Dòng sự kiện:
Tịch thu phương tiện – chế tài đủ “nặng” để răn đe “ma men”?
11/03/2015 20:16:47
ANTT.VN - Điều thúc đẩy Ủy ban ATGT quốc gia kiến nghị một chế tài “nặng chưa từng có ở Việt Nam liên quan đến rượu bia” là tạo ra được một thông điệp đủ sức cảnh báo người tham gia giao thông “ đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Tin liên quan
Lý giải việc tịch thu xe

Ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết tại hội thảo “tịch thu phương tiện: pháp lý và thực tiễn”, trước kiến nghị tăng mức xử phạt với xe quá tải, xe mô tô đi vào đường cao tốc và trường hợp người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GTVT phối hợp cũng Bộ Công an và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp nhận xử lý và báo cáo Chính phủ trước ngày 31/3/2015. Hiện Bộ GTVT đã tiếp nhận kiến nghị và đang nghiên cứu xem xét, sửa đổi bổ sung.

 Hội thảo “ Tịch thu phương tiện: pháp lý và thực tiễn”

Lý giải về việc tăng nặng mức xử phạt hành vi vi phạm luật giao thông với xe quá tải trọng từ 150% trở lên, lái xe mô tô đi vào đường cao tốc và với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Ông Hùng cho biết, theo luật giao thông đường bộ, lái xe ô tô trong trạng thái có nồng độ cồn và điều khiển xe máy trong trạng thái hơi thở có nồng độ cồn từ 0,25 mg/1 lít khí thở hoặc 50mg/100ml máu trở lên là hành vi bị cấm.

Ông Hùng cũng cho hay, đã hơn 5 năm Uỷ ban ATGT quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức An toàn giao thông đường bộ toàn cầu và Trung tâm kiểm soát nồng độ cồn quốc tế thực hiện các dự án thí điểm về biện pháp vi phạm nồng độ cồn cũng như triển khai rất nhiều nghiên cứu khác nhau. Ông Hùng cũng dẫn chứng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu là do bị kích thích thần kinh, mà nguyên nhân từ rượu, bia là rất lớn.

Ông Hùng cũng chỉ ra các giải pháp tổng thể về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đầu tiên là công tác chỉ đạo điều hành từ các cơ quan của Đảng, công tác giám sát của Quốc hội các văn bản chỉ đạo để triển khai chỉ đạo hàng ngày của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia…; Giải pháp thứ hai đó là hoàn thiện quy định pháp luật; thứ ba là tăng cường vấn đề hạ tầng việc nâng cấp, mở rộng cũng như đảm bảo hạ tầng giao thông; thứ tư là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, cưỡng chế xử lý vi phạm; thứ năm là thực hiện siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và siết chặt trọng tải phương tiện; thứ sáu là công tác tuyên truyền vận động…

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia

“Những hành vi mà chúng tôi đưa ra là những hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến sự an toàn của xã hội, như hành vi xe quá tải 150% khối lượng hàng hóa chuyên chở có thể dẫn đến quá tải về tải trọng chung lên đến 40% trở lên tùy theo xếp hàng, mà đa số các công trình hiện nay đang thiết kế là tải trọng chung là 10 tấn và hệ số an toàn từ 1,2 đến 1,3 nếu quá tải, hệ số vượt tải lớn nên nguy cơ phá hủy mặt đường cao. Bàn về vấn đề quản lý thi công các công trình đường bộ nhưng chúng ta phải đấu tranh bằng được đối với xe quá tải, bởi vì cứ làm xong một con đường 1 nghìn tỷ về nguyên tắc tuổi thọ kinh tế của nó là 10 năm nhưng nếu để xe quá tải chạy thoải mái chỉ được có 3 tháng mà thôi” – ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng nhận định: “Với hành vi người điều khiển mô tô tham gia giao thông trên đường cao tốc, nếu cho tham gia vào thì sẽ có số lượng rất lớn, như vậy độ an toàn của đường cao tốc sẽ bị xóa sổ hoàn toàn; thứ 2 khi đường cao tốc trở thành “đường làng” vai trò đường huyết mạch kinh tế, xã hội trong vùng và quốc gia của đường cao tốc sẽ mất đi, rõ ràng giá trị kinh tế, xã hội của tuyến đường đó mất đi…”

Theo ông Hùng, ba hành vi này được ghi nhận gần đây mức độ vi phạm tăng lên rất nhiều, uy hiếp nghiêm trọng đến sự an toàn của xã hội…

Uỷ ban ATGT quốc gia đã có kế hoạch 356 về việc triển khai đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn bắt đầu từ 1/12/2014 đến hết tháng 2/2015, “chưa bao giờ chỉ trong một tháng Tết có đến 17.500 người bị xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn, về mức độ nghiêm trọng tai nạn giao thông vì uống rượu bia tôi cảm thấy rằng không thể chấp nhận được. Còn  việc xe máy đi vào đường cao tốc xuất hiện với cường độ khá cao ở hai tuyến cao tốc Hà Nội  - Thái Nguyên và tuyến Nội Bài – Lào Cai, cho nên chúng tôi đề xuất 3 hành vi này bị tăng nặng” – ông Hùng nhấn mạnh.

Tại sao lại phạt nặng thế?

Ông Hùng cho hay, Uỷ ban ATGT quốc gia căn cứ vào các chế tài giao thông với mục đích lớn nhất là bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông, bảo vệ đời sống, bảo vệ cơ hội được chăm sóc gia đình của những người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông khác, “chúng ta hướng đến làm sao có một thông điệp đủ sức tạo nên lời cảnh báo thường xuyên cho người điều khiển phương tiện trước khi tham gia giao thông là “đã uống rượu bia thì không lái xe”, đây chính là điều mong muốn nhất và chính điều đó thúc đẩy Uỷ ban ATGT quốc gia kiến nghị một chế tài nặng chưa từng có ở VN liên quan đến rượu bia về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.

Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Trung – Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Trung, việc thực hiện chế tài này có rất nhiều khó khăn đặt ra như về hành lang pháp lý, về thực tiễn, về hoàn cảnh từng trường hợp cụ thể, từng con người cụ thể,  “người dân không phải ai cũng hiểu được mức như thế nào là mức vi phạm chúng ta cần tiệm cận rõ với các quy định và đồng thời giải thích các quy định đó, các cơ quan ban hành cũng phải nâng cao ý thức thực hiện cho người dân, ở đây chúng ta chỉ đọc được 40mg/100ml máu hay 80mg/1 lít khí thở nhưng chúng ta không biết cụ thể thế nào, ngay chính bản thân tôi, tôi cũng không biết là khi nào tôi có bao nhiêu mg ở trong 1 ml máu, chỉ trường hợp là tôi thổi thì tôi mới biết mà lúc thổi thì có khi đã muộn rồi”.

Trong hệ thống pháp luật của chúng ta, nếu bây giờ chúng ta đưa ra quy định này thì thực sự chưa phải là hợp lý bởi kèm theo quy định này còn rất nhiều quy định khác liên quan đến nhiều vấn đề khác, phát sinh nhiều tranh chấp. “Phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ thì mới hi vọng việc thực thi của chúng ta mới chuẩn chỉnh, mới công bằng với tất cả mọi người, với tất cả các đối tượng…” – Luật sư Trung nói.

Cuối cùng Luật sư Hoàng Trung đề xuất, nâng mức tiền xử phạt tiền với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn và bỏ quy định tịch thu phương tiện với người sử dụng rượu bia.

Kiều Chinh
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến