Dòng sự kiện:
TP.HCM đề xuất được quyết định chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất lúa
22/09/2022 13:28:10
Góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Sở TN-MT TP.HCM đề xuất Trung ương phân cấp cho HĐND TP được quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa.

Để xuất trên được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM đưa ra tại buổi tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực”, do báo SGGP tổ chức ngày 21/9.

Tách bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập

Theo ông Thắng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có 2 chương rất gần gũi mà TP.HCM quan tâm, đó là cơ cấu chính sách, bộ máy đi liền với nhau để phát triển quỹ đất; thu hồi, trưng dụng tái định cư.

Ông Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm

Cụ thể, đối với trường hợp trên 80% người dân đã chấp thuận nhận bồi thường trong các dự án đã được Nhà nước chấp thuận chủ trương thì Nhà nước cần có quy định để chủ đầu tư tiếp tục bồi thường phần đất còn lại để dự án sớm được triển khai.

“Theo tôi, cần tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án (hoặc dự án) bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổ chức thực hiện độc lập”, ông Thắng kiến nghị.

Đồng thời, áp dụng chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp chậm chi trả tại các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt trước ngày 1/7/2014 theo hướng: “Không thay đổi chính sách và đơn giá tái định cư đã phê duyệt tại phương án, thực hiện hỗ trợ lãi suất phần giá trị bồi thường, hỗ trợ chậm chi trả”.

Ông Thắng cũng đề xuất, trong dự thảo Luật Đất đai tới cần có quy định cho phép “việc thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất sạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, tạo sự chủ động trong việc chuẩn bị mặt bằng đối với các dự án đầu tư nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển”.

Cho phép thực hiện dự án đầu tư công để phục vụ riêng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, theo ông Thắng, cần phân cấp cho HĐND TP được quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa; Rút ngắn thời gian thông báo đối với đất nông nghiệp từ 3 tháng xuống còn 1 tháng, đất ở từ 6 tháng xuống còn 3 tháng; Phân cấp việc xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ cho UBND cấp huyện thực hiện...

TP.HCM đề xuất cho phép HĐND TP được quyết định chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất lúa

Về xác định giá đất, theo ông Thắng, cần hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất cụ thể. Theo đó, quy định rõ ràng việc xác định giá đất theo từng phương pháp; bỏ cơ chế khung giá đất; trên cơ sở kết quả tư vấn, thẩm định giá đất, các địa phương ban hành bảng giá đất để sử dụng vào mục đích thu thuế, phí.

Cho phép xây công trình tạm trên đất vướng quy hoạch

Cũng tại buổi tọa đàm, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, Luật đất đai lần này cũng còn vướng đối với các dự án phát triển nhà ở. Ví dụ, trong luật nhà ở quy định phải là 100% đất ở thì mới làm dự án nhà ở được. Tuy nhiên thực tế, khi làm dự án nhà ở thì cũng phải bồi thường đất nông nghiệp và các loại đất khác mà không phải hoàn toàn là đất ở, như vậy sẽ không thể thực hiện được đối với các dự án nhà ở có nhiều loại đất.

Vấn đề thứ hai, theo ông Khiết cần phải điều chỉnh là: Luật hiện nay lại áp dụng chung cho tất cả các vùng từ nông thôn đến đô thị. Trong khi các tỉnh, thành, các vùng núi hay đồng bằng đều có sự khác nhau, do đó không thể áp dụng chung như Luật quy định.

Luật đất đai phải áp dụng theo vùng, theo khu vực đặc thù, chứ áp dụng chung sẽ không bao giờ thực hiện được, vẫn sẽ có vướng mắc khó gỡ.

Về phương pháp tính giá đất, ông Khiết cho rằng hiện nay có 5 phương pháp nhưng đều là phỏng đoán và không chính xác. Do đó, cần tính lại hoặc là thực hiện theo bảng giá đất mà TP.HCM đã đề xuất, sẽ mang lại tính ổn định hàng năm.

Về vấn đề xây dựng công trình trên đất vướng quy hoạch hay đất nông nghiệp, ông Khiết cho rằng, cần linh hoạt cho phép người dân xây dựng tạm đến mức độ nào và người ta được toàn quyền việc xây dựng đó.

Cần linh hoạt cho phép người dân xây công trình tạm trên đất nông nghiệp hay đất bị vướng quy hoạch treo

Qua đó, ông Khiết để xuất phải điều chỉnh trong Luật đất đai và Luật xây dựng theo hướng linh hoạt như trên.

Vấn đề này ông Khiết đưa ra, vì trước đó, có mặt tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tư, người dân có đất nông nghiệp ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM chia sẻ về nguyện vọng được cất ngôi nhà tạm để che mưa, che nắng trên khu đất bị vướng quy hoạch đã hơn 10 năm.

Theo ông Tư, khu đất nông nghiệp ông nhận chuyển nhượng có diện tích 1.089m2, có sổ đỏ, nhưng bị vướng quy hoạch đã hơn 10 năm.

“Tôi muốn xin xây một cái nhà nho nhỏ để nuôi gà, vịt tại phần đất nông nghiệp nói trên, nhưng chính quyền địa phương cho biết, bị vướng quy hoạch, không được xây dựng. Muốn xây nhà, tôi phải làm dự án trình lên UBND xã. Tôi mong chính quyền địa phương cho chúng tôi cất ngôi nhà tạm để cải thiện thu nhập. Khi chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ thì tôi sẽ phá dỡ ngay, không đòi hỏi bồi thường”, ông Tư tha thiết.

Trả lời về vấn đề của ông Nguyễn Văn Tư, ông Dương Văn Phúc, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hóc Môn cho biết, giấy chứng nhận của ông Nguyễn Văn Tư là đất nông nghiệp. Cần xem lại hiện trạng trên đất có gì? Nếu có sẵn công trình thì được sửa chữa nhưng không thay đổi hiện trạng, vì phải theo quy hoạch. Sau buổi tọa đàm này, ông Nguyễn Văn Tư có thể gặp Phòng TN-MT huyện để xem xét thực tế và giải quyết.

Tại buổi tọa đàm, Ts Trần Du Lịch cho rằng, Luật Đất đai lần này chưa giải quyết được hai vấn đề lớn, cụ thể:

1/ Tình trạng lãng phí đất hoang, quá trình đô thị hóa chuyển đất nông nghiệp thành đất hoang, xây nhiều khu đô thị ma mua đi bán lại để đầu cơ.

2/ Từ đầu cơ đẩy giá đất lên vượt sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân, nếu không giải quyết vấn đề này thì khó phát triển kinh tế.

Ông Lịch cho rằng, hễ làm Luật hay sửa đổi Luật thì càng dài, càng phức tạp hơn. “Chúng ta làm Luật mà cứ như đan một tấm lưới để bắt hết mọi loại cá, làm như thế sẽ không bao giờ hết các vướng mắc”.

Cũng theo ông Trần Du Lịch, trong Luật chỉ cần nêu các vấn đề quan trọng, mang tầm quốc gia; những vấn đề còn lại thì phân cấp để các địa phương tự làm.

Tác giả: Hồ Văn

 

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến