Dòng sự kiện:
'Tín dụng đen' - ngọn nguồn của nhiều bất ổn xã hội
09/11/2023 17:33:22
Các đối tượng hoạt động tín dụng 'đen' dùng nhiều thủ đoạn cho vay, đòi nợ trái quy định pháp luật, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội.

Sa vào tín dụng đen, hành trình không lối thoát

Là nạn nhân của "tín dụng đen", anh N.A.D (33 tuổi, ở TP Đồng Hới, Quảng Bình), dù đã hoàn tất khoản nợ nhưng hiện tại vẫn long đong với các khoản vay bù đắp, chắp vá nhằm thoát khỏi “vòng kim cô” tín dụng đen đã trót vay trước đó.

Không có việc làm ổn định, anh D và vợ mong muốn có một tiệm rửa xe để cuộc sống khá hơn. Nghĩ vậy, họ đã quyết định thuê một mặt bằng gần có giá 3 triệu/tháng để cùng phụ nhau rửa xe. Tuy nhiên, số tiền tích góp được không đủ để cải tạo mặt bằng kinh doanh nên 2 vợ chồng bàn nhau đi vay "nóng" bên ngoài một khoản, dự tính 3 tháng sau sẽ hoàn trả.

Không có tài sản cầm cố nhưng vợ chồng anh D vẫn được giải ngân khoản vay 50 triệu đồng. Chỉ cần chụp ảnh rồi để lại các loại giấy tờ tùy thân, viết giấy mượn tiền và giấy biên nhận tiền hàng để hợp thức hóa với các gói vay với lãi suất 365%/năm.

Cho vay quá dễ dàng với lãi suất cao trở thành "miếng mồi ngon" cho tội phạm tín dụng đen.

Công việc kinh doanh mấy tháng đầu chưa có khách nên để trả lãi mỗi ngày là quá sức với vợ chồng anh D. Tuy nhiên, nếu trả trễ 1 ngày, sẽ bị lãi phạt và phải tất toán gốc trong vòng 1 tuần. Nhận thức rõ mình đang "nằm trong miệng cọp", chỉ cần thất hẹn là sẽ bị “nuốt chửng” ngay, vợ chồng anh D. cứ giật chỗ này vá chỗ kia, cố gắng hết sức đắp đổi khoản nợ.

Gồng gánh lãi được hơn 6 tháng thì quá sức, cảm giác như bản thân đang làm trâu ngựa cho chủ nợ, đã thế ngày nào họ cũng bị tra tấn tinh thần từ các cuộc gọi nhắc nhở.

“Vợ chồng tôi quyết định phải trả cho bằng hết, bán hết tài sản trong nhà để trả, thậm chí sang luôn mặt bằng quán đang kinh doanh cũng chấp nhận. Vào thời điểm bí bách, thậm chí bố mẹ tôi phải bán cả 2 sào ruộng để cho chúng tôi mượn. Trả xong nợ, vợ chồng tôi như được cởi trói”, anh D cho biết.

Còn đối với chị N.T.L (37 tuổi, ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), vì lỡ một lần sa vào tín dụng đen đã khiến cả gia đình chị phải bán nhà và đi thuê nhà để ở.

Theo đó, vì lỡ vay 100 triệu đồng với lãi suất hơn 365%/năm, dù đã lo đủ số tiền trả nợ, nhưng các đối tượng cho vay tìm cách không nhận tiền, buộc  chị L phải sai hẹn hợp đồng và bị đe dọa, phải làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất mà gia đình đang ở.

Liên tiếp triệt phá nhiều đường dây hoạt động "tín dụng đen"

Theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Bình, từ ngày 15/4/2019 đến tháng 8/2023, CQĐT Công an tỉnh và Công an cấp huyện đã phát hiện, khởi tố 29 vụ, 39 bị can về hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự.

Qua công tác điều tra đã làm rõ, các đối tượng cho hàng chục người trên địa bàn tỉnh vay lãi nặng, với số tiền cho vay trên 25 tỷ đồng

Chỉ tính riêng trong tháng 10/2023, Công an tỉnh Quảng Bình đã đấu tranh, xử lý, khởi tố 8 vụ,  8 bị can cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, thu giữ nhiều tang vật, tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay của các đối tượng.

Những đối tượng này hoạt động với các phương thức, chiêu trò tinh vi, đánh vào tâm lý người vay như: thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn, chỉ cần cầm cố giấy phép lái xe, CCCD hoặc thậm chí không cần thế chấp tài sản, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân sẽ nhanh chóng nhận được khoản tiền vay. Tuy nhiên, sau khi nhận được số tiền vay, người vay thực tế phải trả mức lãi suất “cắt cổ”, “lãi mẹ đẻ lãi con”, dần dần vướng vào vòng xoáy nợ nần không có khả năng trả, bị các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn đòi nợ như đe dọa, đập phá tài sản, siết tài sản, bôi nhọ danh dự nhân phẩm, thậm chí là đánh đập, bắt giữ người trái pháp luật đối với cá nhân và gia đình người vay, gây phức tạp về tình hình ANTT.

Ngày 3/10 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã bắt, khởi tố đối tượng Dương Văn Tính trú TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Trong khoảng thời gian từ 7/2022 đến 8/2023, đối tượng Tính đã cho nhiều người vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh với lãi suất từ 109,5% đến 255,5%/ năm. CQĐT đã thu thập tài liệu đối với 6 người đã vay 435 triệu và đã thu lợi bất chính gần 43 triệu đồng.

Ngày 5/10, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Quảng Bình chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Quảng Bình, Công an TP Đồng Hới, VKSND tỉnh và Công an tỉnh Quảng Trị, chia thành nhiều tổ công tác, đồng loạt khám xét khẩn cấp tại 3 điểm tại tỉnh Quảng Bình và 2 điểm ở tỉnh Quảng Trị, lực lượng chức năng đã làm rõ 15 đối tượng ở các tỉnh phía Bắc vào hoạt động tín dụng đen tại các tỉnh miền Trung.

Các đối tượng liên quan đến vụ án "tín dụng đen" mà Công an Quảng Bình vừa triệt phá.

Bước đầu các đối tượng đã khai nhận, từ đầu năm 2023 đến nay đã cho hàng trăm người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vay số tiền trên 3 tỷ đồng, với lãi suất từ 110% đến 360%/năm. Đối với các bị hại vay nợ khi chưa kịp trả tiền thì các đối tượng này sẽ nhắn tin khủng bố, đe dọa và ném chất bẩn vào nhà các nạn nhân.

Ngày 9/10, Công an tỉnh Quảng Bình phá thành công chuyên án “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với lãi suất lên tới 365%/năm. Các đối tượng bị bắt gồm Lương Minh Ngọc (SN 1996), trú tại xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa và Nguyễn Thái Quý (SN 1993), trú tại Đồng Hải, TP Đồng Hới.

Khám xét khẩn cấp cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ 247 Online và chỗ ở của Ngọc và Quý tại TP Đồng Hới, lực lượng công an đã thu giữ 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 2 số ghi chép, 3 xe máy, 8 điện thoại di động, 10 thẻ ATM, hàng chục giấy vay mượn tiền, giấy biên nhận tiền hàng, các loại giấy tờ tùy thân cùng nhiều tài liệu có liên quan.

Các đối tượng bị bắt giữ cùng tang vật vụ án.

Các đối tượng khai nhận, khi người vay có nhu cầu vay tiền thì sẽ chụp ảnh và yêu cầu họ để lại các loại giấy tờ tùy thân, viết giấy mượn tiền và viết giấy biên nhận tiền hàng để hợp thức hóa tiền vay với các gói vay từ 5 triệu đồng đến 150 triệu đồng, lãi suất từ 180% đến 365%/năm.

Với những trường hợp không có tài sản, giấy tờ tùy thân để tín chấp vay tiền, các đối tượng này sử dụng thủ đoạn yêu cầu người vay tiền “thế chấp” bằng các video, hình ảnh nhạy cảm của họ mới đồng ý cho vay.

Khi đến hạn người vay không trả tiền hoặc trả chậm thì các đối tượng sẽ gặp trực tiếp hoặc gọi điện, nhắn tin để đe dọa, đăng hình ảnh người vay tiền lên mạng xã hội hoặc in các tờ rơi rải ở khu vực dân cư để gây áp lực.

Với các thủ đoạn trên, kể từ năm 2018 đến nay, Qúy và Ngọc đã cho rất nhiều người dân trên địa bàn vay với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, trong quá trình khám xét lực lượng công an còn phát hiện và thu giữ một số viên ma túy tổng hợp và công cụ sử dụng ma túy và các đối tượng khai nhận là mua về để sử dụng.

Ngày 20/10, CQĐT tra Công an TP Đồng Hới đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Tùng (SN 1966), trú tại số nhà 46 đường Xuân Thủy, tổ dân phố 13, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự .

Tại CQĐT, Tùng khai nhận đã cho nhiều người vay lãi nặng từ năm 2021 đến nay với tổng số tiền cho vay khoảng 2,9 tỷ đồng; lãi suất cho vay từ 120,45% đến 383,24%/năm. Hiện, cơ quan chức năng đã xác định 4 người vay với tổng số tiền 650 triệu đồng, đối tượng Tùng thu lợi bất chính hơn 424 triệu đồng.

Siết chặt hoạt động tội phạm "tín dụng đen"

Để đấu tranh với loại tội phạm này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh Quảng Bình đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”.

Trong đó, giao Phòng Cảnh sát hình sự là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, tập trung đánh mạnh đối với loại tội phạm này. Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện đợt cao điểm, đã đấu tranh, phát hiện, khởi tố 10 vụ, 11 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự.

Thượng tá Trương Minh Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng “tín dụng đen” hiện nay tương đối tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Đối tượng cho vay tín chấp, không mở cửa hàng cầm đồ mà chủ yếu dán tờ rơi để tiếp thị, giấy tờ vay nợ không thể hiện lãi suất, vay online qua ứng dụng điện thoại di động.

Hoạt động “tín dụng đen” dẫn đến hành vi “đòi nợ thuê” trái pháp luật, kéo theo hệ quả là sự gia tăng các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều vụ huy động vốn với lãi suất cao bất thường dẫn đến hàng loạt các vụ vỡ hụi, họ... gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho hàng trăm người dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.

Cuộc chiến với loại tội phạm này vẫn còn nhiều cam go, trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao; quy định của pháp luật về xử lý tội phạm trong việc áp dụng, chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

Nhiều gia đình điêu đứng vì lỡ sa chân vào "tín dụng đen".

Trong thời gian tới, Công an tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, đồng thời tập trung rà soát, phát hiện, kiên quyết đấu tranh triệt xóa, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, chủ động phòng ngừa đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”; khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây cho vay lãi nặng hoặc là nạn nhân của hoạt động “tín dụng đen” cần kịp thời trình báo với cơ quan Công an để điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nhận thấy tội phạm tín dụng đen ngày càng làm tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, ngày 4/10, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành công văn về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở, ban, ngành trên địa bàn, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... tại đơn vị chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ... vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Xuân Hương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến