Phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội chiều 8/11, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Bởi theo đại biểu, chỉ khi đầu tàu khỏe mạnh mới đủ sức kéo nền kinh tế vượt qua khó khăn. Tuy nhiên nữ đại biểu cũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ là cần thiết cấp bách song nguồn lực là hữu hạn, do vậy khi ban hành gói hỗ trợ cần rút kinh nghiệm bài học từ gói hỗ trợ năm 2009.
Để các tổ chức tín dụng phát huy tốt khi ban hành chính sách, đại biểu Vân cũng đề xuất Chính phủ nên có tổ công tác giúp Thủ tướng theo dõi, giám sát gói hỗ trợ, đảm bảo hiệu quả và đúng mục đích.
Đề cập đến các chính sách hỗ trợ hiện nay, đại biểu Vân bày tỏ băn khoăn khi nhắc hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Bà Vân cho rằng đây là khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Trước kỳ họp thứ 2, đoàn đại biểu Quốc Bắc Ninh cũng đã tổ chức khảo sát khó khăn với hàng trăm hộ kinh doanh cá thể. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp và siêu nhỏ, nhưng với hộ kinh doanh lại chưa có quy định cụ thể để được hỗ trợ.
Theo đại biểu Vân, tiếp cận tín dụng đối khu vực này còn khó khăn. Vì vậy đại biểu đề nghị Chính phủ cần ban hành chính sách về vốn một cách kịp thời, cụ thể để hỗ trợ nhóm đối tượng này. Ví dụ như có thể gộp với chính sách cho doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc có chính sách riêng.
Đề cập đến việc khó khăn tiếp cận tín dụng đối với các hộ kinh doanh cá thể, đại biểu Vân cũng bày tỏ sự trăn trở trước việc xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm tín dụng đen.
Bà Vân kể lại thông tin phát trên truyền hình vừa qua, một cô gái 21 tuổi có bằng cao đẳng, có cửa hàng làm móng nhưng do cần tiền và không có tài sản đảm bảo nên phải vay tín dụng đen.
Điều đáng lưu ý theo đại biểu, cô gái này phải dùng hình ảnh, clip nhạy cảm của bản thân để vay tiền lãi suất cao. "Khi dịch bệnh kéo dài, không có nguồn thu nhập thì hậu quả vay tín dụng đen là khôn lường", bà Vân nói.
Trong khi đó, thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách - đề cập đến vấn đề về thuế.
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Ảnh: QH).
Bà Mai cho biết, trong báo cáo của Chính phủ nêu giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong chính sách thuế; điều đó có nghĩa là hạn chế tối đa việc miễn giảm thuế. Tuy nhiên bà Mai cho rằng cần hết sức cân nhắc giải pháp này.
Theo bà Mai, tính trung lập của thuế là cần thiết nhưng trong bối cảnh hiện nay khó khả thi, vì kể cả khi Việt Nam khống chế được dịch bệnh thì những hệ quả còn kéo dài những năm tiếp theo.
Đại biểu Mai cho rằng nên theo đuổi chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua việc khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. "Điều đó cần thiết và hợp lý hơn là chính sách tận thu", bà Mai nêu quan điểm.
Bà Mai cũng bày tỏ sự băn khoăn về khoảng cách giàu nghèo hiện nay. Nhóm bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch bệnh là nhóm nghèo nhất. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy tình trạng kiệt quệ về tài chính, khoảng cách giàu nghèo sẽ còn gia tăng nếu không có giải pháp hữu hiệu.
Vị đại biểu đề nghị cần khảo sát thực trạng xã hội để nhìn thấy rõ nhất khó khăn mà người dân đang đối mặt. Các gói an sinh xã hội với mức hỗ trợ vài triệu đồng một người mang ý nghĩa động viên rất lớn. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, không phải căn cơ lâu dài. Chỉ khi có giải pháp hữu hiệu phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động thì chúng ta mới có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cũng đã có những kiến nghị liên quan đến việc hỗ trợ, phục hồi nền kinh tế. Theo đại biểu, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn như hiện nay. Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào giúp doanh nghiệp vực dậy và trở thành động lực cho phát triển kinh tế?
Đại biểu đã đưa ra một số giải pháp. Trong đó, về chính sách về tiền tệ, tài khóa tập trung giải quyết hai vấn đề trọng tâm: Thứ nhất là cần khẩn trương quyết liệt giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp mà ta đã ban hành trong thời gian qua, ví như là nguồn oxy cho doanh nghiệp đang hấp hối trong đại dịch.
"Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng cửa do dịch bệnh như khách sạn, nhà hàng thì việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực này thực sự là không có ý nghĩa", đại biểu So nói.
Thứ hai theo đại biểu, cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, tạo cú hích giúp cho các doanh nghiệp tận dụng quãng thời gian còn lại của năm nay để tăng tốc hoàn thành kế hoạch.
Tác giả: Nguyễn Mạnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy