Dòng sự kiện:
Tổng công ty Sông Hồng (SHG) khó thoát trách nhiệm bảo lãnh
14/04/2018 13:36:18
Lỗ lũy kế tăng, vượt quá vốn chủ sở hữu 185,9 tỷ đồng, bức tranh kinh doanh của SHG vẫn chưa thoát khỏi sắc màu u tối, trong khi trách nhiệm bảo lãnh cho công ty con từ thời lãnh đạo cũ vẫn còn đó.

Gần 1 năm sau án phạt vi phạm công bố thông tin, gần đây, nhà đầu tư bắt đầu được tiếp cận báo cáo tài chính của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (mã SHG - sàn UPCoM). Cụ thể, kết thúc năm 2017, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ 51,1 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2017, lỗ lũy kế của SHG là 455,9 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu 185,9 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn cũng vượt quá tài sản ngắn hạn là 261,7 tỷ đồng. Các khoản nợ ngân hàng phần lớn đã quá hạn.

Đặc biệt, SHG chưa hoàn tất việc đối chiếu công nợ và giải chấp nghĩa vụ bảo lãnh với các ngân hàng, đơn vị bảo lãnh có liên quan đến các khoản vay mà SHG bảo lãnh cho các thành viên gồm Công ty TNHH MTV Cơ giới và xây dựng Sông Hồng, Công ty TNHH MTV Sông Hồng An Dương và Công ty cổ phần Thép Sông Hồng.

SHG cũng chưa trích lập dự phòng liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh trên. Nếu trích lập nghĩa vụ bảo lãnh với các công ty con, con số lỗ sẽ còn lớn hơn nữa. Bởi lẽ, chỉ tính riêng khoản bảo lãnh với Công ty cổ phần Thép Sông Hồng, con số này đã là 261,8 tỷ đồng.

Trước đó, giai đoạn 2010-2011, hoạt động kinh doanh của SHG không đến nỗi tệ. Năm 2011, tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt 5.049 tỷ đồng, lợi nhuận Công ty mẹ đạt 82,78 tỷ đồng. Bất chấp một số công ty con và công ty liên kết thua lỗ, SHG vẫn ghi nhận lợi nhuận hợp nhất 17,75 tỷ đồng trong năm này.

Đây cũng là năm SHG cam kết bảo lãnh khoản vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội cho Công ty cổ phần Thép Sông Hồng số tiền 100 tỷ đồng, trong trường hợp công ty con không có khả năng trả nợ.

Ngân hàng đã cấp hạn mức 300 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Thép Sông Hồng để bổ sung vốn kinh doanh. Tài sản thế chấp ngoài thư bảo lãnh của SHG còn có hàng hóa tồn kho, gồm phôi thép và thép thành phẩm.

Đến năm 2012, SHG còn 13 khế ước chưa thanh toán với nợ gốc là 95,4 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của SHG rơi vào tình cảnh trì trệ, mất khả năng trả nợ và buộc phải dừng hoạt động cũng vào năm này. Vào năm 2014, ngân hàng bán khoản nợ trên cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo bản án ngày 19/6/2017 của Tòa án nhân dân Quận Tây Hồ, SHG phải có nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty cổ phần Thép Sông Hồng số tiền là 261,8 tỷ đồng, bao gồm 95,4 tỷ đồng nợ gốc, 162 tỷ đồng nợ lãi quá hạn và 4 tỷ đồng nợ lãi trong hạn.

Không đồng tình với bản án này, SHG đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP.Hà Nội. Công ty đưa ra các lý do để thoái thác trách nhiệm bảo lãnh như hợp đồng tín dụng ký trước thư bảo lãnh, bên vay sử dụng vốn sai mục đích…

Tuy nhiên, vào thời điểm phát hành thư bảo lãnh, SHG là công ty mẹ của Công ty cổ phần Thép Sông Hồng với tỷ lệ sở hữu 87,5% vốn. Theo đó, SHG vừa đóng vai trò là đơn vị chủ quản, vừa là bên bảo lãnh khoản vay của công ty con.

Theo cơ quan tố tụng, SHG có đầy đủ các yếu tố tham gia quản lý vốn tại Công ty cổ phần Thép Sông Hồng. Mọi hoạt động của công ty con này đều có sự giám sát của SHG. Khi lập kế hoạch vay vốn, Công ty cổ phần Thép Sông Hồng đã trình duyệt và được SHG phê duyệt kế hoạch vay vốn. SHG hoàn toàn có quyền giám sát tình hình sản xuất - kinh doanh và sử dụng vốn vay của công ty con này. Tại tòa, đại diện SHG thừa nhận thiếu trách nhiệm quản lý kinh tế với các công ty con.

Vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết. Được biết, hiện nay, SHG đã giảm sở hữu tại Công ty cổ phần Thép Sông Hồng xuống 32,9% vốn.

Theo Tin nhanh Chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến