LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay ở mức 9.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023. Ảnh: D.M
Lạc quan dù tín dụng tăng chậm
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%, chính thức “lên khỏi mặt đất”, sau 2 tháng tăng trưởng âm. Dù vậy, theo thông tin của Báo Đầu tư, các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, Vietcombank… vẫn ghi nhận tín dụng tăng trưởng âm tính đến hết tháng 3/2024.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, tín dụng 2 tháng đầu năm tăng thấp do yếu tố mùa vụ và đã phục hồi trở lại trong tháng 3/2024. Thanh khoản dồi dào và dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều để các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Để gỡ khó cho các ngân hàng, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Ngân hàng Nhà nước cũng thúc đẩy các tổ chức tín dụng triển khai các chương trình tín dụng ưu tiên.
Dù tín dụng chưa tăng trưởng đáng kể, song lãnh đạo nhiều ngân hàng kỳ vọng, lãi suất thấp và kinh tế đang phục hồi sẽ thúc đẩy cầu tín dụng bắt đầu từ quý II/2024. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho hay, những tháng đầu năm, người dân và doanh nghiệp tăng cường trả nợ ngân hàng trong khi tín dụng mới tăng chậm, dẫn tới tăng trưởng tín dụng của BIDV giảm. Dù vậy, Chủ tịch BIDV cho rằng, tín dụng giảm những tháng đầu năm không đáng lo và BIDV tin tưởng tín dụng ngân hàng này sẽ tăng ở mức 14-15% năm nay.
Tuy vậy, để tín dụng tăng trưởng trở lại, ông Tú đề Nghị Chính phủ hỗ trợ cầu tín dụng thông qua các giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tìm kiếm thị trường, hoàn thuế, giảm thuế…
Bất ngờ kế hoạch lợi nhuận nhiều ngân hàng
Hiện nay, tín dụng vẫn mang lại nguồn thu chính cho các ngân hàng (chiếm 70-80% doanh thu). Đáng ngạc nhiên là, tín dụng quý I/2024 tăng chậm, song nhiều ngân hàng lại tỏ ra lạc quan về triển vọng lợi nhuận năm nay, đặc biệt là các ngân hàng TMCP tư nhân. Tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2024 vừa công bố cho thấy, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng khá cao.
Cụ thể, năm nay, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023, tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,8%. Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 90,5%. OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023, dư nợ tín dụng thị trường 1 tăng khoảng 20%.
Trước đó, một số ngân hàng như MB, ACB, Vietcombank đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 10% năm nay.
Lý giải mục tiêu tăng lợi nhuận năm nay khả quan, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, tín dụng kỳ vọng khởi sắc trở lại từ quý II và tăng tốc trong nửa cuối năm, giúp tình hình kinh doanh của ngân hàng khả quan hơn.
Ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, động lực tăng trưởng năm 2024 của Techcombank đến từ khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Lãi suất thấp sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và cầu tín dụng. Doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt hơn, nhờ đó, tình hình kinh doanh ngân hàng năm nay cũng sáng sủa hơn.
Trong khi đó, đại diện MB kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này trong năm nay sẽ vượt 16%, nhờ sự tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ (đang chiếm 51% dư nợ của MB) và nỗ lực chuyển đổi số.
Dù chỉ tiêu lợi nhuận của một số ngân hàng cao vọt, song do các ngân hàng lớn (đặc biệt nhóm Big 4) đưa ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn, nên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm nay dự kiến không quá cao.
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu (Khối Dịch vụ thông tin tài chính, FiinGroup) cho rằng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng niêm yết năm nay chỉ 12-15%. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đến từ tín dụng - dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại khi hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục - và sự phục hồi của biên lãi ròng nhờ giá vốn giảm. Tín dụng tháng sau cao hơn tháng trước trong quý I/2024 cho thấy dấu hiệu phục hồi khá rõ ràng. Đáng lưu ý là, tín dụng tiêu dùng bất động sản bắt đầu tăng trở lại.
Năm ngoái, vòng quay của tiền chỉ 0,67 lần, nhưng năm nay hy vọng sẽ đạt 0,9-1 lần. Một khi kinh tế phục hồi, vòng quay tiền sẽ diễn ra nhanh hơn, thúc đẩy nhu cầu vay vốn ngân hàng. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều rủi ro hiện nay, doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ tài khoá, thuế - phí; đa dạng hoá nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung… TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế |
Tác giả: Hà Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy