Dòng sự kiện:
Tính toán kỹ để kiểm soát lạm phát
16/03/2019 07:02:06
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2019, giá cả thị trường Việt Nam tiếp tục gắn kết ngày càng chặt chẽ với biến động của giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới.

Đồng USD giao dịch gần mức 'đỉnh' của bốn tháng. 

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong những tháng đầu năm 2019, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi khiến nhu cầu mua sắm, đi lại, du lịch gia tăng đẩy giá một số mặt hàng thiết yếu biến động tăng cao hơn tháng trước. Trong bối cảnh đó, việc điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý đã được các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ các biện pháp, góp phần kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Ông Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, năm nay sẽ điều chỉnh tăng giá điện, dịch vụ, y tế, giáo dục theo lộ trình thực hiện cơ chế giá thị trường và xã hội hóa giá dịch vụ y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, bảo đảm sở hữu trí tuệ sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam trong thu hút các nguồn lực từ nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là áp lực cạnh tranh rất lớn đối với khu vực trong nước, tương quan cung  - cầu hàng hóa trên thị trường sẽ biến động rất nhanh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong năm 2019 như áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 2.920.000 đến 4.180.000 đồng/tháng từ ngày 1/1/2019; hay việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường, giá điện sẽ được điều chỉnh, biến động phức tạp của giá xăng dầu và các hàng hóa cơ bản khác trên thị trường thế giới. Xu hướng tăng giá của đồng USD cũng sẽ tác động đến tỷ giá trong nước.

Do đó, ông Ngô Trí Long cho rằng việc giữ lạm phát khoảng 4% như Quốc hội đề ra là một thách thức không nhỏ.

Phân tích kỹ hơn, TS. Lê Quốc Phương, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP tương đối cao, trong khi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng chưa đổi mới căn bản cũng là nguyên nhân tạo sức ép lên lạm phát, cùng đó việc một số địa phương tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình; thuế đánh vào xăng dầu tăng kịch trần là những yếu tố gây tăng lạm phát.

Riêng về giá điện, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ dự kiến trong tháng 3 này tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 khoảng 8,36% so với giá bán điện bình quân hiện hành là 1.720,65 đồng/kWh. Theo tính toán, việc này có thể làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26 - 0,31%. 

Tuy nhiên, theo TS. Lê Quốc Phương, chỉ tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% vẫn có thể đạt được bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là những năm gần đây (2016-2018) CPI thấp dưới 4%, lạm phát cơ bản thấp dưới 2%; cung hàng hóa tương đối dồi dào không gây biến động lớn về giá; kinh tế vĩ mô ổn định tạo dư địa tiếp tục kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý. Xuất siêu liên tục trong giai đoạn 2012-2018 (trừ năm 2015) giúp tỷ giá ổn định và giảm áp lực lạm phát; dự trữ ngoại hối cao kỷ lục giúp Ngân hàng Nhà nước có công cụ ổn định tỷ giá cũng làm giảm áp lực lạm phát.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, để lạm phát đạt mức 4% đề ra trong năm 2019 hoàn toàn khả thi, với những điều kiện tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào, không để mất cân đối trong từng thời kỳ trong năm và làm tốt lưu thông phân phối.

Về chi phí đẩy, những năm trước đây, Việt Nam phụ thuộc 70% vào xăng dầu nhập khẩu thì cuối năm 2018 khi đã có thêm Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa thì tỷ trọng đảm bảo nguồn cung trong nước đã lên tới 70%. Đây là điều kiện tiên quyết để chủ động giảm bớt những áp lực về chi phí đẩy của một mặt hàng chiến lược cho sản xuất kinh doanh tiêu dùng.

Trong khi đó, theo Cục Quản lý giá, để đạt được mục tiêu giữ CPI ở mức khoảng 4%, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá, nhất là thời điểm các dịp lễ, tết. 

Đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng chung, hạn chế tác động của chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.    

Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, gánh nặng lớn nhất của điều tiết kinh tế vĩ mô nói chung, kiểm soát lạm phát nói riêng trong năm 2019 vẫn đặt lên vai ngành tài chính và ngân hàng. Khó khăn ở chỗ không đơn giản là những giải pháp nhằm giảm chi tiêu tài chính, giảm “cung” tiền mà ngược lại vẫn phải chi cho các dự án bị đình hoãn và tăng giá các dịch vụ công, giá điện, tăng lương…

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, ngành ngân hàng cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường giám sát xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp để ngăn chặn tình trạng các cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại thao túng, chi phối hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng phục vụ lợi ích cho các cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn.

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến