Dòng sự kiện:
Tp.HCM bàn giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế
16/10/2021 17:10:47
Sáng 16/10, UBND Tp.HCM tổ chức hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp cho việc phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo khoa học Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Tp.HCM giai đoạn 2022-2025, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM nhận định, địa phương chưa bao giờ gặp khó khăn và chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 như thời gian vừa qua.

Đến nay, Tp.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đòi hỏi TP cần nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát được hoàn toàn.

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, TP vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phải tính toán có lộ trình để phục hồi kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND TP mong muốn nhận được sự góp ý, đánh giá của các chuyên gia nhận diện về xu hướng diễn biến dịch bệnh cùng những tác động tích cực, tiêu cực đến kinh tế thế giới và cả nước. Đồng thời, góp ý, gợi mở giải pháp giúp TP giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí trong mối tương quan với khu vực và thế giới. Tp.HCM cũng tìm kiếm những điều chỉnh cần thiết để tận dụng thời cơ mới, động lực mới trong việc phát huy năng lực kinh tế xã hội.

Để tìm ra giải pháp phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, Tp.HCM tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến chuyên gia.

Không cần thiết cách ly F1 nếu đã tiêm đủ 2 mũi

Tại hội thảo, PGS.TS.Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược Tp.HCM đặt ra câu hỏi: “Chúng ta có kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế xã hội thì cần đảm bảo phòng chống dịch như thế nào? Giải pháp nào quan trọng trong tình hình mới?”.

Theo chuyên gia, việc sống chung an toàn, bền vững với dịch Covid-19 chỉ có thể đạt được khi địa phương đạt miễn dịch cộng đồng.

Với tỉ lệ gần 100% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm vắc-xin và 72% người dân đã tiêm đủ 2 mũi, Tp.HCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần.

“Miễn dịch cộng đồng một phần có nghĩa là ngoại trừ những người đã tiêm vắc-xin sẽ được bảo vệ, những người chưa tiêm vắc-xin cũng được bảo vệ một phần do giảm nguy cơ bị lây nhiễm từ những người xung quanh. Điều này làm làm giảm tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và góp phần giảm số ca mắc mới”, ông Dũng cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Dũng, do miễn dịch cộng đồng này là không hoàn toàn nên người không tiêm ngừa vẫn còn khả năng mắc bệnh, dịch vẫn còn có khả năng gia tăng.

Từ đó, ông Dũng đề nghị lãnh đạo Tp.HCM tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện 5K; yêu cầu tuân thủ các quy định phòng chống dịch tại các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, xây dựng chiến lược xét nghiệm phát hiện ca bệnh có hiệu quả.

Cùng với đó là việc mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ, cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch và sử dụng biện pháp kiểm soát kinh tế để yêu cầu tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Đáng chú ý, ông Dũng nêu ý kiến, không cần thiết cách ly F1 nếu những người này đã được tiêm vắc-xin đủ 2 mũi. Đồng thời, cần xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để có thể ứng phó kịp thời và đánh giá mức độ miễn dịch ở người lớn tuổi để có thể thực hiện các mũi tiêm tăng cường ở các đối tượng này khi cần thiết.

Cần hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng cho người lao động

Nhận định về mức độ thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Quốc gia Tp.HCM chỉ ra rằng làn sóng Covid-19 lần 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu. Nếu tăng trưởng diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2021 ở tất cả các ngành trên địa bàn Tp.HCM đạt 5,46%, tăng gấp 3 lần so với 6 tháng đầu năm 2020 thì đến tháng 7/2021 đã ghi nhận sự "tổn thương" nghiêm trọng nhất ở ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Theo Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, tình hình xấu đi rất nhiều trong tháng 8/2021 khi doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7/2021, nghiêm trọng nhất ở sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, dệt, sản xuất da.

Xuất nhập khẩu cũng giảm mạnh. Chỉ sau 2 tuần đầu tháng 8, doanh số xuất khẩu đã giảm đến 24,2%, nhập khẩu giảm 11,7%, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm 3.860 tỷ đồng, chỉ còn bằng với 2/3 so với 2 tuần cuối tháng 7/2021.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực xuất hiện trong tháng 9/2021 khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành, không có ngành nào giảm sâu dưới 6% so với tháng 8/2021. Nhìn chung, khó khăn nhất rơi vào tháng 8/2021.

PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh đánh giá, về tổng thể, quy mô nền kinh tế Tp.HCM đang vận hành ở tháng 9 chưa đạt 50% so với trạng thái bình thường ở thời điểm cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá lương thực và thực phẩm vẫn tiếp tục tăng nhiều so với tháng trước, lần lượt chạm mức 0,98% và 0,71%. Mức tăng này khá cao so với Tp.Hà Nội khi tăng lần lượt 0,54% và 0,03%, và trung bình cả nước là 0,12% và -0,3%.

Tp.HCM là địa phương có thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 dài nhất cả nước.

“Chi phí ăn uống tại Tp.HCM vốn đã đắt so với các tỉnh thành trong cả nước trở nên càng đắt hơn và điều này ảnh hưởng lớn đến chi tiêu của hộ gia đình, nhất là đối tượng có thu nhập trung bình và thấp”, ông Khánh nhận xét.

Với sự tổn thất ở cả 3 khu vực là cá nhân, doanh nghiệp và Nhà nước, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh đề xuất có chính sách chia sẻ chi phí lương, tăng tái tạo việc làm. Bởi lẽ, tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm.

“Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc, nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại Tp.HCM”, ông Khánh nêu ý kiến.

Ông Khánh đề xuất Tp.HCM sử dụng ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng áp dụng từ tháng 9/2021 đến 3/2022 chia làm 2 giai đoạn: Từ nay đến tháng 12/2021 và trong quý 1/2022. Ước tính quy mô gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng tương đương 0,29% GRDP của TP.

Chính sách hỗ trợ cao hơn cho Tp.HCM

Phát biểu tại hội thảo, bàn về giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ nhận định Tp.HCM cần xác định các trụ cột thúc đẩy tăng trưởng, gồm các nhóm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngành du lịch và thương mại.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, về nguyên tắc của kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế sẽ tự phục hồi sau khi Nhà nước cho phép các ngành kinh tế được hoạt động trở lại, thu hẹp “vùng cấm”.

Tuy nhiên, với "sức khỏe" của doanh nghiệp hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên của thị trường, thì rất khó khăn và có nguy cơ suy sụp, không "đứng dậy" được. Do đó, Nhà nước phải đóng vai trò "bà đỡ" thông qua chức năng quản lý Nhà nước. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều sử dụng gói hỗ trợ tài chính và chính sách nới lỏng tín dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế.

TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Do Tp.HCM là nơi chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch và nơi có thời gian chịu biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt lâu nhất nên chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp phải cao hơn mức chung của cả nước. Đặc biệt về thời gian và đối tượng được giảm, miễn thuế; việc khoanh nợ, giãn nợ tín dụng; giảm lãi xuất vay và các gói tín dụng ưu đãi…”

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến