Dòng sự kiện:
Thủ tướng: 'Doanh nghiệp cần có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước'
02/05/2019 17:05:03
Phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng mong muốn doanh nhân cần phải có tinh thần yêu nước, khát vọng dân tộc để khởi nghiệp và cần kinh doanh chân chính, góp phần phòng chống tham nhũng.

Phát biểu trước 2.000 doanh nhân tư nhân tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 chiều ngày 2/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể ra nhiều lĩnh vực quan trọng có sự đóng góp của khối tư nhân như ngành ôtô, chế biến, chế tạo, xuất khẩu lúa gạo, nông nghiệp….

Tuy nhiên, sự lớn mạnh của khối tư nhân vẫn còn thấp so với tiềm năng. Thủ tướng tin rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên toàn cầu.

Thủ tướng phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019

Theo người đứng đầu Chính phủ, diễn đàn lần này có sự góp mặt của 2.000 đại biểu là các doanh nhân tư nhân, là cơ hội để Chính phủ, các Ban Đảng, Quốc hội lắng nghe, tiếp thu các phản biện, góp ý để xây dựng văn kiện cho đại hội Đảng lần thứ XIII.

Mong các doanh nghiệp tư nhân "nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra một loạt câu hỏi gợi mở để các đại biểu thảo luận.

“Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, cạnh tranh toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể mở rộng quy mô vươn lên doanh nghiệp, đóng góp cho mình và xã hội?”, người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi.

Theo Thủ tướng, đây là vấn đề khó nhưng nếu có sự đồng lòng, quyết tâm sẽ thành công. Ông nhấn mạnh khát vọng vươn ra biển lớn là chìa khóa vươn lên, tạo ra nhiều của cải cho xã hội.

So sánh 20-30 năm trước, vốn và máy móc có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thì ở thời điểm này, con người phải đổi mới sáng tạo mới là trụ cột của nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến công nghệ mà ở tất cả mọi lĩnh vực, từ tư duy, suy nghĩ, cách thức vận động và sản xuất kinh doanh”.

Thủ tướng không quên nhắc nhở tinh thần doanh nghiệp tư nhân. Theo Thủ tướng, thứ nhất, mỗi doanh nhân cần phải có chí tiến thủ, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có, phải xông xáo, tìm kiếm nắm bắt được các cơ hội; nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, đổi mới quản trị và tổ chức.

Thứ 2, doanh nhân cần kinh doanh kiêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính. Doanh nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

Thứ ba, tinh thần yêu nước, khát vọng dân tộc và đạo đức kinh doanh. Đối với Việt Nam, ở vào giai đoạn phát triển trung bình, mỗi doanh nhân cần thêm lòng yêu nước, ý thức làm cho dân giàu nước mạnh. Các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng cạnh tranh trên thế giới, góp phần làm cho hình ảnh nước ta sáng chói trên trường quốc tế.

“Các doanh nghiệp cần đề cao triết lý kinh doanh vì doanh nghiệp, vì xã hội, vì tương lai dân tộc. Trong thời đại hội nhập, phải có tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc mới có thể phát triển. Kinh tế tư nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai. Một doanh nhân trẻ có thể xuất phát điểm thấp, nhưng tương lai sẽ trở thành một doanh nhân nổi tiếng, gánh trên vai sứ mệnh của đất nước, xã hội”, Thủ tướng nói.

Có rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp của doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng tin tưởng đó là xung lực lớn làm lên quyết tâm của Chính phủ cũng như doanh nhân, khơi dậy mọi tiềm năng khởi nghiệp của doanh nghiệp tư nhân, trên con đường thực hiện một khát vọng, mục tiêu chiến lược vì Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng vào năm 2045.

“Tôi kêu gọi tiếp tục tạo dựng niềm tin, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Một khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn lạnh, bền vững bên cạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, khu vực hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến