Tổng Thanh tra thừa nhận: Cơ quan chống tham nhũng có tham nhũng!
24/12/2015 15:37:12
Bên lề Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do UBND TP tổ chức, sáng 24-12, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí về thực trạng phòng chống tham nhũng.

Tin liên quan

Trong báo cáo của TP HCM nêu "có biểu hiện tham nhũng ngay trong chính cơ quan chống tham nhũng". Ông nhận định sao về vấn đề này cũng như đội ngũ chống tham nhũng?

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Hàng năm, chúng tôi đã có tập hợp, báo cáo nhận thấy trong cơ quan thanh tra, kiểm sát, tòa án, công an đều có tội phạm này. Tôi khẳng định là các cơ quan chống tham nhũng có hành vi tham nhũng của những người thực thi công vụ nhưng ở mức độ chưa nhiều. Sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng xử lý, phát hiện nhiều hơn những trường hợp này.

Lĩnh vực nào tham nhũng phức tạp nhất, thưa ông?

Lĩnh vực được cho là tham nhũng phức tạp, nhạy cảm nhất là quản lý xây dựng đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư công về sử dụng ngân sách nhà nước, công tác cán bộ. Đây là những lĩnh vực mà không riêng gì địa phương mà trong kế hoạch thanh tra năm 2016, chúng tôi cũng tập trung những lĩnh vực nhạy cảm này, tiến hành thanh tra để vừa phòng ngừa, phát hiện chấn chỉnh.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời báo chí sáng 24-12 (Ảnh: Phan Anh)

Xin ông cho biết những biểu hiện lợi ích nhóm liên quan đến tham nhũng?

Thứ nhất là trong hoạt động các cơ quan nhà nước. Biểu hiện lợi ích nhóm được thể hiện khi xảy ra một số vụ án thì có sự liên kết chặt chẽ một nhóm đông người, có thể cùng một cơ quan tổ chức hay nhiều cơ quan tổ chức khác nhau. Những  người này kết lại thành một khối để tạo ra lợi ích nhóm.

Thứ hai là trong hoạt động của ngân hàng. Ở lĩnh vực này, lợi ích nhóm biểu hiện rõ ràng nhất. Điển hình như các vụ án đang xử đây là biểu hiện của lợi ích nhóm rất rõ như vụ án của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh 2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong báo cáo của Ngàn hàng Nhà nước năm 2015 cũng nói rõ điều này.

Thứ ba là biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng cơ chế chính sách, muốn làm sao thực hiện có lợi cho ngành mình, địa phương mình hay cho lợi ích nhóm của mình.

Chính phủ đã có cơ chế khuyến khích người dân tham gia phòng chống tham nhũng nhưng số người tham gia tố giác tham nhũng chưa cao. Người dân đang sợ bị trả đũa?

Trong nghị định của Chính phủ có khen thưởng, bảo vệ người tố cáo nói chung, trong đó có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên trong thơi gian quan, cộng đồng xã hội vẫn chưa thực hiện được nhiều. Có những nguyên nhân như khi tố cáo, người dân vẫn chưa tin vào sự giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Cái thứ 2 là việc bảo vệ người tố cáo của cơ quan có trách nhiệm chưa đầy đủ.

Thứ 3 là cái khen thưởng người tố cáo cũng chưa được rõ ràng, chưa được tốt.

Cho nên vừa qua, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ đã ký thông tư về khen thưởng người tố cáo, thông tư này đang được triển khai. Nếu thực hiện tốt, tôi nghĩ sẽ khuyến khích được người tố cáo hành vi tham nhũng trên lĩnh vực.

Đã có những tố giác nào của người dân về sự bất minh trong kê khai tài sản trong cán bộ công chức nhất là lãnh đạo cao cấp?

Vừa qua, thực hiện nghị định của Chính phủ về việc kê khai thu nhập nhưng hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là việc tố cáo hành vi bất minh trong kê khai tài sản là có nhưng không nhiều, hàng năm chỉ vài ba người. Năm 2015, cả nước chỉ phát hiện 5 người kê khai tài sản bất minh. Cho nên sắp tới việc kê khai tài sản phải rõ ràng hơn, giải pháp mạnh mẽ hơn, chế tài đầy đủ hơn thì mới có thể khắc phục được tình hình này, tránh hình thức.

Ông đánh giá thế nào về việc người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng?

Trong Luật Phòng chống tham nhũng có 9 giải pháp, trong đó có giải pháp trách nhiệm người đứng đầu. Giải pháp này chưa hiệu quả trong thời gian vừa qua cũng như trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ. Những người làm tốt cũng đưa được đánh giá đầy đủ, ngược lại những người chưa làm tốt cũng chưa được xử lý nghiêm. Sắp tới sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng sẽ có những giải pháp đầy đủ hơn, chế tài mạnh hơn trách nhiệm người đứng đầu và khen thưởng người làm tốt.

Theo Người lao động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến