Dòng sự kiện:
Tổng giám đốc Trần Phương Bình viết thư tay xin lỗi 7 triệu khách hàng
22/08/2015 12:27:34
Trong tâm thư gửi cổ đông, khách hàng và nhân viên hai ngày sau khi bị đình chỉ chức vụ, ông Bình tự nhận mình đã có những quyết sách dẫn đến kết quả xấu như hiện nay và bày tỏ khát khao phục hồi DongA Bank.

Tin liên quan

Ngân hàng Đông Á vào diện kiểm soát đặc biệt / Ông Trần Phương Bình mất chức Tổng giám đốc DongA Bank

"Tôi thành thật xin lỗi hơn 7 triệu khách hàng đã tín nhiệm Ngân hàng Đông Á trong hơn 23 năm qua về những phiền toái mà ngân hàng đã gây ra, ảnh hưởng đến khách hàng trong những ngày đầu ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. Tôi thành thật xin lỗi toàn thể cổ đông và tất cả cán bộ công nhân viên đã cùng tôi gắn bó xây dựng thương hiệu DongA Bank về sự lo lắng, hoang mang về công việc, về sự tồn tại của DongA Bank chúng ta", ông Trần Phương Bình bắt đầu bức tâm thư viết tay gửi VnExpress sáng nay.

Ông Trần Phương Bình viết tâm thứ xin lỗi khách hàng và cổ đông

Chiều 20/8, ông đã bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc và thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng cổ phần Đông Á (DongA Bank), nơi ông đã gây dựng và dẫn dắt phát triển suốt 23 năm qua. 6 ngày trước đó, DongA Bank trở thành trường hợp kiểm soát đặc biệt đầu tiên trong lịch sử bị Ngân hàng Nhà nước công bố rộng rãi trên các kênh truyền thông, vì những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng giai đoạn trước năm 2012.

Những dòng tâm tư được ông Bình viết tay với màu mực tím ngay ngắn trên giấy trắng khổ A4 không dòng kẻ, tại nhà riêng sáng nay, sau những nỗ lực cứu vãn tình hình, ngăn Đông Á không rơi vào tình thế tồi tệ hơn sau khi thông tin kiểm soát đặc biệt bị công bố, và một bộ phận khách hàng vì lo lắng đã tới ngân hàng rút tiền.

Nhắc lại khát vọng phát triển DongA Bank thành ngân hàng của đại đa số người dân Việt Nam, bao gồm công nhân, nông dân, phụ nữ, sinh viên, người về hưu trong hơn 20 năm điều hành vừa qua, ông Bình cũng thừa nhận trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, đã có những quyết sách, những hành động dẫn đến kết quả xấu như hiện nay.

Ông cho biết mình đồng tình với việc bị đình chỉ chức danh quản trị, điều hành, sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân trước các quy định của pháp luật, nhưng ông ước mong khách hàng thông cảm và tiếp tục giao dịch để DongA Bank có cơ sở phục hồi. Ông mong cổ đông sẽ ủng hộ khi ông đệ trình phương án củng cố, phục hồi hoạt động của ngân hàng.

"Mong tập thể cán bộ nhân viên biến lo lắng thành hành động tiếp tục phát triển năng lực cá nhân của mình để góp phần xây dựng một DongA Bank tốt hơn trong tương lai. Một lần nữa, tôi cúi đầu nhận lỗi trước tất cả mọi người và thành thật xin lỗi gia đình tôi, những người thân và tất cả mọi người", ông viết.

Chia sẻ với VnExpress, ông Bình nhắc lại nhiều lần việc chịu trách nhiệm cá nhân và khát khao vực dậy DongA Bank. "Tự đáy lòng tôi muốn nói lời xin lỗi với tất cả mọi người. Nói được ra như vậy, tôi thấy phần nào thanh thản hơn", ông nói.

Bức thư của ông Trần Phương Bình

Ông Trần Phương Bình đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank từ năm 1998 và là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị nhà băng này từ 2013 đến nay. Ông Bình sinh năm 1959, là cử nhân kinh tế, nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy kinh tế, trước khi chuyển sang gây dựng và dẫn dắt Ngân hàng Đông Á phát triển trong hơn 23 năm qua.

Là một thầy giáo gắn bó 8 năm liền trên bục giảng, bất ngờ rẽ sang kinh doanh, tưởng chừng là điều rất khó thích ứng nhưng ông Bình đã vượt qua và trở thành một CEO bản lĩnh trên thị trường ngân hàng. Từ một ngân hàng không tên tuổi với số vốn điều lệ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, ông Bình và các đồng sự đã định vị được thương hiệu DongA Bank với một mô hình ngân hàng bán lẻ, quy mô vốn năm 2014 là 5.000 tỷ đồng, dự kiến lên 10.000 tỷ trong vài năm tới. DongA Bank được xem là một trong những nhà băng hàng đầu về mảng dịch vụ thẻ và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động, đưa vào hoạt động các dòng ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp lớn nhất Việt Nam...

Ông Bình vốn nổi tiếng với phương châm điều hành "Đi chậm mà chắc", không chạy đua theo chỉ tiêu, mà quên đi quản trị rủi ro. Đó cũng chính là quan điểm trong xây dựng chiến lược phát triển của DongA Bank và giúp nhà băng này đứng vững trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhiều năm trước đó.

Tuy nhiên, giai đoạn 2008 - 2012, ban lãnh đạo Ngân hàng Đông Á có dấu hiệu đi chệch hướng khi lơ là khách hàng tiểu thương và lao mạnh vào một số lĩnh vực nóng như bất động sản để đẩy mạnh tín dụng. Lúc đó, ngân hàng giao chỉ tiêu xuống cho từng chi nhánh, phòng giao dịch và tiếp nhận nhiều khách hàng lớn nhưng tài chính không ổn. Mặt khác, đây là giai đoạn bất động sản bắt đầu đóng băng khiến nợ xấu phát sinh và cuốn Ngân hàng Đông Á vào vòng xoáy.

“Cú trượt chân” nợ xấu này là một trong những nguyên nhân khiến nhà băng bị thanh tra và nhận quyết định kiểm soát đặc biệt vào chiều 13/8, dù DongA Bank không phải là cái tên được nhắc tới trong lần đầu Ngân hàng Nhà nước công bố kế hoạch tái cơ cấu toàn diện hệ thống.

​Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 35 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2013. Với kết quả trên, DongA Bank không trả cổ tức cho cổ đông. Tăng trưởng tín dụng là 1% (cho vay tổ chức tín dụng trong nước tăng 73% trong khi cho vay khách hàng giảm 2,26%) và nợ xấu là 3,7%.

Trước khi xảy ra những biến cố trên, Ngân hàng Đông Á đã đưa ra bài toán tái cơ cấu toàn diện cho ngân hàng, trong đó, có tính mua bán sáp nhập với Ngân hàng An Bình nhưng bất thành vì nhiều cổ đông lớn không đồng ý. Sau đó là quyết định phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư là Công ty Kinh Đô (KIDO) để nâng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.

Gần nhất, Tổng giám đốc Trần Phương Bình cho hay, ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và đã có văn bản xin Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian đến cuối năm để xây dựng đề án cơ cấu lại. Theo ông, có hai phương án chính là tăng cường xử lý nợ xấu và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong đó phương án hai là giải pháp tốt nhất. Trong kế hoạch tăng vốn này, mới đây lãnh đạo Ngân hàng Đông Á có dự định bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tới 49% và hỗ trợ tài chính để nhà băng xử lý nợ xấu.

Theo Lệ Chi (vnexpress)


 
 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến