Dòng sự kiện:
Tín dụng tăng nhưng vẫn quan ngại về chất lượng các khoản vay
07/12/2015 20:05:55
WB cho rằng, tăng trưởng tín dụng trở lại đã hỗ trợ nhu cầu đầu tư và các hoạt động kinh tế khác nhưng cũng phần nào gây quan ngại về chất lượng các khoản vay nhất là khi các khoản nợ xấu tồn đọng từ các năm trước chưa được xử lý triệt để.

Tin liên quan

Ảnh minh họa

Báo cáo Điểm lại Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố đã nhận xét, lạm phát thấp đã tạo điều kiện cho Việt Nam áp dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ.

Cụ thể, trong bối cảnh lạm phát giảm và cầu nội địa kém, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cắt lãi suất chính sách tổng cộng là 850 điểm cơ sở kể từ năm 2012, trong đó có 50 điểm cắt giảm trong giai đoạn từ sau tháng 10/2014. Hiện nay lãi suất chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước là 4,5% và lãi suất tái cấp vốn là 6,5%.

Thông tư 36/NHNN (tháng 11/2014) đã cho phép tăng trần cho vay đối với tiền gửi ngắn hạn (tăng từ 30% lên 60%) và giảm trọng số rủi ro đối với một số hoạt động cho vay, kể cả cho vay bất động sản. Mặc dù không có những dấu hiệu rõ rằng về chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm nay nhưng tín dụng đã tăng trưởng mạnh, đạt mức 12% tính từ đầu năm đến tháng 9/2015 – mức tăng trưởng cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2011.

Tăng trưởng tín dụng trở lại đã hỗ trợ nhu cầu đầu tư và các hoạt động kinh tế khác nhưng, WB cho rằng điều này cũng phần nào gây quan ngại về chất lượng các khoản vay nhất là khi các khoản nợ xấu tồn đọng trong các ngân hàng thương mại từ các năm trước chưa được xử lý triệt để.

Liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu, WB nhận xét, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, việc xử lý nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức.

Các cơ quan chức năng công bố nợ xấu trong toàn hệ thống đã giảm xuống dưới 3% tổng dư nợ tín dụng. Có được kết quả này một phần là do một lượng lớn nợ xấu đã được chuyển sang VAMC cũng như tổng tín dung đã tăng nhanh trong những tháng gần đây. Cho đến tháng 10/2015 VAMC đã mua tổng cộng 226 nghìn tỉ đồng nợ xấu, tương đương khoảng 10 tỉ USD. Tuy nhiên, VAMC mới xử lý được khoảng 7% tổng nợ xấu bằng cách bán khoản nợ xấu đó hoặc các tài sản thế chấp.

Quá trình giải quyết nợ xấu gặp phải một số khó khăn do VAMC không có đủ quyền sở hữu hợp pháp đối với khoản nợ xấu đang giải quyết, thiếu khung pháp lý về xử lý mất thanh khoản, chuyển quyền sở hữu tài sản, tịch biên tài sản thế chấp và bảo vệ nhân viên VAMC về trách nhiệm cá nhân đối với việc bán tài sản dưới giá trị sổ sách.

Theo Ngọc Toàn - Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến