Dòng sự kiện:
Thương lái đổ xô lên núi ‘săn’ đào đá
28/01/2022 08:00:27
Dịp gần tết Nguyên Đán hàng năm, có hàng trăm thương lái ở khắp mọi miền đổ xô lên các huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An ‘săn’ đào đá.

Được xem là "chợ đào" lớn nhất tỉnh Nghệ An, hàng năm, vào dịp gần tết có hàng trăm thương lái đổ xô lên huyện miền núi Kỳ Sơn để "săn" đào đá. Đây là dịp để người dân miền núi Nghệ An nói chung và huyện Kỳ Sơn nói riêng có thu nhập nhờ cây trồng đặc trưng ở địa bàn mình. 

Đào đá được người Mông, Thái, Khơ Mú... trồng ở những địa hình cao, không khí lạnh. Đào đá hay còn được gọi với cái tên khác như: đào Mông, đào phai... Giống đào đá được người dân ưa chuộng nhờ những cánh hoa lớn, nở trong thời gian lâu...

Sau khi cắt từ trên các nương rẫy, đào đá được các tay "săn đào" ở miền núi chở xuống các trung tâm xã, huyện dựng bán cho các thương lái ở đồng bằng. Cứ dịp tết về, người dân lại lập lán dã chiến ngày đêm mua mua bán đào ở các trung tâm huyện lỵ. 

Sau khi chuyển xuống trung tâm huyện, có nhiều người đứng ra thu mua và bán lại cho các thương lái ở miền xuôi. Nhiều thương lái kiếm hàng trăm triệu đồng nhờ bán đào đá trong dịp tết. Anh Nguyễn Hồng Quang, một trong những thương lái có kinh nghiệm lâu năm cho biết, có nhiều kiểu để đưa đào đá về miền xuôi bán, có thể mua cả lô trên nương rẫy, cũng có thể lên trung tâm huyện miền núi để tuyển chọn rồi chở về đồng bằng. Việc mua đào tuyển sẽ mất nhiều thời gian nhưng tính an toàn cao hơn. 

Giống đào đá có màu sắc đặc trưng nên vẫn là "hàng hiếm" cho người chơi đào ở thành phố. Có những cành đào được ngả giá hàng chục triệu đồng. 

Với kinh nghiệm của người "săn" đào đá, sau khi cắt từ gốc ra, cành đào được cắm vào các bình chứa nước để giữ cho đào tươi hơn và căn cho cành đào nở đúng dịp tết. 

Đào đá hay còn được gọi là đào mốc, vì những cành đào được trồng ở những khu vực núi cao, không được sực chăm sóc nên cành đào thương có nhiều rêu mốc độc lạ. 

Do dịch bệnh Covid 19, nhu cầu chơi đào của người dân cũng giảm xuống khiến cho việc mua bán đào cũng trở nên trầm lặng hơn các năm trước. 

Những cành đào đá được các tay "săn" đào tuyển rất kỹ lưỡng. 

Có nhiều cách để các tay "săn" đào đưa về xuôi. Ngoài ra, nhiều người dân cũng tranh thu lên miền núi mua nhiều đặc sản để mang về nhà dùng hoặc đưa bán. 

Những cành đào đá được chất đầy lên các xe tải lớn rồi xuôi về đồng bằng. Việc chưng đào đá trong dịp tết đã trở thành xu hướng chơi tết trong nhiều thập kỷ qua./. 

Hồ Phương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến