Dòng sự kiện:
Tỉ lệ thất nghiệp thấp: Con dao hai lưỡi của kinh tế Trung Quốc
10/12/2015 08:05:34
ANTT.VN – Tỉ lệ thất nghiệp thấp trong suốt nhiều năm qua có thể lại là mối nguy tiềm tàng đối với tương lai của nền kinh tế Trung Quốc.

Tin liên quan

Tỉ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đang ở mức "thèm muốn" đối với nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới. Ảnh: NYTimes

Tỉ lệ thất nghiệp chính thức ở Trung Quốc luôn được duy trì ở mức 4% trong nhiều năm qua. Ngay cả tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong ¼ thế kỉ (dự báo đạt 6,9% trong năm nay) cũng không mấy ảnh hưởng tới con số ổn định này, khi mà hơn 10 triệu việc làm mới được tạo ra trong 3 quý đầu năm, gần đạt mục tiêu cả năm của Chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên điều mà nền kinh tế Trung Quốc thực sự cần không chỉ là tạo thêm việc làm, mà quan trọng không kém: Nước này cần đẩy tỉ lệ thất nghiệp cao lên!

Trong báo cáo tháng Một về kinh tế Trung Quốc, Ngân hàng HSBC chỉ ra rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần tạo ra 14 triệu việc làm mới ở các đô thị mỗi năm để giữ thị trường lao động ổn định.

Họ dường như chưa xét hoặc chưa lường tới cuộc khủng hoảng hàng hóa cơ bản tồi tệ nhất thế giới hàng chục năm qua vốn đang ăn sâu vào kinh tế Trung Quốc, gây ra một trong những vấn đề nghiêm trọng mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt: Dư thừa năng suất trong một loạt ngành công nghiệp như thép, xi măng, khai khoáng…

Trong bối cảnh như vậy, tỉ lệ thất nghiệp thấp có nghĩa rằng các nhà máy vẫn đang hàng ngày sản xuất hàng trăm nghìn tấn sản phẩm các loại, tiếp tục nhấn chìm thị trường trong khủng hoảng dư cung chưa thấy đáy.

Việc cho phép các SOE sa thải nhân viên ở quy mô lớn luôn là một đề tài nhạy cảm trong xã hội Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Vậy điều Trung Quốc cần làm giờ đây là gì? Chỉ có thể là sa thải hàng loạt, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp quốc doanh (SOE). Vì sao?

Laura Zhai, giám đốc chi nhánh Hồng Kông của Fitch tính toán rằng Trung Quốc sẽ cần giảm tới một nửa sản lượng thép hiện nay để ngành công nghiệp xương sống của nền kinh tế này có thể hồi phục.

Trong khi đó, một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) hồi tháng 7 cho thấy với việc giữ lại quá nhiều nhân công thay vì sa thải họ, hệ thống SOE đang đe dọa sự phát triển nền kinh tế Trung Quốc.

“Chần chừ sa thải bớt lao động đang dẫn tới phân bổ nguồn lực không hiệu quả, ảnh hưởng tới năng suất”, báo cáo viết. “Nói cách khác, cố gắng níu giữ tỉ lệ thất nghiệp hôm nay sẽ kìm hãm tăng trưởng ngày mai”.

Nỗi lo sợ một cuộc sa thải hàng loạt có thể gây ra sự xáo trộn cùng tư tưởng chống đối trong xã hội đang ngăn cản Bắc Kinh cải cách hệ thống SOE đồ sộ của mình. Trong kế hoạch mới nhất của chính phủ nước này nhằm cải thiện SOE được đưa ra hồi tháng 9, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước “phải tiếp tục tồn tại để tránh bất ổn xã hội, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân lao động”.

Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều ngành công nghiệp nặng – vốn nằm trong tay các doanh nghiệp quốc doanh – sẽ không được phép sa thải lao động với quy mô lớn, nhất là khi mà một tỉ lệ không nhỏ các công ty, nhà máy sản xuất được đặt ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, đông dân tộc thiểu số, vốn được cho là cần sự ưu tiên từ Chính phủ Trung ương.

Đơn cử là ngành công nghiệp khai thác than ở Trung Quốc. Phần lớn các công ty, tập đoàn khai khác than lớn nhất ở nước này đều là các SOE. Theo Hiệp hội Công nghiệp Than Trung Quốc (CCIA), có hơn 70% số công ty thua lỗ trong năm 2014. Tuy nhiên bởi các SOE này sử dụng tới 4% trong lực lượng lao động 920 triệu người của Trung Quốc, cho nên có rất ít vụ phá sản hay sa thải lao động hàng loạt trong nhiều năm qua nhờ sự bảo lãnh của Chính phủ nước này.

70% số công ty trong ngành công nghiệp khai thác than Trung Quốc thua lỗ trong năm 2014. Ảnh: Reuters

Giữ tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải bằng mọi giá duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trong một cuộc họp báo năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần tăng trưởng đủ nhanh để “đảm bảo tỉ lệ thất nghiệp ở mức tối ưu và duy trì thu nhập ổn định cho người dân”.

Nhằm thực hiện mục tiêu này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất năm lần kể từ tháng 11 năm ngoái, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp kết hợp với mục đích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh tín dụng đã và đang là một “quả bom hẹn giờ” treo lơ lửng trên đầu nền kinh tế nước này.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh kể từ đầu năm đã đẩy mạnh xây dựng “Con đường Tơ lụa phiên bản 2” dài 3000km nối Trung Quốc với Pakistan với tham vọng mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Nam Á. Tính kinh tế của con đường này thì hãy còn phải bàn, tuy nhiên không khó để thấy siêu dự án trị giá 46 tỉ USD sẽ cứu rất nhiều công ty xây dựng, nhà sản xuất thiết bị công trình cùng hàng trăm nghìn lao động trong nước.

Lựa chọn không thể tránh

Thực ra, Bắc Kinh đã từng thực hiện những cuộc sa thải ở mức độ lớn trong khu vực SOE vào cuối những năm 1990. Tuy nhiên vào thời điểm đó, nền kinh tế nước này vẫn đang ở trong giai đoạn bùng nổ, do đó hàng triệu lao động mất việc vẫn có thể tìm được vị trí mới trong khu vực tư nhân.

Lần này mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi khi mà kinh tế Trung Quốc đang dần giảm phụ thuộc vào đầu tư, đồng thời đối mặt với giai đoạn chững lại trông thấy sau 25 năm phát triển “thần kì”. Điều này có nghĩa rằng sẽ không còn nhiều chỗ trống trong nền kinh tế cho những người bị sa thải.

Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang đối mặt rất nhiều sức ép. Ảnh: AP

IMF thống kê rằng tái cơ cấu hệ thống SOE cũng như lĩnh vực công nghiệp có thể khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng thêm từ 0,5-0,75% trong ngắn hạn.

Con số này nhìn qua có vẻ không quá lớn, tuy nhiên nếu tính theo giá trị tuyệt đối, số người thất nghiệp có thể tăng thêm 7 triệu người, lớn hơn dân số của Singapore và Luxemboug cộng lại.

Đương nhiên Bắc Kinh sẽ phải lựa chọn. Lợi nhuận của những ngành công nghiệp lớn nhất đã giảm 2% trong 10 tháng đầu năm so với cùng kì năm ngoái. Tại khu vực quốc doanh – khu vực chứng kiến thực trạng dư thừa năng suất cũng như nhân công lớn nhất – con số này còn “thê thảm” hơn nhiều khi đã giảm tới 25%.

Để giải quyết số lượng nhân công dư thừa này, Bắc Kinh cần nhanh chóng thúc đẩy khu vực dịch vụ phát triển nhanh hơn nữa để tạo ra hàng triệu việc làm thay thế. Những công nhân bị buộc thôi việc trong các ngành công nghiệp thép hay xi măng phải được đào tạo lại để có thể làm việc được trong những lĩnh vực khác. Đây dường như là “cửa” duy nhất để Trung Quốc có thể thoát khỏi tình trạng tăng trưởng trì trệ như hiện nay.

Nghiên cứu của IMF cảnh báo rằng việc trì hoãn cải cách khu vực SOE và lĩnh vực công nghiệp sẽ dẫn tới những hệ quả “vô cùng tai hại” đối với nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí gây ra đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống kinh tế. Lúc này thì tỉ lệ thất nghiệp khó có thể giữ được ở mức 4% như hiện tại, mà con số lúc đấy chắc chắn sẽ cao gấp nhiều lần.

Do vậy câu hỏi đặt ra không phải là liệu Bắc Kinh có cải cách hay không, mà là bao giờ!

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến