Thứ Bảy, 27/6 sẽ là “nỗ lực cuối cùng” dành cho Hy Lạp
26/06/2015 11:51:26
ANTT.VN - Một lần nữa thất bại trong việc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận với các chủ nợ hôm thứ năm 25/6, cuộc hẹn ngày mai 27/6 được xem như “nỗ lực cuối cùng” dành cho Hy Lạp.

Tin liên quan

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Thủ tướng Đức Angela Merkel tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ ngày 25/6/2015

Hy Lạp đã một lần nữa thất bại trong việc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận với các chủ nợ hôm thứ năm 25/6. Thứ bảy 27/6 sẽ là “nỗ lực cuối cùng” hoặc cho một thỏa thuận, hoặc bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch bảo vệ khu vực đồng euro trước khủng hoảng thị trường tài chính khi Hy Lạp sụp đổ.

Các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro hôm 25/6 đã kết thúc phiên họp thứ ba trong tuần mà vẫn không có thoả thuận nào được đưa ra. Đề xuất cuối cùng về “cải cách đổi tiền” với chính phủ cánh tả của Athens lại một lần nữa thất bại.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đứng đầu quốc gia chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp cho biết cuộc họp tiếp theo của các bộ trưởng Eurogroup vào ngày mai 27/6 sẽ mang “tầm quan trọng quyết định” với số phận của Hy Lạp.

Bà từ chối suy đoán về những gì sẽ xảy ra nếu không có thỏa thuận nào đạt được nhưng cũng cho biết các nhà lãnh đạo chính phủ không thể can thiệp vào các cuộc đàm phán đang vô cùng phức tạp này, và sẽ không có “khoản” mới nào ngoài những gì còn lại trong gói cứu trợ đang bị đóng băng của Athens.

Nếu cơ hội cuối cùng để mở khóa gói cứu trợ không đạt được vào thứ Bảy, Hy Lạp – quốc gia đã nhận hai gói cứu trợ tổng trị giá 240 tỷ euro từ năm 2010 sẽ phải đối mặt với hạn trả nợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vào ngay thứ Ba tới. Điều này có thể gây ra sự xáo trộn về tài chính và kiểm soát vốn.

"Cánh cửa dành cho Hy Lạp vẫn luôn mở với những đề xuất mới hoặc chấp nhận những gì đã có trên bàn”,  Chủ tịch Eurogroup - ông Jeroen Dijsselbloem phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của khối đã dành hai giờ cho cuộc thảo luận đột xuất về cuộc khủng hoảng, kêu gọi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hãy chấp nhận những đề nghị trên bàn.

Về phía Hy Lạp, ông Tsipras đã nỗ lực thúc giục các nhà lãnh đạo “đồng chí” của mình hãy có trách nhiệm và đừng để số phận của quốc gia này vào tay IMF. Tuy nhiên, họ đã từ chối và nói rằng, các cuộc đàm phán phải do các bộ trưởng tài chính.

"Các bên sẽ cùng xem xét một lần nữa về hai tài liệu – một của chúng tôi và một của họ. Sẽ có các cuộc thảo luận với chính phủ Hy Lạp và chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi tìm thấy một giải pháp”, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói với các phóng viên.

Một nguồn tin cho biết, bà Merkel trước đó đã nói với các nhà lãnh đạo đảng trung hữu rằng, nhất định phải có một thỏa thuận trước khi thị trường mở cửa vào ngày thứ hai.

Các nhà lãnh đạo khối này đều lo ngại về một “quá khứ lặp lại” như đã từng trong cuộc khủng hoảng những năm 2011-2012. Nhiều quan chức cũng như các nhà phân tích cho rằng sự ra đi của Hy Lạp có thể ảnh hưởng đến khu vực sâu sắc hơn tưởng tượng.  

Tối hậu thư

Sau năm tháng diễn ra các cuộc đàm phán gay gắt, người đứng đầu Ủy ban châu Âu, ECB và IMF đã đưa ra tối hậu thư đối với ông Tsipras nhằm đưa ra một kế hoạch cải cách đáng tin cậy.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp đã có cuộc gặp song song với bộ ba Jean-Claude Juncker, Mario Draghi và Christine Lagarde về một yêu cầu giảm nợ cho Hy Lạp.

Các chủ nợ này đã từ chối sẽ không thảo luận yêu cầu này cho đến khi Hy Lạp thông qua và thực hiện các cải cách kinh tế như đã hứa.  

Các nhà ngoại giao cho biết động thái của phía chủ nợ đã thể hiện sự không hài lòng về việc từ chối các cải cách lương hưu, thị trường lao động, tiền lương và thuế của Hy Lạp.

Tại Brussels, không khí đã chuyển từ hy vọng sang  “chẳng lành” chỉ trong một tuần. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao dày dạn nhận định rằng, không khí thường ảm đạm trước khi một thỏa thuận cuối cùng được thực hiện.

Thủ tướng Ý Matteo Renzi cũng cho biết, ông tin rằng sẽ có một thỏa thuận đạt được vào cuối tuần này.

Cuộc họp như một “nỗ lực cuối cùng” mang tính quyết định vào ngày mai cho số phận của Hy Lạp sẽ là điều cả thế giới chờ đợi. Một “kế hoạch B” nhằm bảo vệ phần còn lại của Khu vực đồng tiên chung châu Âu liệu đã được chuẩn bị?

Thanh Hương (Theo Reuters)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến