Dòng sự kiện:
Tổng công ty Sông Hồng 'ngập' trong thua lỗ, xin bán bớt cổ phần
15/08/2020 17:07:30
Bộ Xây dựng cho biết đang triển khai thoái hết hơn 49% vốn tại Tổng công ty Sông Hồng trước ngày 30/11. Trong trường hợp không thoái thành công, sẽ chuyển giao về SCIC trước ngày 31/12.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, hiện tại vốn nhà nước do Bộ làm đại diện sở hữu nắm hơn 13,2 triệu cổ phần, chiếm 49,04% vốn điều lệ.

Bộ Xây dựng cho biết đang triển khai thoái hết hơn 49% vốn tại Tổng công ty Sông Hồng trước ngày 30/11/2020.

Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, tổng công ty gần như không triển khai thêm dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới.

Xin bán cổ phần nhà nước để "vớt vát" tài sản

Năm 2019, doanh nghiệp này lỗ gần 67 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 958 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2019 âm tới 651 tỷ đồng.

Trước tình trạng thua lỗ, tháng 9/2019, Tổng công ty Sông Hồng đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019 vì doanh nghiệp đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Hồng khẳng định, nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.

Để “vớt vát” phần vốn nhà nước còn sót lại, thời gian qua, tổ đại diện phần vốn nhà nước tại tổng công ty đã hoàn thành và trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn doanh nghiệp để thực hiện đấu giá phần vốn nhà nước.

Trước tình hình thực tế khó khăn, Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận đưa Tổng công ty Sông Hồng vào danh mục thoái vốn nhà nước hết năm 2020.

Tuy nhiên, việc Tổng công ty Sông Hồng phải đề xuất Thủ tướng cho bán gấp cổ phần nhà nước tại tổng công ty để "vớt vát" phần nào tài sản, vốn Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp là điều không lạ nhưng khó hiểu.

Đơn giản, vì Nhà nước bỏ tiền vào doanh nghiệp nhưng không thu được lợi nhuận, ngược lại phải chạy theo gỡ vướng cho doanh nghiệp, chỉ mong thu lại một phần vốn. Tổng Sông Hồng không những kinh doanh bết bát, mà còn vướng vào những dự án lớn khiến việc gỡ rối càng khó.

Nếu chỉ nhìn bề nổi và qua các con số, tình trạng của Sông Hồng khó có thể bán vốn Nhà nước để có thể thu lời. Nhưng ở một số góc nhìn khác, Sông Hồng vẫn còn nhiều giá trị được quan tâm.

“Bết bát ” hơn sau cổ phần hóa

Từng là thương hiệu xây lắp có uy tín, với loạt công trình quy mô lớn như Nhà thi đấu đa năng TP.Đà Nẵng (giá trị hợp đồng 926 tỷ đồng), dự án 165 Thái Hà (958 tỷ đồng), Nhà thi đấu TDTT Nam Định (741 tỷ đồng), Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (1.447 tỷ đồng)...

Kể từ khi được cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Hồng “ngập” trong thua lỗ

Những tưởng dòng vốn tư nhân sẽ giúp Sông Hồng trở nên năng động, vững vàng hơn trước sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp xây lắp tư nhân. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Kể từ khi được cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Hồng “ngập” trong thua lỗ.

Ngoại trừ các năm 2011, 2014 lãi vài trăm triệu đồng, Sông Hồng đều phải ghi nhận những kết quả kém khả quan trong các năm còn lại, trong đó đáng chú ý hai năm 2015-2016 lỗ sau thuế lần lượt 85 tỷ đồng và 187 tỷ đồng, cuốn bay vốn điều lệ của doanh nghiệp (270 tỷ đồng).

Giải trình cho kết quả trên, Tổng công ty Sông Hồng cho biết doanh nghiệp này tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, do công nợ kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài chính chung.

Nhiều khoản vay bị xếp vào nợ xấu nhóm 5 dẫn đến không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng, việc phát hành các loại bảo lãnh để thực hiện công trình cũng rất khó khăn.

Do vậy, các dự án mà Tổng công ty cũng như đơn vị thành viên nhận thầu thi công đa số đều chậm tiến độ, uy tín của Sông Hồng giảm sút nặng nề.

Bi quan hơn, khi đánh giá về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng công ty Sông Hồng, Bộ Tài chính nhận định tổng công ty này đã mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước.

Trong năm 2018, công ty mẹ thuộc Tổng công ty Sông Hồng đạt doanh thu khoảng 213 tỷ đồng, nhưng tổng chi phí lên tới 589 tỷ đồng. Chi nhiều hơn thu nên tổng công ty thua lỗ khoảng 376 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đánh giá, Tổng công ty Sông Hồng đang đầu tư tài chính vào 26 công ty con, công ty liên doanh, liên kết với tổng số tiền khoảng 286 tỷ đồng, nhưng không có khoản đầu tư nào đem lại cổ tức, lợi nhuận cho tổng công ty.

Các công ty con này thua lỗ dẫn tới tổng công ty phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính cho 17 công ty số tiền 220 tỷ đồng.

Tác giả: Nguyễn Việt

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến