Thủy sản Hùng Vương: Khi cá tra giãy chết?
31/05/2016 09:31:29
ANTT.VN – Nông dân bỏ đầm trống không vì giá cá tra thấp, nguồn vốn đầu tư các dự án mới chủ yếu huy động từ vay vốn ngân hàng khiến lãi vay tăng đột biến chính là “thủ phạm” gây ra kết quả kinh doanh xám xịt của “ông vua cá tra” Hùng Vương và những thành viên trong chuỗi cung ứng của mình.

Tin liên quan

Cá tra thất sủng

Với vốn điều lệ ban đầu chỉ 32 tỉ đồng, đến cuối năm 2015, Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã HVG) đã nâng số vốn điều lệ của mình lên đến 1.892 tỷ đồng sau 13 năm.

Mục đích của công cuộc tăng vốn thần tốc trên chính là xây dựng chuỗi cung ứng  khép kín, từ nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản bằng hàng loạt thương vụ M&A đình đám. Trong năm qua, Hùng Vương đã tiến hành mua thêm cổ phiếu VTF, FMC, TFC để tăng tỷ lệ kiểm soát lên lần lượt là 90,36% - 54,28% - 62%, thành lập thêm 2 công ty con mới là Công ty Cổ phần Hùng Vương Sông Đốc (chiếm 51% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre (chiếm 90% vốn).

Tính đến 31/12/2015, Tập đoàn Hùng Vương đã thiết lập được mô hình chuỗi cung ứng gồm 22 công ty con và liên kết lớn nhỏ khác nhau, ngoài việc công ty mẹ Hùng Vương đầu tư trực tiếp vào các “chân rết” của mình thì các thành viên còn lại cũng sở hữu cổ phiếu tại các công ty anh em, tạo nên một mạng nhện sở hữu chéo trong toàn tập đoàn.

CTCP Thủy sản Hùng Vương có 22 công ty con, công ty liên kết đầu tư, rót vốn lẫn nhau

Chiến lược M&A cả chiều ngang và chiều dọc của Hùng Vương được chủ tịch Dương Ngọc Minh không ít lần tự hào chia sẻ với báo giới, tuy nhiên hệ lụy của hiện tượng domino ngành thủy sản đến gần đây mới lộ rõ, nhất là trong tình trạng hàng loạt đại gia thủy sản báo lỗ nghìn tỷ, thậm chí đi đến bờ vực phá sản.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng sản lượng thủy sản tháng 5/2016 đạt 614,2 nghìn tấn, trong đó, sản lượng cá đạt 460,8 nghìn tấn giảm 0,4%. Sản lượng tôm đạt 67,1 nghìn tấn, giảm 1,5%.

Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, các ao, đầm bị xâm nhập mặn nặng ở Đồng bằng sông Cửu Long…

Sau thời kỳ hoàng kim cách đây gần chục năm với phong trào nuôi cá tra nở rộ, hàng nghìn hộ dân thi nhau đào ao thả cá da trơn với ước vọng phất lên như diều gặp gió, Nuôi cá tra tiếp tục đối mặt với tình trạng sức mua chững lại, giá giảm, người nuôi không có lãi nên vẫn bỏ trống ao, đầm. Sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng ước tính đạt 91 nghìn tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một thị trường hoạt động chính của Hùng Vương có sản lượng giảm mạnh: An Giang giảm 20,9%; Bến Tre giảm 46,8%; Cần Thơ giảm 4%.

Chủ tịch Dương Ngọc Minh từng chia sẻ: “Trong vòng 18 năm qua chưa khi nào ngành cá tra gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu như hiện nay. Những năm trước cũng có những lúc thiếu nguồn nguyên liệu nhưng chủ yếu là cục bộ một vài thời điểm, sau đó vượt qua. Riêng năm 2016, ngay từ đầu năm đã thiếu cá trong dân, đặc biệt đến tháng 10 tới là nghiêm trọng”.

Tháng 2/2016, giá nguyên liệu cá tra xuống thấp nhất trong vòng 5 năm khiến nhiều nông dân bỏ đầm vì thua lỗ

Lợi nhuận lao dốc

Theo báo cáo tài chính công bố gần đây nhất, kéo dài dây suy của cả doanh thu lẫn lợi nhuận từ năm 2015, CTCP Thủy sản Hùng Vương – “ông vua cá tra” của ngành thủy sản Việt tiếp tục báo cáo những con số khiến nhà đầu tư thất vọng.

Cụ thể, mặc dù doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 5.412 tỷ đồng – tăng 73% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên, các chi phí trong kỳ cũng tăng theo quy mô doanh thu đã “bào mòn” lợi nhuận của ông vua cá tra này.

Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 20%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 58% so với cùng kỳ, và đặc biệt, chi phí tài chính bị phình to gấp 3 lần lên mức 172 tỷ đồng trong vòng 3 tháng.

Đại diện của HVG – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Dương Ngọc Minh cho biết, trong năm 2016 do Hùng Vương đẩy mạnh đầu tư các dự án nhà máy mới, mà vốn huy động chủ yếu từ vay ngân hàng đã khiến chi phí lãi vay tăng mạnh. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận công ty trong quý 2/2016 chỉ còn 12,3 tỷ đồng – giảm 75% so với quý 2/2015.

Không chỉ lãi vay tăng, với đặc thù của ngành kinh doanh xuất khẩu thủy sản thì Hùng Vương cũng không tránh khỏi là “nạn nhân” của đồng bạc xanh khi lỗ tỷ giá lên tới hơn 45 tỷ đồng.

Danh sách chủ nợ hơn 8.000 tỷ đồng của Tập đoàn Hùng Vương tính đến 31/03/2016

Trong “gia tộc” của “vua cá tra” thì có 2 công ty là công ty mẹ CTCP Thủy sản Hùng Vương và CTCP Thủy sản An Giang có nhiệm vụ chính là nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu cá tra thì cả hai “anh em” đều vấp phải khó khăn do những nguyên nhân trên. Thậm chí, thủy sản An Giang tiếp tục báo lỗ 7,5 tỷ đồng sau kiểm toán (lỗ gấp 5 lần so với con số trước kiểm toán), mã cổ phiếu AGF cũng đã “vinh dự” được Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh liệt vào danh sách chứng khoán vị cảnh báo do lỗ liên tiếp.

Đối với CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (mã VTF) – đơn vị mà Hùng Vương ráo riết gom cổ phiếu trong 2 năm qua với tham vọng hoàn thành chuỗi cung ứng khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, chi phí lãi vay cũng tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, gần 42 triệu cổ phiếu VTF (tương ứng vốn điều lệ 418 tỷ đồng) đã xin tự hủy niêm yết từ cuối năm 2015 với lý do “tập trung cho việc tái cấu trúc công ty, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”.

Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông được tổ chức đầu năm 2016, Hùng Vương sẽ không trả cổ tức bằng tiền mặt do thiết hụt nguồn tiền đầu tư các dự án, bên cạnh đó sẽ tiếp tục tăng vốn bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.

Để giải quyết hậu quả giá trị lợi nhuận chưa phân phố bị âm do kết quả kinh doanh xám xịt thời gian qua, “ông vua cá tra” quyết định chuyển sổ số tiền 140 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển sang chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối để báo cáo tài chính đẹp hơn. Tập đoàn này cũng không trích lập thêm 1 đồng nào cho quỹ đầu tư phát triển và cả quỹ khen thưởng phúc lợi từ lợi nhuận công ty mẹ năm 2015.

Những bài học nhãn tiền từ hàng loạt công ty thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long thông báo phá sản, hay những lời trần tình của những ông chủ tôm cá tại chuỗi hội thảo về triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2016 mới tổ chức gần đây, và đỉnh điểm là chiều qua (ngày 30/05) Bộ trưởng Bộ NN&NT Cao Đức Phát đã đưa ra cảnh báo về thông tin một số thị trường xuất khẩu quan trọng đã tạm dừng nhập thuỷ sản Việt Nam do nhiều nguyên nhân…là hàng loạt trở ngại lớn mà Tập đoàn Hùng Vương phải vượt qua trong thời gian tới.

Hoa Liên

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến