Trong quý III/2023, Công ty Tisco ghi nhận doanh thu đạt 2.413,8 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 58,68 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 25,49 tỷ đồng, tức giảm 33,19 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 1,7%, về chỉ còn 1,4%.
Trong kỳ, biên lợi nhuận suy giảm dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 24,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 10,89 tỷ đồng, về 33,76 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 274,2%, tương ứng tăng thêm 7,43 tỷ đồng, lên 10,14 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 13,8%, tương ứng tăng thêm 5,27 tỷ đồng, lên 43,43 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 25,7%, tương ứng tăng thêm 12,08 tỷ đồng, lên 59,15 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 91%, tương ứng giảm 13,47 tỷ đồng, xuống 1,34 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty Tisco ghi nhận hoạt động cốt lõi lỗ 68,82 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 40,58 tỷ đồng, tức giảm 28,24 tỷ đồng.
Như vậy, trong quý III, lợi nhuận gộp của Công ty Tisco tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới lỗ.
Công ty Tisco cho biết thêm, trong quý III/2023, thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào cao dẫn tới sản lượng tiêu thụ thép cán giảm 14.490,1 tấn, tương ứng giảm 8,3% so với cùng kỳ.
Được biết, theo dữ liệu quá khứ, Công ty Tisco báo cáo lỗ liên tục từ quý III/2022 tới nay. Như vậy, Công ty Tisco đã trải qua quý lỗ thứ năm liên tiếp.
Lỗ trong 9 tháng đầu năm và nợ ngắn hạn tiếp tục vượt tài sản ngắn hạn
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty Tisco ghi nhận doanh thu đạt 6.789,11 tỷ đồng, giảm 28,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ ghi nhận lỗ 194,35 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 7,4 tỷ đồng, tức giảm 201,75 tỷ đồng.
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Công ty Tisco tăng 5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 509,6 tỷ đồng, lên 10.690,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 6.543 tỷ đồng, chiếm 61,2% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.790,3 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.174,5 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý III/2023, tài sản ngắn hạn ghi nhận 2.720,8 tỷ đồng, nợ ngắn hạn ghi nhận 6.478,9 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 3.758,1 tỷ đồng, tương ứng Công ty Tisco sử dụng 3.758,1 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm), tài trợ cho tài sản dài hạn (trên 1 năm), đây là rủi ro kỳ hạn đối với cơ cấu nguồn vốn.
Trước đó, trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2023, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC đã nhấn mạnh: “Tại thời điểm 30/6/2023, nợ phải trả vượt 4,85 lần vốn chủ sở hữu, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 3.614,78 tỷ đồng, một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến dự án mở rộng Giang thép giai đoạn II đã quá hạn thanh toán. Bên cạnh đó, lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm mạnh, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm, những sự kiện này, cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty Tisco”.
Dự án cải tạo Gang thép giai đoạn II triển khai 15 năm vẫn chưa xong
Quay trở lại Báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty Tisco, một điểm cũng cần lưu ý là khoản mục tài sản dài hạn, trong đó chủ yếu là các khoản xây dựng dở dang liên quan đến dự án cải tạo Gang thép giai đoạn II, giá trị đang ghi nhận là 6.529,9 tỷ đồng (tăng 261,9 tỷ đồng so với đầu năm), đây là dự án từng mang rất nhiều kỳ vọng nhưng đã "nằm đắp chiếu" trong 15 năm qua.
Dự án cải tạo Gang thép giai đoạn II của Công ty Tisco được khởi công từ năm 2007, với tổng chi phí dự toán ban đầu 3,8 nghìn tỷ đồng và nhà thầu chính là công ty China Metallurgical Group Corporation (MCC). Sau khoảng thời gian trì hoãn và kéo dài, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.100 tỷ đồng.
Sau 15 năm "nằm đắp chiếu", gần đây dự án mới có dấu hiệu hồi sinh trở lại. Từ ngày 14 đến 24/10/2022, Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) đã cử Đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại Việt Nam để khảo sát, đánh giá, trao đổi với các cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp liên quan của Việt Nam về dự án cải tạo Gang thép giai đoạn II. Sau đó, họ cũng cử người đến để đánh giá thiết bị, công trình để đưa ra phương án khôi phục dự án.
Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy dự án đã sắp được xây dựng trở lại. Tuy nhiên, nếu vẫn trì hoãn và kéo dài, dự án từng được kỳ vọng rất cao này sẽ tiếp tục là một gánh nặng khổng lồ cho Công ty Tisco.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/10, cổ phiếu TIS đóng cửa giá tham chiếu 4.400 đồng/cổ phiếu.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy