“Tín dụng đen” bao vây phố phường
20/07/2015 06:39:27
ANTT.VN – Những mẩu rao vặt có nội dung kiểu như “Cho vay tín chấp, lãi suất thấp, không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn”, “Hỗ trợ tài chính, Cho vay trả góp trong 100 ngày”, “Cho vay không cần thế chấp, giải ngân trong ngày”... đang xuất hiện nhan nhản khắp các gốc cây, cột điện, bờ tường và tấn công người dân qua tin nhắn điện thoại. Không ít người nhẹ dạ đã dính phải cái bẫy ngon ngọt này dẫn đến khốn đốn, kiệt quệ tài chính, thậm chí khuynh gia bại sản.

Tin liên quan

"Tín dụng đen" giăng bẫy khắp nơi (ảnh: H.Y)

Vay không hạn chế - Lãi suất thả nổi... trong tay chủ nợ (!)
Trong vai một người buôn bán đang gặp khó khăn về tài chính, phóng viên ANTT.VN đã gọi điện đến một số điện thoại trên tờ rơi nói trên. Sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh: cần 50 triệu để làm ăn mà không đủ điều kiện vay ngân hàng, muốn vay “nóng” ít ngày, người đàn ông tên Hùng trả lời ngắn gọn: “Nếu em có hộ khẩu Hà Nội hoặc giấy tờ nhà chính chủ thì được, muốn vay bao nhiêu cũng có”. “Thủ tục và lãi suất thế nào hả anh?” – tôi hỏi. “À, bọn anh cần vài tiếng đi xác minh giấy tờ của em và ngó qua nhà em đang ở là xong. Lãi suất thì cứ 10.000 đồng/1 triệu/1 ngày” – người đàn ông tên Hùng trả lời.
Tôi nhẩm tính nhanh: Như vậy là lãi suất 30%/tháng, trong khi trần lãi suất cho vay của ngân hàng chỉ 13,5%/năm.
Khi tôi thắc mắc sao lãi suất cao thế, anh Hùng kia trả lời: “Thì bọn anh đưa cho em cả đống tiền mà chỉ cầm lại một mảnh giấy, rủi ro cao như vậy nhỡ em “bùng”, ai chịu cho anh?”. Thấy tôi ngập ngừng, người đàn ông này bảo: “Em cứ suy nghĩ thêm, nếu không thì vay kiểu “bốc họ”: 60 ăn 50: em cầm 50 triệu và nộp cho anh mỗi ngày 1 triệu trong vòng 60 ngày.
Như vậy là trong vòng 60 ngày “bốc hơi” mất 10 triệu đồng vào tay chủ họ này!
Tôi đem câu chuyện của mình chia sẻ với N.T.T – 1 người có thâm niên cho vay nặng lãi kiểu như trên, trong giới “buôn tiền” ở Hà Nội thì chị T cũng thuộc dạng “Vua biết mặt, Chúa biết tên”. Chị T bảo: thường phải là người quen thân lắm thì lãi suất khoảng 5.000 đến 6.000 đồng/1 triệu/1 ngày, còn bình thường đa số cho vay với mức 10.000 đồng như vậy. Nhiều người khi vay còn mơ hồ về lãi suất, đến lúc chậm trả, lãi mẹ đẻ lãi con mới tá hỏa lên thì đã muộn. Cá biệt có trường hợp chị T biết: vay 300 triệu đồng, nhưng đã trả dần hơn 1 năm được gần 200 triệu rồi mà chủ nợ thông báo số tiền phải trả vẫn còn khoảng 200 triệu nữa (!)
Đây chính là lý do nhiều người kiệt quệ, phá sản vì trót nhẹ dạ vay tín dụng đen. Khi lãi mẹ đẻ lãi con, các con nợ mất khả năng thanh toán thì chủ nợ bắt đầu đe dọa, cưỡng chế tài sản, gạ bán rẻ nhà đất... Và chính vì mức lãi suất cắt cổ như trên, nhiều chủ nợ vẫn hàng ngày hàng giờ sống sung túc nhờ “hút máu” các con nợ. Đó là chưa kể một hệ lụy khác nữa: nhiều chủ nợ không cưỡng được mức lãi hấp dẫn này nên đứng ra vay tiền của người khác để cho vay tín dụng đen, đến khi bị con nợ bùng thì kéo nhau ra hầu tòa vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người khác.
Hệ lụy từ lòng tham và lỗ hổng pháp lý
Theo các chuyên gia tài chính, sở dĩ tín dụng đen có cơ sở tồn tại là vì kinh tế suy thoái, nhiều người gặp khó khăn về vốn, trong khi lãi suất ngân hàng thấp lại bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện khắt khe, rườm rà thủ tục. Tín dụng đen phản ánh một phân khúc trong cầu về vốn. Một bộ phận quá cần vốn nên phải chấp nhận vay ngoài hệ thống ngân hàng gặp một bộ phận cho vay nặng lãi chỉ bởi lòng tham.
Khi được hỏi: Có hay không mối liên hệ giữa tín dụng đen và một bộ phận cán bộ ngân hàng, một chuyên gia tài chính từ chối bình luận và cho rằng tín dụng đen chỉ phản ánh quan hệ dân sự giữa các cá nhân, không liên quan đến ngân hàng.
Chia sẻ với phóng viên ANTT.VN, luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty luật Basico, Chủ nhiệm CLB pháp chế Hiệp hội ngân hàng) cho biết: Hiện hoạt động tín dụng đen được tiến hành dưới hai hình thức: Một là các hiệu cầm đồ, các doanh nghiệp hay tổ chức nào đó có chức năng cho vay, được xem là hợp pháp một nửa: nghĩa là được phép cho vay, nhưng nếu cho vay quá mức lãi suất quy định thì là phạm luật; Hai là: các cá nhân cho vay chuyên nghiệp, hầu như là bất hợp pháp, vì 100% cho vay với lãi suất cao hơn mức quy định cho phép.
Luật sư Đức cho hay, trên thực tế hiện nay, quy định về trần lãi suất 13,5%/năm “bất động” 5 năm nay đang ngày càng bộc lộ rõ sự bất cập. Điều 476 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Nghĩa là nếu cho vay cao hơn mức 13,5%/năm là vi phạm luật.
Tuy nhiên trong quan hệ tín dụng đen, tỉ lệ lãi suất thực hoặc là được ghi trên giấy tờ thấp hơn nhiều so với thực tế, hoặc là các chủ nợ đã cắt lãi từ lúc cấp vốn ban đầu nên rất khó xác định được hành vi “cho vay nặng lãi” như pháp luật quy định.
Bởi thế, theo luật sư Đức, mặc dù biết 100% các hoạt động vay vốn ngoài ngân hàng vi phạm pháp luật về lãi suất nhưng chúng ta cũng không xử lý được triệt để. Vì nếu xảy ra vi phạm về lãi suất, pháp luật dân sự cũng chỉ xử lý ở mức độ: không bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt trần, như vậy lãi suất 14% hay 100% là như nhau.
Pháp luật Hành chính cũng không có quy định xử phạt những trường hợp cho vay lãi suất vượt trần như quy định lại Bộ luật Dân sự.
Pháp luật Hình sự có một điều khoản về tội cho vay nặng lãi. Điều 163 quy định về tội cho vay nặng lãi như sau: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất bóc lột thì phạm tội cho vay nặng lãi. Như vậy có thể hiểu: quá gấp rưỡi lãi suất cơ bản là vi phạm nhưng phải quá 15 lần thì mới bị truy tố. Hơn nữa, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là “có tính chất chuyên bóc lột”.
Chính vì những lỗ hổng pháp lý nói trên nên rất khó để phân biệt giữa tín dụng đen và quan hệ cho vay dân sự thông thường và vì thế tội phạm tín dụng đen vẫn không thể kiểm soát được.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, để phát huy tính ưu việt của trần lãi suất, đồng thời kiểm soát các vi phạm về cho vay lãi suất vượt trần (trong đó có tín dụng đen), cần áp dụng hai nhóm giải pháp: Thứ nhất: nâng trần lãi suất tối thiểu 30%; Thứ hai: quy định rõ nếu bên nào cho vay vượt trần thì khi xảy ra tranh chấp, mức lãi suất về 0%. Có như vậy, bên cho vay vừa có giới hạn trần đủ rộng để không phạm luật, vừa phải cân nhắc hoặc là tuân thủ luật pháp thì lợi nhuận bền vững hoặc là vi phạm pháp luật thì phải đối mặt với rủi ro nếu không được pháp luật bảo vệ.
Thiết nghĩ, ngoài giải pháp kể trên, cũng cần phải nâng cao tính ưu việt của môi trường tài chính ngân hàng, sao cho đáp ứng được mọi nhu cầu vay vốn phong phú của các đối tượng trong xã hội.
Hoàng Yến
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến