trú); Bổ sung khái niệm “khách hàng” để xác định rõ khách hàng là bên nào trong quan hệ bảo lãnh, từ đó làm cơ sở cho việc tính số dư phát hành bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh và cơ sở cho việc xem xét điều kiện đối với khách hàng được cấp bảo lãnh; Bỏ các khoản quy định khái niệm các loại bảo kaxnbh vì đã có định nghĩa về bảo lãnh ngân hàng nên không cần thiết quy định khái niệm các loại bảo lãnh.

Về xác định số dư bảo lãnh đối với khách hàng: Bỏ quy định tính số dư các cam kết phát hành theo hình thức tín dụng chứng từ vào số dư bảo lãnh; Bỏ quy định các trường hợp được loại trừ khỏi giới hạn cấp tín dụng vì nội dung này đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN.

Về sử dụng ngôn ngữ: Bỏ quy định các văn bản liên quan đến giao dịch bảo lãnh bắt buộc phải lập bằng tiếng Việt, cho phép trong trường hợp bảo lãnh có yếu tố nước ngoài các văn bản được lập bằng tiến nước ngoài.

Về việc cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế của chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Điều 11 Thông tư đã sửa đổi theo hướng không cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được bảo lãnh bằng ngoại tệ cho khách hàng hoạt động kinh doanh tại nước ngoài, trừ trường hợp khách hàng là bên bảo lãnh và bên bảo lãnh đối ứng là TCTD ở nước ngoài nhưng bên được bảo lãnh hoạt động kinh donha tại Việt Nam.

Về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai: Thông tư bổ sung quy định khi thực hiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản, ngân hàng thương mại phải tuân thủ các quy định sau: (i) Nhà ở hình thành trong tương lai có đủ điều kiện được bán, cho thuê theo quy định tại Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản; (ii) NHTM đánh giá chủ đầu tư cso khả năng thực hiện đúng tiến độ dự án và sử dụng số tiền ứng trước, các khoản tiền khác của bên mua, bên thuê mua đã trả cho chủ đầu tư thực hiện đúng mục đích; (iii) Cam kết bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải có hiệu lực đến thời điểm ít nhất 30 ngày kể từ ngày bàn giao nhà cho bên mua, bên thuê mua nhà ở theo thỏa thuận của chủ đầu tư với bên mua, bên thuê mua nhà ở.

Về thẩm quyền kí bảo lãnh: Thông tư đã bỏ quy định về việc phải có đủ 03 chữ ký trên các văn bản thỏa thuận cấp bảo lãnh và cam kết bảo lãnh mà chỉ quy định thảo thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, Thông tư đã bổ sung quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khải đưa nội dung về cách thức để kiểm tra tính xác thực của cam kết bảo lãnh tại cam kết bảo lãnh.

Về thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh: Liên quan đến việc hạch toán và thu nợ cho vay bắt buộc cho khách hàng khi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện nghĩa vụ trả thay, Thông tư quy định trường hợp trả thay bằng ngoại tệ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạch toán và thực hiện thu nợ cho vay bắt buộc bằng loại ngoại tệ đã trả thay.

Về quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh: Thông tư đã bổ sung quy định bên nhận bảo lãnh có quyền chuyển nhượng quyền thụ hưởng cam kết bảo lãnh để phù hợp với thực tiễn cũng như tương ứng với quyền này của bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng và bên xác nhận bảo lãnh.

Cuối cùng, văn bản mới cũng đã bỏ quy định phải có chấp thuận của NHNN khi chuyển nhượng bảo lãnh.

Thông tư số 07/2015/TT – NHNN chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/08/2015.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến