Dòng sự kiện:
Tìm chiến lược đầu tư khi dòng tiền thận trọng
12/12/2021 14:53:40
VN-Index tăng khá tuần qua nhưng thanh khoản suy giảm đã khiến không ít nhà đầu tư bối rối, nhất là khi xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong tuần tới khi các quỹ ETF tiến hành cơ cấu lại danh mục.

Ảnh: Internet

Chỉ số mở cửa tuần với những diễn biến tiêu cực khi có thời điểm lùi về sát mốc 1.400 trong ngày thứ hai (6/12), khi nhiều cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn ghi nhận áp lực bán mạnh như VIC, VHM, VCB, HPG…

Tuy nhiên, điểm nhấn trong tuần tập trung vào các phiên từ thứ ba đến thứ năm (7 – 9/12). Theo đó, trong phiên ngày thứ ba (7/12), VNIndex ghi nhận mức tăng mạnh gần 34 điểm và vượt qua mốc 1.440 điểm, sau đó tiếp tục ghi nhận diễn biến tăng điểm trong các phiên tiếp theo và tiến sát ngưỡng kháng cự tâm lý 1.470 điểm.

Ở phiên cuối tuần (10/12), nhóm vốn hóa lớn trên thị trường (VIC, VHM, GAS…) chịu áp lực bán mạnh đã hạn chế đáng kể đà tăng của chỉ số chung. Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index tăng 20,22 điểm (+1,4%) lên mức 1.463,54, còn HNX Index tăng 0,26% lên mức 450,75.

Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 tuần với hơn 26.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 21,1% xuống 117.185 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 16,7% xuống 4.029 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 19,6% xuống 16.477 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 18,9% xuống 623 triệu cổ phiếu.

Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng trưởng trong tuần qua. Cổ phiếu dầu khí và tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 2,3% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu như BSR (+3,8%), OIL (+4,5%), PVD (+11,2%), PVS (+6,4%), PVB (+13%), PVC (+15,6%)...; POW (+19,9%), NT2 (+11,2%), PPC (+1,5%)... Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 2,1% giá trị vốn hóa. Nhóm dược phẩm và y tế tăng 1,8% vốn hóa.

Nhóm trụ cột của thị trường là ngân hàng cũng hồi phục trong tuần qua với 1,7% giá trị, với các cổ phiếu tiêu biểu như VCB (+2%), BID (+6,2%), CTG (+1,7%), ACB (+2,6%), STB (+2,1%)... Nhóm tài chính tăng 1,5% giá trị vốn hóa nhờ sự khởi sắc của các cổ phiếu chứng khoán như SSI (+5%), VCI (+4%), VND (+8,2%), SHS (+7,3%), MBS (+2,9%)... Nhóm hàng tiêu dùng và công nghệ thông tin tăng nhẹ 0,7% vốn hóa. Ở chiều ngược lại, chỉ có ngành nguyên vật liệu là giảm nhẹ 0,1% do sự tiêu cực của các cổ phiếu thép như HPG (-2,5%), HSG (-8%), NKG (-10,1%)...

SHS đánh giá việc thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự tốt nhưng cũng là điểm thường thấy trong tháng cuối cùng của năm. Xu hướng giảm thanh khoản có thể sẽ tiếp tục trong tuần sau khi tới ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 12/2021 và các quỹ ETF tiến hành cơ cấu lại danh mục. Với việc lấy lại được hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm thì xu hướng tăng của thị trường đã được cải thiện và khả năng để hướng đến các mốc cao hơn trong thời gian tới là có thể xảy ra.

“Trong tuần giao dịch tiếp theo 13-17/12, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 1.365-1.370 điểm (MA20) và xa hơn là ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và đã tham gia bắt đáy trong phiên đầu tuần 6/12 có thể canh những nhịp tăng điểm trong tuần tiếp theo hướng tới kháng cự tâm lý 1.500 điểm (nếu có) để chốt lời một phần. Chiều ngược lại, nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.400-1.425 điểm sẽ mở ra cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho nhà đầu tư”, SHS khuyến nghị.

Tương tự, VCBS nhận định thanh khoản có sự sụt giảm đáng kể so với giai đoạn trước cho thấy dòng tiền vẫn đang khá dè dặt, và điều này cũng phần nào thể hiện ở sự phân hóa khi một số nhóm cổ phiếu ghi nhận mức hồi phục tốt hơn so với mặt bằng chung như nhóm dầu khí, bất động sản khu công nghiệp, sản xuất điện...

Nhìn chung, theo VCBS, nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh hiện tại, nhưng đây cũng chưa phải là thời điểm thuận lợi để gia tăng tỷ trọng bởi nguy cơ xu hướng giảm quay trở lại trong tuần sau vẫn là đáng kể.

“Chúng tôi cho rằng chiến lược phù hợp nhất tại thời điểm này chỉ nên là lướt sóng ngắn hạn với tỷ trọng vừa phải ở một số cổ phiếu xuất hiện nhịp hồi phục sau khi đã lao dốc mạnh trong những tuần trước”, VCBS cho biết.

Phân tích thêm về diễn biến thanh khoản ‘hụt hơi’, ông Nguyễn Minh Ngọc, chuyên gia MBS cho biết ở những phiên thị trường tăng điểm thì việc thanh khoản giảm sút cho thấy độ tin cậy của đà hồi phục chưa cao.

“Chỉ số VN-Index trong tuần sau có thể biến động trong vùng 1.430-1.500 điểm. Việc lựa chọn cổ phiếu sẽ quan trọng hơn xu thế thị trường trong giai đoạn này. Còn về dài hạn, thị trường vẫn sẽ tiếp tục đi lên”, ông Nguyễn Minh Ngọc nói.

Tác giả: Khánh An

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : quỹ etf , vn-index
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến