Dòng sự kiện:
Thu thuế bán hàng online: Dục tốc bất đạt (!)
28/02/2017 10:50:22
Trước tình trạng ngày càng nhiều người tham gia bán hàng trên mạng xã hội, trong đó chỉ riêng trên Facebook đã có hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng với doanh thu lớn nhưng không nộp thuế, các nhà quản lý đang đau đầu nghĩ cách thu thuế của bộ phận kinh doanh này. Tuy nhiên, thực tế không hề dễ dàng.

Tin liên quan

Tranh minh họa

Chị Hoa, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, ngày ngày tranh thủ lúc nghỉ trưa hay giải lao trong giờ làm việc để dạo quanh các trang bán hàng qua mạng facebook mang tên melinhxinh, meyeucon… Khi thì chị mua bộ nồi, lúc lại mua quần áo trẻ em. Chọn được món đồ, chị giao dịch qua chat facebook để đặt hàng, người bán hàng nhận giao dịch và cho người ship (vận chuyển hàng) đến tận cơ quan cho chị Hoa và nhận tiền thanh toán. Thấy nhanh gọn, thuận tiện, chị Hoa giới thiệu cho nhiều chị em văn phòng cùng tham gia mua, thay vì phải mất thời gian đến siêu thị hay ra chợ.

Chị T – một shipper của trang bán hàng melinhxinh cho biết: hàng ngày chị được thuê vận chuyển hàng cho trang này với giá 10.000 đồng/ một địa chỉ. Khi tôi hỏi sao rẻ thế, chị cho xem tờ list đơn hàng trên tay, gần 40 địa chỉ, như vậy một ngày chị cũng kiếm được gần 400.000 đồng. Và website bán hàng này có vài người vận chuyển chứ không riêng chị T. Mỗi đơn hàng có khi 200.000 – 3000.000 đồng nhưng cũng có khi đến vài triệu. “Đa số từ 150.000 đồng trở lên, vì từ mức này các khách hàng mới được miễn phí vận chuyển” – chị T nói. Căn cứ vào đó có thể thấy doanh thu của các trang bán hàng này lớn như thế nào.

Một trường hợp khác là anh N.Đ.H – một cây bút nổi tiếng có những bài báo sắc sảo và có lượng follow (người theo dõi) lên đến vài triệu người. Hàng ngày anh đăng tải các status (dòng trạng thái) bình luận về một vấn đề thời sự nóng nào đó, trong đó khéo léo lồng ghép một số sản phẩm, hàng hóa nào đó và gây hiệu quả rất mạnh, nhiều người đọc anh H và thay đổi thói quen tiêu dùng. Nghe nói, mỗi status “bán hàng” gián tiếp như vậy, anh H được trả từ 10 đến vài chục triệu đồng.

Hiện nay các trang bán hàng qua mạng này, và những cá nhân như anh H không phải chịu một đồng thuế nào, mặc dù những khoản thu nhập này mang tính chất là tiền công. Theo nhiều chuyên gia, điều này là không công bằng với những người nộp thuế khác.

Nghị định 52/2013 đã quy định người bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Thông tư 47/2014 quy định các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT. Bao gồm: a) Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; b) Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; c) Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

Như vậy, FB, Zalo, Youtube hiện nay đều có đầy đủ các tính chất trên, đủ để xếp vào hình thức sàn giao dịch TMĐT.

Tuy nhiên, chỉ những mạng xã hội được đăng ký thành lập, hoạt động ở Việt Nam thì mới là đối tượng quản lý của Nghị định 52/2013 và Thông tư 47/2014 về TMĐT. Hình thức giao dịch của Facebook tuy như sàn giao dịch TMĐT nhưng không thành lập ở Việt Nam nên chưa quản lý được. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Facebook phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng vẫn chưa thấy Facebook thực hiện việc này, do đó việc thu thuế của cá nhân, hộ kinh doanh trên mạng xã hội này vẫn khó như lên trời.

Ngoài ra, việc giao dịch bán hàng qua mạng xã hội này chủ yếu được thực hiện thông qua phương thức cá nhân, dùng tiền mặt, giao hàng chỉ bằng một tờ giấy viết tay nên rất khó quản lý.                                                                                                                                    

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Cty luật hợp danh Thiên Thanh) cho biết: “Đây là một trong những ví dụ về việc có luật nhưng khó áp dụng vào thực tế, vì vướng phải rào cản về lực lượng, thẩm quyền”.  

“Muốn thu thuế loại hình kinh doanh này, Việt Nam cần nghiên cứu sớm cho ra cơ chế điều chỉnh cho thương mại điện tử xuyên quốc gia, còn trước mắt, nên từng bước tạo cơ chế quản lý cho cán bộ thuế và quản lý thị trường, xây dựng từng bước, khi nào có hành lang pháp lý đầy đủ mới áp dụng”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: “Những mạng xã hội như FB và tương tự không phải là sàn giao dịch TMĐT nhưng vẫn là một dạng website trung gian thực hiện TMĐT, do đó thu thuế là cần thiết. Song, theo ý kiến cá nhân của tôi thì hiện nay chúng ta chưa nên tiến hành thu thuế ngay, thứ nhất vì rất khó thu, do chưa quản lý được nguồn gốc hàng hóa lẫn người bán, người mua, hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam trong lĩnh vực này vẫn còn chưa đáp ứng để tiến hành quản lý thu thuế. Tốt nhất đợi thêm thời gian cho lĩnh vực này phát triển thêm đã, cái này ngay cả trên thế giới vẫn còn lúng túng chứ không riêng gì Việt Nam”.

Vinh Phan

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến