Tổng công ty 36: “Không có chuyện bổ nhiệm trái quy định”
10/11/2016 14:09:23
ANTT.VN – Theo đại diện Tổng công ty 36, một số thông tin cho rằng có khuất tất đằng sau việc bổ nhiệm lãnh đạo cũng như lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là không khách quan và thiếu chính xác.

Tin liên quan

Trụ sở của TCT 36 tại 141 Hồ Đắc Di, Hà Nội được khánh thành ngày 22/12/2015

Thời gian qua, dư luận xôn xao trước thông tin cho rằng Tổng công ty 36 đang dần biến thành công ty riêng của dòng họ Nguyễn Đăng. Cụ thể, ngoài Đại tá Nguyễn Đăng Giáp – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, còn có ông Nguyễn Đăng Thuận – Phó TGĐ kiêm GĐ Công ty 36.67; ông Nguyễn Đăng Trung – Phó TGĐ kiêm GĐ 36.66; ông Nguyễn Đăng Hùng GĐ Công ty 36.62; Ông Nguyễn Đăng Hiếu PGĐ Công ty 36.67.

Ngoài ra, còn có thông tin cho hay ông Nguyễn Đăng Hiền – em trai ông Nguyễn Đăng Giáp là GĐ Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc. Một em trai khác của ông Giáp là ông Nguyễn Đăng Ngọ đang là thành viên HĐQT Công ty CP Vận tải và Thương mại Anh Quân.

Trường Lộc và Anh Quân là 2 nhà đầu tư chiến lược đã mua tới 18,15 triệu cổ phần, tương đương 42,21% cổ phần TCT trong đợt IPO hồi tháng 3.

Bên cạnh đó, dư luận còn cho rằng trong số 7,91% cổ phần được bán cho cán bộ, nhân viên của TCT, Chủ tịch kiêm TGĐ Nguyễn Đăng Giáp cùng 2 Phó TGĐ ông Nguyễn Đăng Thuận và ông Nguyễn Đăng Trung đã mua phần lớn, qua đó cùng 2 cổ đông Trường Lộc và Anh Quân nắm quyền kiểm soát TCT (Nhà nước chỉ nắm 40% cổ phần).

“Bổ nhiệm sau cổ phần hóa”

Tiếp xúc báo chí chiều ngày 09/11, ông Nguyễn Hồng Lợi, Chủ nhiệm Chính trị TCT 36 thừa nhận các phản ánh về nhân sự cơ bản là đúng, ngoại trừ ông Nguyễn Đăng Trung chỉ là Quyền Giám đốc Công ty 36.66 chứ không phải GĐ đơn vị này, tương tự với trường hợp ông Nguyễn Đăng Hùng – Quyền GĐ Công ty 36.62. Ngoài ra, ông Lợi khẳng định ông Nguyễn Đăng Thuận chỉ là Phó TGĐ TCT chứ không kiêm nhiệm chức vụ GĐ Công ty 36.67.

“Tại sao đồng chí Hùng và đồng chí Trung lại chỉ là Quyền GĐ Công ty, bởi vì cho tới thời điểm này 2 anh chưa hề được bổ nhiệm chức danh giám đốc. Trước đây TCT là Doanh nghiệp nhà nước, nên theo Điều 137 Luật Phòng chống Tham nhũng thì Đ/c Giáp không thể bổ nhiệm người thân giữ các chức vụ trưởng, kế toán, thủ quỹ, nhân sự...Cả 2 đồng chí này trước là phó giám đốc, sau đó các đồng chí giám đốc được thuyên chuyển sang vị trí khác thì 2 đồng chí được nắm giữ quyền giám đốc. Trường hợp của đồng chí Hiếu - PGĐ công ty 36.67 cũng vậy, pháp luật quy định TCT không thể bổ nhiệm Đ/c Hiếu làm giám đốc nên việc Đ/c này chỉ làm cấp phó là hoàn toàn tuân thủ luật pháp”.

Theo vị đại diện TCT 36, ngoại trừ vị trí Phó TGĐ được trực tiếp Quân ủy Trung ương bổ nhiệm cho ông Nguyễn Đăng Thuận từ năm 2013, các chức danh còn lại đều được bầu ra hoặc bổ nhiệm vào thời điểm TCT đã là công ty cổ phần, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014. Lúc này, Đơn vị không còn là doanh nghiệp quốc doanh, không bị vốn nhà nước chi phối nên áp dụng Điều 137 Luật Phòng chống Tham nhũng (Quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước không được bổ nhiệm người nhà vào các vị trí quan trọng) là không có hiệu lực áp dụng.

“Chọn nhà đầu tư chiến lược đúng quy trình”

Ông Nguyễn Hồng Lợi khẳng định việc 2 cổ đông Trường Lộc và Anh Quân được lựa chọn là hoàn toàn đúng quy trình và không có gì khuất tất, dựa trên năng lực thực tế của 2 công ty này:

“Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, hay quyết định tỉ lệ cổ phần khi cổ phần hóa đều do Thủ tướng Chính phủ quyết định, căn cứ vào thẩm định của các ban chỉ đạo BQP dựa trên Nghị định 59/2011 của Chính phủ (Về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần – PV). Bởi vậy, việc ban chỉ đạo của BQP lựa chọn 2 nhà đầu tư chiến lược đều dựa trên các quy định pháp luật có sẵn, cũng như năng lực thực tế của nhà đầu tư. Tất cả các nội dung trên phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có sự tư vấn từ Bộ Tài chính cũng như Bộ Kế hoạch đầu tư”.

“Như vậy, các cổ đông Trường Lộc và Anh Quân không phải do TCT 36 lựa chọn, mà là Bộ Quốc phòng sau khi xem xét kỹ càng 10 ứng viên, thì chọn được ra 2 nhà đầu tư đáp ứng được mọi yêu cầu, tiêu chuẩn rồi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

“Không có chuyện lãnh đạo mua hết cổ phần nội bộ”

Về thông tin cho rằng ba lãnh đạo của TCT mua phần lớn 7,79% cổ phần bán ra cho cán bộ công nhân viên, ông Lợi khẳng định đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và danh tiếng của Đơn vị.

“Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 48 Nghị định 59/2011, người lao động chỉ được mua cổ phần theo tỉ lệ nhất định, căn cứ vào số năm công tác cũng như số năm cam kết làm việc trong tương lai nhưng cũng không được quá 5.000 cổ phần đối với cán bộ cấp trưởng phòng trở lên. Như vậy, anh Giáp, anh Trung hay anh Thuận thì cũng chỉ được phép mua tối đa trong giới hạn pháp luật đã quy định”.

“Vay nợ vượt quá quy định, nhưng được sự chấp thuận từ cơ quan chủ quản”

Trả lời câu hỏi của ANTT.VN về việc tỉ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu vượt xa quy định pháp luật trong suốt nhiều năm qua. Ông Lợi cho hay quy định là có nhưng không nhiều doanh nghiệp nhà nước có thể thực hiện được:

“Điều 3 Thông tư 242/2009/TT-BTC về giới hạn nợ vay đã có hiệu lực từ lâu, nhưng trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp nhà nước tuân thủ được, nhất là đối với một đơn vị xây lắp luôn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn như TCT. Đó là về mặt khách quan, còn chủ quan mà nói thì tỷ lệ vay nợ cao bởi chúng tôi đầu tư vào 2 dự án BOT lớn là Quốc lộ 19 và Quốc lộ 6 với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Đây là những dự án rất ‘xương’, mang nghĩa vụ an ninh – quốc phòng, không có nhà đầu tư nào sẵn sàng tham gia cả. Bên cạnh đó, mọi kế hoạch kinh doanh, vay nợ đều được TCT đệ trình và được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản là Bộ Quốc phòng”, đại diện TCT 36 cho hay, nhấn mạnh:

“Dù sao, đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến chúng tôi quyết tâm tiên phong cổ phần hóa trong khối các doanh nghiệp quốc phòng. Bởi vốn nhà nước rót xuống gần như không có, trong khi TCT không thể mãi ‘mặc cái áo chật’ được. Cổ phần hóa với sự tham gia của các cổ đông tư nhân là ‘chìa khóa’ cởi trói, giúp TCT phát triển bùng nổ trong thời gian tới. Chúng tôi hiện đã xây dựng kế hoạch tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng từ mức 430 tỷ đồng hiện nay (phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu) và đang trình Bộ Quốc phòng chấp thuận”.

“Đất quốc phòng nên không thể cho vào giá trị tài sản”

Trước băn khoăn về việc TCT không đưa giá trị quyền sử dụng đất vào đánh giá giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, ông Lợi cho hay Bộ Quốc phòng chỉ giao đất cho Đơn vị để đóng quân, xây dựng trụ sở.

“Đây là đất quốc phòng, an ninh nên không thể được sử dụng vào mục đích khác, nên không thể định giá được. Kể từ thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần ngày 30/6 vừa qua, TCT không còn được ưu đãi về đất đai nữa, mà phải thuê đất theo quy định của Bộ Quốc phòng, với sự tham vấn từ Cục Tác chiến, Cục Tài chính, Cục kinh tế”. Tuy nhiên, ông Lợi cũng bỏ ngỏ khả năng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất:

“Tôi lấy ví dụ ngay tại trụ sở của TCT (141 Hồ Đắc Di, Hà Nội – PV), ngoài 1.100 m2 đất quốc phòng, Đơn vị đã bỏ tiền ra mua thêm 300 m2 của các hộ dân xung quanh, và chúng tôi đã xây dựng tòa nhà làm việc (khánh thành cuối năm ngoái - PV) trên mảnh đất này. Sau này khi nhà nước thoái hết vốn, thì mảnh đất trên nằm trong diện bị thu hồi, tuy nhiên bởi nếu nhà nước lấy lại thì còn liên quan tới tòa nhà làm việc của Đơn vị nữa nên Quân ủy Trung ương có thể sẽ họp và bán lại mảnh đất cho TCT, đương nhiên cần sự cho phép của Chính phủ và tham khảo khung giá đất từ TP. Hà Nội. Lúc này thì mới là đất của TCT và TCT muốn làm gì thì làm”.

Nghi Điền – Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến