Dòng sự kiện:
Thuế tối thiểu toàn cầu không làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam
22/05/2023 07:32:53
Kinh tế trưởng VinaCapital tin rằng Việt Nam vẫn hưởng lợi nhất về dòng vốn FDI, bất chấp sự nổi lên từ Ấn Độ, Malaysia hay Indonesia và mối lo ngại về thuế tối thiểu toàn cầu.

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Việt Nam hưởng lợi hơn nhiều các quốc gia khác từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung về dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện 2 yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với dòng vốn FDI của Việt Nam. Ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng VinaCapital - cho rằng điều này đang thu hút sự chú ý của các lãnh đạo doanh nghiệp cũng như những nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam.

Việt Nam vẫn hưởng lợi nhất

Thứ nhất, giới phân tích cho rằng Việt Nam có thể đang mất đi sự cạnh tranh về nguồn vốn FDI so với Ấn Độ, Malaysia, và/hoặc Indonesia.

Thứ hai, cơ chế mới về thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu sẽ làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam như là một điểm đến của FDI, bởi giới hạn các ưu đãi thuế dành cho các nhà đầu tư FDI tiềm năng.

Việt Nam vẫn đón dòng vốn FDI tốt nhất, bất chấp sự nổi lên từ Ấn Độ, Malaysia hay Indonesia. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo quan sát của chuyên gia VinaCapital, chuyến thăm Ấn Độ của Tim Cook vào tháng trước đã làm dấy lên một loạt suy đoán về ý định của Apple sẽ xây dựng các nhà máy mới tại Ấn Độ.

Nhưng điều quan trọng là hầu hết sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ sẽ được bán ở thị trường nội địa nước này. Nghĩa là việc đầu tư vào Ấn Độ khác với chiến lược thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng kể từ khi xung đột thương mại Mỹ - Trung nổ ra.

Dòng vốn FDI tại Maylaysia và Indonesia cũng tăng mạnh trong hai năm qua nhưng chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất những sản phẩm mà Việt Nam không sản xuất, bao gồm cả pin ôtô điện (EV).

Việt Nam đã thu hút được nhiều hơn so với tỷ trọng vốn FDI kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2018. Vì vậy một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực về dòng vốn FDI đang bắt đầu nắm bắt các khoản đầu tư, sau khi đã tụt hậu so với Việt Nam trong những năm gần đây.

"Trong những năm tới đây, Việt Nam vẫn có khả năng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ các khoản đầu tư FDI được thúc đẩy bởi chiến lược Trung Quốc + 1", ông Michael Kokalari dự báo.

Tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 13% kể từ căng thẳng thương mại. Việt Nam đã có được khoảng một nửa thị phần xuất khẩu giảm của Trung Quốc, qua đó tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ từ 6% năm 2018 lên 13% vào năm 2022.

Theo chuyên gia VinaCapital, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất kể từ chiến tranh thương mại bởi 3 thế mạnh quan trọng, đã thúc đẩy các khoản đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia và dẫn đến việc xuất khẩu tăng mạnh.

Đó là mức lương tại các nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc trong khi năng suất tương đương nhau. Việt Nam có vị trí địa lý gần kề với chuỗi cung ứng ở châu Á, đặc biệt thuận tiện cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

Cuối cùng là Việt Nam được hưởng lợi từ hiện tượng “Friendshoring”, trong đó các công ty đa quốc gia có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các quốc gia có ít có rủi ro trong việc chịu mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Thuế tối thiểu toàn cầu

Các công ty FDI đầu tư vào Việt Nam thường được hưởng thuế suất ưu đãi, có thể bao gồm mức 0% trong những năm đầu hoạt động, sau đó tăng dần lên mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% trong một khoảng thời gian có thể lên đến 10 năm.

Năm 2021, hơn 100 quốc gia (bao gồm cả Việt Nam) đã đồng ý với đề xuất của OECD về việc áp dụng thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu (GMT) 15% từ năm 2023 đối với những doanh nghiệp có thu nhập hợp nhất trên 850 triệu USD. Việc thực hiện thỏa thuận này sau đó đã bị trì hoãn đến năm 2024.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Hiện Việt Nam đang chuẩn bị triển khai cơ chế thuế tối thiểu vào năm tới và VinaCapital dự báo khoảng 70 công ty ở Việt Nam có thể bị tăng thuế suất nếu cơ chế thuế mới được áp dụng.

Thực tế, thuế suất thấp không phải là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định về địa điểm đầu tư cho nhà máy mới. Những yếu tố khác như ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng hơn.

"Thuế suất tối thiểu toàn cầu khó có khả năng cản trở dòng vốn FDI của Việt Nam", ông Michael Kokalari nhấn mạnh.

Bởi thực tế các ưu đãi về thuế không phải là điểm thu hút chính để thành lập nhà máy ở Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam và các chính phủ khác trong khu vực sẽ tìm ra giải pháp thay thế để cơ bản cân bằng các nghĩa vụ về thuế.

Với các lý do trên, VinaCapital tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu của vốn FDI, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách sản xuất để xuất khẩu và tìm kiếm một cơ sở sản xuất thay thế và/hoặc bổ sung cho Trung Quốc trong tương lai gần.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Tư vấn thuế Savitax ôn thi đại lý thuế ở đâu tốt
Đang phổ biến