Theo Kết luận thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (thời kỳ từ 2011-2018) được Thanh tra Chính phủ công khai chiều 29/10, công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo phục hồi môi trường đối với một số dự án chưa chặt chẽ.
Trong đó, Dự án cải tạo phục hồi môi trường của dự án khai thác khoáng sản tại mỏ đá Hang nước II do Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương làm chủ đầu tư chưa được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt, nhưng Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình đã ký xác nhận vào hồ sơ dự án và doanh nghiệp vẫn khai thác trong nhiều năm liền. Việc này vi phạm Nghị định số 19/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Bảo vệ môi trường.
Trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Cổng TTĐT Ninh Bình).
"Nhầm lẫn" về khái niệm (!)
Kết luận thanh tra cho biết, giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 4/2017, UBND tỉnh Ninh Bình không ban hành văn bản quy định hệ số đổi từ khoáng sản thành phẩm sang khoáng sản khai nguyên để tính phí bảo vệ môi trường. Do đó các doanh nghiệp vẫn nộp phí bảo vệ môi trường theo khối lượng khoáng sản thành phẩm.
UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 226/2012 quy định hệ số quy đổi từ "tấn" ra "m3", tuy nhiên tại quyết định này có nhầm lẫn về khái niệm đá nguyên khai, dẫn đến một số doanh nghiệp khai thác đá sản xuất xi măng đã áp dụng hệ số quy đổi 2,74 tấn/m3 (giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 4/2017) để tính thuế tài nguyên.
Ngày 10/11/2016, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản số 432/UBND-VP5 hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện việc quy đổi theo hệ số 1,6 tấn/m3 (quy định tại Điều 2 của Quyết định số 226) và chỉ đạo cơ quan thuế kiểm tra, truy thu đối với các doanh nghiệp đã quy đổi theo hệ số 2,74 tấn/m3. Tuy nhiên đến thời điểm thanh tra vẫn còn 3/5 doanh nghiệp khai thác đá sản xuất xi măng chưa thực hiện đầy đủ việc nộp phí bảo vệ môi trường bổ sung, gồm: Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng, Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương và Công ty TNHH Duyên Hà.
"Trách nhiệm chính thuộc 3 doanh nghiệp nêu trên. Trách nhiệm liên quan thuộc Cục Thuế tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2012-2016 vì chưa quyết liệt trong việc đôn đốc các doanh nghiệp nêu trên thực hiện"- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Cơ quan thanh tra đánh giá, công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn hạn chế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã kê khai, quy đổi khối lượng để tính phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên không đúng quy định của pháp luật và quy định của UBND tỉnh Ninh Bình (quy đổi không đúng hệ số, không nhân với hệ số khai thác lộ thiên), gây thất thu ngân sách nhà nước.
Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương, Ninh Bình (Ảnh: Tài nguyên Môi trường).
Khai thác vượt công suất với khối lượng lớn trong nhiều năm
Qua kiểm tra 20 dự án khai thác khoáng sản ở Ninh Bình, Thanh tra Chính phủ phát hiện 12 dự án của 10 chủ đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành.
Có nhiều dự án đã khai thác khoáng sản trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu. Một số dự án khai thác khoáng sản vượt công suất với khối lượng lớn trong nhiều năm, dẫn đến các biện pháp, phương án bảo vệ môi trường đã thực hiện không đáp ứng được nhưng chủ đầu tư không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc không xin phép cơ quan phê duyệt ĐTM.
"Có 18/20 dự án chưa có trạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác thực tế, không quản lý được trọng tải của xe vận chuyển khoáng sản khi ra khỏi khu vực mỏ như yêu cầu của ĐTM"- kết luận phản ánh.
Về thuế tài nguyên, có 3 chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản để sản xuất xi măng (Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương, Công ty TNHH Duyên Hà, Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng) đã nộp thuế tài nguyên theo hệ số quy đổi 2,74 tấn/m3, chưa thực hiện quy đổi theo hệ số 1,6 tấn/m3 theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Bình để nộp thuế tài nguyên bổ sung đối với khối lượng khoáng sản khai thác từ tháng 4/2017 trở về trước.
Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 09/2017 quy định hệ số quy đổi 1,6 tấn/m3 nhưng Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương vẫn quy đổi hệ số 1,8 tấn/m3 để nộp thuế tài nguyên. Việc làm này đã được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu, cơ quan thuế đôn đốc nộp nhưng doanh nghiệp không thực hiện.
Thanh tra Chính phủ đã áp dụng hệ số quy đổi 1,6 tấn/m3 để tạm tính số tiền thuế tài nguyên của 3 doanh nghiệp nêu trên còn thiếu 32,5 tỷ đồng.
Tác giả: Thế Kha
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy