Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Năm 2015 - nhà ở, bất động sản sẽ nhiều khởi sắc
15/02/2015 22:21:29
ANTT.VN – Thứ trưởng Bộ Xây dựng – ông Nguyễn Trần Nam dự báo, nền kinh tế 2015 tiếp tục phục hồi, nhiều chính sách đi vào cuộc sống như Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới quan trọng liên quan đến thị trường BĐS nói chung và nhà ở nói riêng.
Nhân dịp đón xuân mới Ất Mùi, PV ANTT.VN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng – ông Nguyễn Trần Nam về thị trường nhà ở và thị trường bất động sản VN.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

Luật Nhà ở sửa đổi trong năm 2015 sẽ được thực thi, vậy xin hỏi Thứ trưởng Luật Nhà ở có tạo một làn sóng mới về xây dựng nhà ở cũng như mang lại sắc thái mới cho thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam?

Luật Nhà ở cũng như Luật kinh doanh BĐS đã được Quốc hội thông qua khi đi vào thực thi được đánh giá sẽ tác động lớn đến phát triển nhà ở cũng như thị trường BĐS. 

Theo đó, Luật Nhà ở sửa đổi  đã điều chỉnh, bổ sung các quy định để phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng nhóm đối tượng người dân trong xã hội, đặc biệt là chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp. Đây chính là cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Trong đó, vừa phát triển thị trường tạo động lực, vừa phải thực hiện mục tiêu vì con người, phải phân phối điều tiết lại để những người khó khăn có cuộc sống chất lượng tốt hơn, để thể hiện sự ưu việt của chế độ nhưng đồng thời đây cũng là bước để cụ thể hóa Hiến pháp là quyền có chỗ ở của con người và Nhà nước phải có chính sách để cải thiện nhà ở cho người dân.

Luật Nhà ở đã dành một chương riêng để quy định về chính sách nhà ở xã hội nhằm đẩy mạnh cũng như xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Luật cũng mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà ở… nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển.

Mở rộng các quy định về sở hữu và sử dụng, cho phép các chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua BĐS đã có sẵn như quy định hiện hành.

Quy định chặt chẽ hơn về điều kiện của cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này… Trong năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các Nghị định, Thông tư hướng dẫn luật để bảo đảm sự đồng bộ.

Với những văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi đồng bộ như đã nêu, có tác động tích cực, vừa tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường bất động sản, vừa góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.

Với những diễn biến của thị trường năm 2014, xin Thứ trưởng cho nhận định về xu hướng của thị trường bất động sản năm 2015?

Năm 2015, dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục có sự phục hồi, cùng với việc nhiều chính sách mới đi vào cuốc sống như Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều nội dung đổi mới quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng.Trong đó có những chính sách, những quy định cụ thể liên quan đến việc đầu tư phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, cũng như việc mở rộng phạm vi kinh doanh, mở rộng đối tượng được mua và sở hữu nhà ở, công trình xây dựng tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt nam định cư ở nước ngoài sẽ tiếp tục tác động tích cực đến thị trường bất động sản, vì vậy có thể dự báo tình hình thị trường bất động sản năm 2015 tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.

Thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm đối với những dự án có tiến độ thi công tốt, hạ tầng tương đối và không quá xa trung tâm, đi lại thuận tiện sẽ tiếp tục tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, tốc độ giải quyết hàng tồn kho sẽ chậm hơn trước vì tồn kho hiện nay chủ yếu là các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa có, các căn hộ diện tích lớn.

Xu hướng mua bán sáp nhập các dự án tiếp tục tăng: Các doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tiếp tục quá trình mua bán, điều chỉnh dự án cho phù hợp, nhiều dự án gặp khó khăn về vốn đầu tư sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại, thay vì đi xin cấp dự án mới.

Nhiều dự án trước kia tạm dừng sẽ được khởi động trở lại để giao nhà cho khách hàng đã mua. Nhũng dự án đủ điều kiện, có vị trí tốt sẽ được khởi công, góp phần tăng nguồn cung những căn hộ phù hợp nhu cầu của thị trường.Tín dụng bất động sản tiếp tục tăng trưởng, bất động sản vẫn sẽ là kênh hấp dẫn FDI.

Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Niềm tin vào thị trường ngày càng được khôi phục...

Thưa Thứ trưởng, người dân và doanh nghiệp vẫn than phiền về những vướng mắc khi tiếp cận gói tin dụng 30.000 tỷ đồng, vậy xin Thứ trưởng cho biết nguyên nhân do đâu? Bộ Xây dựng có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trong năm 2015?

Đúng là tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ động thực hiện chưa được như mong muốn của doanh nghiệp và người dân, nhất là trong những tháng đầu triển khai (6 tháng cuối năm 2013). Tiến độ giải ngân gói tín dụng này chậm do một số nguyên nhân chủ yếu sau, Thứ nhất: chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, mới làm lần đầu, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu. Thứ hai: mặc dù các địa phương đã bước đầu chú ý thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ song hiện vẫn có rất ít nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2 để bán cho người dân, nên người dân chưa thể vay vốn; Thứ ba: đây là gói tín dụng có vay, có trả, nên mặc dù lãi suất vay có thấp hơn lãi suất thương mại, nhưng người dân cũng phải cân nhắc, tính toán khả năng trả nợ mới ký hợp đồng vay vốn; Thứ tư: phía ngân hàng khi cho vay cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng là hộ gia đình cá nhân.

Để đẩy nhanh tiến độ cho vay hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng đã kịp thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (đơn vị được giao chủ trì thực hiện gói tín dụng này) giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, nhất là khâu xác nhận đối tượng và điều kiện được vay, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, thời gian hỗ trợ được kéo dài từ 10 năm lên thành 15 năm, bổ sung một số đối tượng được vay vốn khi mua nhà ở, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở của mình, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở xã hội, không quy định cụ thể về diện tích và giá bán nhà ở thương mại mà chỉ quy định về giá trị hợp đồng dưới 1,05 tỷ đồng là thuộc đối tượng được vay, bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần được tham gia cho vay… Chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát các dự án bất động sản đang triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, những dự án cần phải điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội và điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại.

Vì vậy, mấy tháng gần đây tốc độ giải ngân gói tín dụng này ngày càng được cải thiện. Theo báo cáo của 5 ngân hàng được giao thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở, tại thời điểm 31/12/2014, tổng số tiền đã ký hợp đồng tín dụng là 9.471,1 tỷ đồng (tăng 15 lần so với cùng kỳ năm 2013), tổng dư nợ là 5.125 tỷ đồng (tăng 12 lần so với cùng kỳ năm 2013).

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định thêm 8 ngân hàng cổ phần thương mại được tham gia giải ngân gói 30 ngàn tỷ. Với đà giải ngân sẵn có và số lượng ngân hàng tham gia giải ngân tăng từ 5 lên 13, chắc chắn tiến độ giải ngân sẽ tăng nhanh trong năm 2015, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, đồng thời góp phần củng cố xu hướng hồi phục của thị trường bất động sản.

Thực tế đa số những công nhân lao động trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đều phải đi thuê nhà trọ với điều kiện sống rất tạm bợ và họ khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng có giải pháp gì để đối tượng này được ưu tiên, dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội, thưa Thứ trưởng ?

Sau gần 5 năm triển khai đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 20.277 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng. Đang tiếp tục triển khai 59 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.100 tỷ đồng.

Theo quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến 2010, tổng số công nhân, lao động tại các KCN đạt khoảng khoảng 7,2 triệu. Số công nhân, lao động tại các KCN cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.

Tuy nhiên hiện nay tại các KCN mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo.

Nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động (CNLĐ) thì lớn trong khi nguồn cung thì quá ít khiến các CNLĐ càng khó tiếp cận được nhà ở. Nguyên nhân khiến vấn đề nhà ở cho CNLĐ còn nhiều khó khăn đó là các doanh nghiệp hiện chưa muốn đầu tư phân khúc này vì chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài…. Bắt buộc doanh nghiệp thì không thể nhưng cần có chính sách khuyến khích họ.

Trước yêu cầu việc giải quyết đáp ứng chỗ ở cho CNLĐ tại các KCN hiện nay rất cấp bách và cần thiết . Bộ Xây dựng  coi việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân  là một trong những công việc trọng tâm của ngành trong năm 2015.

Bộ Xây dựng đã và đang tham mưu để Chính phủ có những chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho công nhân: Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, chủ đầu tư các dự án (kể cả các hộ gia đình cá nhân) phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với công nhân, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng…

Ngoài ra, Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã bổ sung quy định công nhân, người lao động tại KCN được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thay vì chỉ được thuê như những các quy định trước.    

Các địa phương cần đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại để đáp ứng nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô nhỏ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở mua, thuê và thuê mua.

Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân mới đây Bộ Xây dựng đã bổ sung đối tượng được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo NQ 02 đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kể cả bên trong và ngoài khu công nghiệp.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thực hiện: Kiều Chinh – Phương Chi
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến