Thủy sản Hùng Vương – Việt Thắng: Cá lớn nuốt cá bé
05/02/2015 07:44:49
ANTT.VN - Trong vòng 2 năm, bắt đầu từ tháng 7/2012, Công ty CP thủy sản Hùng Vương (HOSE: HVG) đã nhanh chóng thực hiện mua lại hơn 80% cổ phần Công ty Thức Ăn Chăn Nuôi Việt Thắng (VTF), hoàn thành mục tiêu tạo chuỗi cung ứng khép kín của HVG.

Tin liên quan

 

Thâu tóm nhanh gọn

Hiện tại, Việt Thắng chiếm 14% thị phần ở phân khúc thức ăn cá tra trong số hơn 40 công ty sản xuất thức ăn cho cá da trơn. Công ty này cũng là đơn vị có sản lượng thức ăn cá tra và basa cao nhất Việt Nam.

Chiến dịch bắt đầu từ tháng 7/2012, HVG mua 3 triệu cổ phần phát hành thêm của Việt Thắng với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 14,27%. Đến tháng 10/2012, Hùng Vương đã hoàn tất chào mua công khai 3 triệu cổ phiếu VTF. Kết thúc việc chào mua, HVG sở hữu 6 triệu cổ phần của VTF, tương ứng tỷ lệ 28,54%.

Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn tại Việt Thắng (HOSE: VTF)

Sang năm 2013, việc thâu tóm được tiến hành nhanh chóng tăng tỷ lệ sở hữu của Thủy sản Hùng Vương lên gấp 2 lần. Tháng 1/2013, Công ty đã mua lại 5,63 triệu cổ phiếu VTF từ công ty liên kết là CTCP Nuôi trồng Thủy sản Hùng Vương Miền Tây, sở hữu 11.630.000 cổ phiếu VTF, tăng tỷ lệ sở hữu từ 28,54% lên 55,31%. Khi VTF chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu từ tháng 5/2013 và trả cổ tức bằng cổ phiếu vào tháng 7/2013, Việt Thắng chính thức thành công ty con của HVG với tỷ lệ sở hữu là 55,63%.

Từ tháng 5/2014, Hùng Vương liên tục chào mua công khai hàng triệu cổ phiếu VTF trên thị trường. Tính đến thời điểm cuối năm, theo báo cáo quản trị năm 2014 của VTF, hiện Công ty CP Hùng Vương đang sở hữu 33,76 triệu cổ phiếu VTF tương ứng tỷ lệ 80,74% cổ phần. Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT công ty CP Hùng Vương đồng thời là chủ tịch Việt Thắng cũng sở hữu 0,48% cổ phần tại đây.

Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm từ tháng 7/2012, Hùng Vương đã biến công ty sản xuất thức ăn cá tra lớn có thị trường lớn nhất đồng bằng Sông Cửu Long vào chuỗi cung ứng khép kín của mình. Thêm một năm nữa cho HVG gần như “nuốt trọn” Việt Thắng, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh mà Đại hội đồng cổ đông đầu năm 2014 đưa ra.

Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng có gì “ngon”?

Thủy sản Hùng Vương có quy trình khép kín với vùng nuôi tôm và cá để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến, và tự sản xuất thức ăn chăn nuôi cho ngư trường của mình. Công ty cần thu mua nhiều nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, đòi hỏi nguồn vốn lưu động lớn. Việc thiếu hụt nguồn vốn lưu động có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy thức ăn và nguồn thức ăn cho vùng nuôi của Công ty.

Trước đó, Hùng Vương phải mua thức ăn từ các Nhà cung cấp khác với mức chi phí cao hơn, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận kinh doanh. Giá cả nguyên liệu sản xuất thức ăn thị trường có thể biến động tăng, làm tăng giá thành tôm và cá nguyên liệu, hệ quả sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của HVG.

Như vậy, khi Việt Thắng trở thành thành viên của thủy sản Hùng Vương, Doanh nghiệp này sẽ cung ứng thức ăn cá với mức giá rẻ hơn, tạo điều kiện phát triển chủ động, bền vững cho HVG.

Các sản phẩm cá tra của Hùng Vương trên thị trường

Kết thúc năm 2014, công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng báo cáo tình hình tài chính với những con số triển vọng. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Việt Thắng đạt 4.422 tỷ đồng, tăng 10,57% so với năm 2014, trong đó thức ăn cho cá chiếm tỷ trọng 96,2%, phần nhỏ còn lại là thức ăn gia súc.

Nếu như trong năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Việt Thắng đạt 126,29 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 90% kế hoạch cả năm và giảm hơn 13% so thực hiện 2012.

Sang 2014, khi bắt đầu năm trong chuỗi cung ứng của Hùng Vương, VTF trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh tương đương thực hiên 2013, với doanh thu thuần 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 127 tỷ đồng. Các chỉ tiêu được thực hiện vượt kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 2014 đạt 154 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2013.

Hùng Vương tạo ra chuỗi kinh doanh khép kín nhờ các thương vụ M&A

Từ quý I/2014, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Việt Thắng giảm mạnh 10 lần số dư cuối năm 2013, từ 321 tỷ đồng xuống còn 50 tỷ đồng, là khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc 12 tháng  hưởng lãi suất 6% tại ngân hàng.

Trong khi đó, khoản tiền gửi ngân hàng đến tận quý IV/2014 mới tăng từ 40 tỷ đồng lên 166 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần. Chỉ số thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn của VTF luôn đạt mức 2,24,nhưng khả năng thanh toán ngay giảm sâu từ 0,62 xuống 0.33 lần.

Doanh thu năm vừa qua đạt hơn 4.422 tỷ đồng nhưng trên thực tế, phần lớn trong số đó nằm đọng trên tiểu mục phải thu khách hàng của Việt Thắng. Khoản phải thu khách hàng tăng gần 300 tỷ đồng lên 642 tỷ đồng.

Riêng Công ty CP Xuất Nhập Khẩu Thủy sản An Giang (là một công ty con của Hùng Vương) mua của việt Thắng 528,7 tỷ đồng tiền thức ăn cá thì phân nửa số tiền hàng vẫn còn nợ đọng (217,24 tỷ đồng).

Khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi do VTF trích lập tăng gấp 2 lần , tăng từ 3,7 tỷ lên 6,68 tỷ đồng.

Sauk hi Hùng Vương “nuốt trọn” Công ty CP thức ăn chăn nuôi Việt Thắng vào chuỗi cung ứng khép kín của mình, VTF đã thực hiện tương đối tốt vai trò tiết kiệm chi phí thức ăn cá – chi phí lớn nhất của các doanh nghiệp cá tra. Điều này càng góp phần thủy sản Hùng Vương giữ vững vị thế top đầu doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trên thị trường.

Hoa Liên

 

 

                                                                                                                                              

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến